Qua công tác thanh tra, kiểm tra tại một số tổ chức đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương, trong thời gian qua Thanh tra Sở nhận thấy bên cạnh những kết quả, ưu điểm đạt được, tổ chức đấu giá tài sản thường gặp phải một số sai sót, hạn chế, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Công bố nội dung đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Theo quy định tại Điều 28 Luật Đấu giá tài sản quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động, doanh nghiệp đấu giá tài sản phải đăng báo hàng ngày của trung ương hoặc địa phương nơi đăng ký hoạt động trong 03 số liên tiếp. Trường hợp thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, doanh nghiệp đấu giá tài sản phải công bố những nội dung thay đổi.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đấu giá tài sản không công bố nội dung đăng ký hoạt động, nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Có trường hợp thực hiện công bố nhưng không đúng về số lần, thời hạn, nội dung đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024) quy định: hành vi "Công bố không đúng về số lần, thời hạn, nội dung đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản" phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (điểm k khoản 1 Điều 24); hành vi "không công bố nội dung đăng ký hoạt động, nội dung thay đổi đăng ký hoạt động của doanh nghiệp đấu giá tài sản" phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm k khoản 2 Điều 24).
Thứ hai: Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên
Điều 20 Luật Đấu giá tài sản quy định, đấu gia viên tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp thông qua tổ chức đấu giá tài sản. Tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình.
Qua thanh tra, kiểm tra, có trường hợp tổ chức đấu giá tài sản mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không đầy đủ cho đấu giá viên thuộc tổ chức mình. Vẫn có trường hợp không mua bảo hiểm trách nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình.
Theo quy định của Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024), hành vi "Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không đầy đủ cho đấu giá viên của tổ chức mình" phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (điểm i khoản 1 Điều 24); hành vi "Không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức mình" phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm i khoản 2 Điều 24).
Thứ ba: Lập, quản lý, sử dụng sổ, biểu mẫu không đúng quy định. Thường các tổ chức đấu giá tài sản lập, sử dụng Sổ theo dõi tài sản đấu giá, Sổ đăng ký đấu giá không đúng theo quy định của Thông tư số 06/2017/TT-BTP ngày 16/05/2017 của Bộ Tư pháp quy định về chương trình khung của khóa đào tạo nghề đấu giá, cơ sở đào tạo nghề đấu giá, việc tập sự và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá và biểu mẫu trong lĩnh vực đấu giá tài sản.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024) quy định: hành vi "Lập, quản lý, sử dụng sổ, biểu mẫu không đúng quy định" phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng (điểm a khoản 1 Điều 24); hành vi "không lập, quản lý, sử dụng sổ theo quy định" phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm e khoản 2 Điều 24).
Thứ tư: Thành phần hồ sơ đấu giá
- Tại khoản 2, khoản 3 Điều 33 Luật Đấu giá tài sản quy định: Khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá có trách nhiệm cung cấp cho tổ chức đấu giá tài sản bằng chứng chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền được bán tài sản theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về bằng chứng đó. Tổ chức đấu giá tài sản có trách nhiệm kiểm tra thông tin về quyền được bán tài sản do người có tài sản đấu giá cung cấp…".
Qua kiểm tra một số hồ sơ đấu giá, có trường hợp hồ sơ không lưu giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc quyền được bán tài sản của người có tài sản, không lưu giấy tờ thể hiện giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Trường hợp tài sản đấu giá là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tích thu; tuy nhiên, trong hồ sơ không có quyết định tịch thu của cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ đấu giá cũng không có giấy tờ thể hiện tổ chức đấu giá tài sản yêu cầu người có tài sản làm rõ.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024) quy định: hành vi "Không kiểm tra thông tin về quyền được bán tài sản do người có tài sản cung cấp dẫn đến việc đấu giá đối với tài sản không được phép bán hoặc tài sản chưa đỉ điều kiện đấu giá theo quy định" phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (điểm e khoản 3 Điều 24), kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công trong trường hợp dẫn đến làm sai lệch kết quả đấu giá" (điểm b khoản 7 Điều 24).
