I. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Tổ chức triển khai, thực hiện Luật Giám định tư pháp, Đề án
- Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo kịp thời các nội dung nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Giám định tư pháp và Đề án: ngay sau khi Luật Giám định tư pháp sửa đổi, bổ sung và Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp", Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện Đề án, kiện toàn Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện Đề án, ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Đề án, chỉ đạo Sở Tư pháp triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Luật, Đề án: UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Luật, Đề án sâu, rộng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục "Pháp luật và cuộc sống"; đăng Website của Sở Tư pháp và Báo Bình Dương về những nội dung cơ bản của Luật Giám định tư pháp và Đề án; thực hiện chương trình Ngày Pháp luật, văn bản thông tin, phối hợp triển khai. Hằng năm, Sở Tư pháp in tờ gấp pháp luật phổ biến pháp luật về giám định tư pháp.
2. Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp
- UBND tỉnh giao Sở Tư pháp thường xuyên rà soát, đánh giá các quy định của pháp luật về giám định tư pháp: tham gia góp ý Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp, thông tư quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh (sửa đổi, bổ sung bới Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 07/8/2019 Sửa đổi Điều 5 Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND).
- Ngay khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5884/KH-UBND ngày 18/11/2019 triển khai thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Ban hành Quyết định số 3412/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án "Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp" trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Quyết định số 21/QĐ-BCĐ ngày 27/02/2020 về việc thành lập Tổ Thư lý giúp việc cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, Quyết định số 162/QĐ-BCĐ ngày 23/9/2020 của Ban Chỉ đạo Đề án 250 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ Thư ký giúp việc cho Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án. Trong năm 2022, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 5426/KH-UBND ngày 14/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý về giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022, theo đó Lớp học đã diễn ra vào ngày 17/11/2023 với sự tham gia của gần 90 giám định viên tư pháp, người làm công tác giám định trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2473/QĐ-UBND ngày 26/9/2023 về việc kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án, Kế hoạch số 4967/KH-UBND ngày 28/9/2023 về việc tổng kết tình hình triển khai, thực hiện Luật giám định tư pháp và Đề án.
- Về xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương: UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 07/8/2019 Sửa đổi Điều 5 Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ hỗ trợ công tác giám định pháp y, tâm thần, kỹ thuật hình sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Quyết định được ban hành tạo điều kiện thuận lợi và cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc giải quyết các chế độ cho đội ngũ người làm công tác giám định trên địa bàn tỉnh.
3. Hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp
a) Về tổ chức
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 02 tổ chức giám định tư pháp: Trung tâm Pháp y tỉnh thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh.
- Việc củng cố, kiện toàn và bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động, cở sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác:
+ Tại các tổ chức giám định tư pháp: Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác giám định được các ngành quan tâm và đầu tư, cơ bản đáp ứng kịp thời các trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y đã có trụ sở riêng. Hiện nay, Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai 10/11 lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự và pháp y (chưa triển khai giám định âm thanh), cơ sở vật chất, trang, thiết bị cơ bản hiện đại, đáp ứng tốt cho yêu cầu của các hoạt động giám định, tuy nhiên một số trang thiết bị chuyên dụng trong lĩnh vực giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự đã cũ, xuống cấp, việc mua sắm trang thiết bị mới, hiện đại còn nhiều hạn chế gây khó khăn cho công tác giám định. Trung tâm Pháp y đã được trang bị các trang thiết bị cần thiết để phục vụ công tác như: Kính hiển vi 03 cực, 02 đầu thị kính có tích hợp máy chụp ảnh vi thể kỹ thuật số và máy vi tính, Máy đúc bệnh phẩm, Máy cắt tiêu bản tự động… cơ bản đáp ứng được yêu cầu chuyên môn.
+ Tại một số sở, ngành khác: Phần lớn đội ngũ làm công tác giám định tại sở, ngành chưa được trang bị các trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định chuyên môn.
- Tỉnh Bình Dương chưa có văn phòng giám định tư pháp và trong quý IV/2023, dự kiến công bố 01 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tromg lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
b) Xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ người giám định tư pháp
Công tác xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ người giám định tư pháp được tỉnh quan tâm và thực hiện hằng năm
- Về giám định viên tư pháp:
+ Việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp: Việc bổ nhiệm giám định viên tư pháp tại các sở, ngành được thực hiện thường xuyên, trình tự, thủ tục thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Số lượng giám định viên tư pháp có xu hướng tăng, cơ bản đảm bảo nhu cầu giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
+ Hiện nay trên địa bàn tỉnh có: 99 người giám định tư pháp. Trong quý V/2023, dự kiến bổ nhiệm thêm 22 giám định viên tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và lĩnh vực pháp y. Số lượng giám định viên tư pháp ở từng lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính – kế toán, xây dựng, văn hóa và các lĩnh vực khác được thể hiện tại Bảng 1.
+ Đánh giá chất lượng đội ngũ giám định tư pháp hiện: Giám định viên tại các sở, ngành đều có trình độ đại học trở lên, có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực giám định được bổ nhiệm, có trình độ chuyên môn cao. Tuy nhiên, đa số các giám định viên tại sở ngành đều là kiêm nhiệm, phải tập trung cho công tác chuyên môn nên còn kỹ năng trong công tác giám định tư pháp còn hạn chế.
