Ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp. Theo đó, Nghị định có một số điểm mới nổi bật như sau:
1. Sửa đổi phạm vi điều chỉnh của Nghị định
So với Nghị định số 85/2013/NĐ-CP thì phạm vi điều chỉnh của Nghị định cơ bản giữ nguyên. Nghị định số 157/2020/NĐ-CP chỉ bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ; bổ sung nội dung quy định về việc quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để thay thế cho việc công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc như đã thực hiện trước đây.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP về thời gian công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
"Điều 23. Công nhận và đăng tải, hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
1. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của hoạt động tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18, tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
2. Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và gửi cho Bộ Tư pháp.
3. Trường hợp có sự thay đổi về thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã dược công nhận thì bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và gửi cho Bộ Tư pháp.
4. Người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã dược lựa chọn, lập và công bố trước ngày 01 tháng 01 năm 2021, nếu còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
5. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không còn có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp".
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 26 về chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp
Ngoài việc giữ nguyên các quy định về chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp, Nghị định này đã bổ sung quy định chế độ phụ cấp đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế, cụ thể như sau: "Giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thường trực."
4. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 27 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn "Rà soát đội ngũ người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc để đăng tải danh sách trên Cổng Thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo định kỳ hàng năm; đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh trong danh sách chung". Quy định này đã được sửa đổi thành "Rà soát, đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi danh sách cho Bộ Tư pháp".
5. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp
Bên cạnh việc kế thừa các quy định tại Nghị định số 85/2013/NĐ-CP thì Nghị định số 157/2020/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp, cụ thể:
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp, cấp lại, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp;
- Phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc lựa chọn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương
- Báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương theo quy định của pháp luật về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước và quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021./.