- Tổ chức đấu giá tài sản không lập chứng từ hoặc không ghi thông tin trên chứng từ thu tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước của người tham gia đấu giá.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024) quy định phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: "Không lập chứng từ hoặc không ghi thông tin trên chứng từ thu tiền mua hồ sơ tham gia đấu giá" (điểm a khoản 2 Điều 24), hành vi "thu không đúng mức tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá" (điểm r khoản 2 Điều 24); phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi "Bán hoặc tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá không đúng quy định" (điểm b khoản 3 Điều 24).
Thứ năm: Về Quy chế cuộc đấu giá, các tổ chức thường có sai sót như:
- Ban hành Quy chế cuộc đấu giá cùng với ngày niêm yết việc đấu giá tài sản.
- Quy chế cuộc đấu giá chưa đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Đấu giá tài sản.
- Nội dung Quy chế chưa đảm bảo theo quy định của Luật Đấu giá tài sản, tổ chức đấu giá quy định thêm một số trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước (trả giá dưới mức giá khởi điểm, trả sai bước giá quy định, tham gia đấu giá nhưng không trả giá, ...), quy định số tiền đặt trước của khách hàng vi phạm sẽ thuộc về tổ chức đấu giá tài sản, ...
- Hồ sơ đấu giá chưa có tài liệu, hình ảnh thể hiện tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai Quy chế cuộc đấu giá.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024) quy định phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi: "Ban hành quy chế cuộc đấu giá không đúng hoặc không đầy đủ các nội dung chính theo quy định hoặc không thông báo công khai quy chế cuộc đấu giá" (điểm d khoản 3 Điều 24), hành vi "Đặt thêm các yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá theo quy định" (điểm đ khoản 3 Điều 24).
Trường hợp không ban hành quy chế cuộc đấu giá cho từng cuộc đấu giá thì phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (điểm đ khoản 5 Điều 24), hình thức xử phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt đồng từ 03 tháng đến 06 tháng", kèm biện pháp khắc phục hậu quả "Buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công" (điểm b khoản 7 Điều 24).
Thứ sáu: Niêm yết việc đấu giá tài sản, thông báo công khai việc đấu giá tài sản
- Tổ chức đấu giá tài sản niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá tài sản theo Thông báo đấu giá tài sản do tổ chức đấu giá ban hành. Tuy nhiên, Thông báo đấu giá không có đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 35, khoản 4 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản.
- Hồ sơ đấu giá không lưu tài liệu, hình ảnh về việc niêm yết, thông báo công khai.
Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 117/2024/NĐ-CP ngày 18/9/2024) quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi: "Niêm yết hoặc thông báo công khai đấu giá không đúng quy định" (điểm a khoản 3 Điều 24), hành vi "Không lưu hình ảnh niêm yết trong hồ sơ đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản theo quy định". Đối với hành vi: "Không niêm yết hoặc không thông báo công khai việc đấu giá tài sản việc thay đổi nội dung đấu giá đã được niêm yết, thông báo công khai", ngoài phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, hình thức xử phạt bổ sung Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng, kèm biện pháp khắc phục hậu quả: Hủy kết quả đấu giá tài sản nếu tài sản đấu giá là tài sản công hoặc buộc tổ chức đấu giá tài sản thực hiện các thủ tục đề nghị hủy kết quả đấu giá theo quy định trong trường hợp đấu giá tài sản không phải là tài sản công.
Thứ bảy: Biên bản đấu giá
Theo nội dung Biên bản đấu giá thể hiện đại diện người có tài sản tham gia cuộc đấu giá và ký biên bản đấu giá, tuy nhiên, hồ sơ không lưu giấy tờ chứng minh tư cách đại diện cho người có tài sản.
Thứ tám: Thu thù lao dịch vụ đấu giá.
Có trường hợp thu thù lao dịch vụ đấu giá chưa phù hợp theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020). Tổ chức đấu giá tài sản thu cao hơn so với quy định./.
Thanh tra Sở Tư pháp