- Về người giám định tư pháp theo vụ việc:
+ Hiện nay trên địa bàn tỉnh có: 23 người giám định tư pháp theo vụ việc. Số lượng người giám định tư pháp theo vụ việc theo Bảng 1.
+ Chất lượng hoạt động của đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc: đội ngũ người giám định tư pháp theo vụ việc là các cá nhân có trình độ đại học trở lên, có kinh nghiệm lâu năm công tác trong lĩnh vực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
- Các giải pháp và hoạt động cụ thể đã thực hiện từ năng 2018 đến nay nhằm tăng cường số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp: Từ năm 2018, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp, các cơ quan chuyên môn tích cực quan tâm phát triển đội ngũ làm công tác giám định. Sở Tư pháp thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho người giám định tư pháp; các sở, ngành thường xuyên cử cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị mình tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ về giám định tư pháp trong lĩnh vực chuyên ngành của từng cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện chế độ chính sách đối với người giám định tư pháp: Bình Dương thực hiện chế độ chính sách đặc thù cho đội ngũ làm công tác giám định theo Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh về việc Quy định chế độ hỗ trợ công tác giám định pháp y, tâm thần, kỹ thuật hình sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương (sửa đổi, bổ sung bới Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 07/8/2019 Sửa đổi Điều 5 Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND).
4. Hoạt động giám định tư pháp
- Kết quả thực hiện hoạt động giám định tư pháp: Từ năm 2018 đến tháng 6 năm 2023, các cơ quan đã tiếp nhận và thực hiện tổng cộng 28.175 vụ việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự, tài chính – thuế, ngân hàng, tài nguyên môi trường, giao thông vận tải, công thương, xây dựng, thông tin và truyền thông, văn hóa, nông nghiệp, hải quan, xây dựng (Kết quả cụ thể tại Bảng 2).
- Về việc đáp ứng kịp thời, đúng thời hạn giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng:
+ Thời gian qua, đối với các quyết định trưng cầu giám định của TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương và cơ quan công an đã được đội ngũ làm công tác giám định tại các sở, ngành thực hiện và giao kết luận giám định kịp thời, đúng thời hạn, chất lượng kết luận giám định được đảm bảo, đúng yêu cầu, phục vụ hiệu quả và đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc tại tòa án.
+ Các vụ giám định đều được tiếp nhận và thực hiện giám định trong thời gian nhanh nhất, kết quả trả lời trong thời hạn của quyết định trưng cầu. Tuy nhiên, một số ít vụ còn chậm do thời điểm số lượng vụ việc gửi giám định nhiều, một số thiết bị phương tiện được trang cấp đã lâu, hoặc bị hư hỏng không có thiết bị thay thế dẫn đến một số vụ phải kéo dài thời gian giám định.
+ Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Dương thường xuyên hướng dẫn cơ quan điều tra các cấp áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và sử dụng kết luận giám định qua các hình thức trao đổi công văn giữa cơ quan điều tra các cấp và phòng Kỹ thuật hình sự, trao đổi trực tiếp, trao đổi trong các cuộc họp án giữa Phòng Kỹ thuật hình sự và Cơ quan điều tra các cấp trong các vụ, việc cụ thể trong thực tế cần thiết phải tiến hành giám định. Hoạt động hướng dẫn này đảm bảo cho sự thông suốt trong các hoạt động tố tụng qua đó đảm bảo cho việc giám định và sử dụng Kết luận giám định được thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật. Đối với các trưng cầu giám định ngoài lực lượng Công an nhân dân như giám định tâm thần, giám định tài chính ngân hàng, … thời gian trả lời kết luận thường kéo dài, một số nội dung kết luận còn chung chung cũng gây không ít khó khăn cho hoạt động điều tra.
- Việc thu, chi trả, sử dụng phí, chi phí giám định tư pháp và thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định cho các đối tượng là người giám định tư pháp, điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán: Đối với tất cả các yêu cầu giám định trong các vụ, việc, TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương, Công an tỉnh luôn thực hiện việc thanh toán chi phí giám định đúng và đầy đủ theo yêu cầu của cơ quan thực hiện giám định.
- Tình hình dự toán, cấp kinh phí, chi trả chi phí, bồi dưỡng giám định của cơ quan trưng cầu cụ thể tại Bảng số 4;
- Tình hình dự toán, cấp kinh phí, chi trả bồi dưỡng phiên toà, chi phí cần thiết cho người giám định tham dự phiên toà của các toà án: Hiện nay, đối với các vụ, việc có phát sinh việc Tòa án đề nghị người giám định đến tham gia phiên tòa, phiên họp thì TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương thực hiện việc chi trả bồi dưỡng phiên tòa, chi phí cần thiết cho người giám định tham dự phiên tòa theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 41/2012/QĐ-TTg ngày 05/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với người tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết việc dân sự. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, TAND 2 cấp tỉnh Bình Dương không phát sinh trường hợp triệu tập người giám định tư pháp đến dự phiên tòa nên không phát sinh việc chi trả bồi dưỡng phiên tòa, chi phí cần thiết cho người giám định tham gia phiên tòa.
5. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp
Với vai trò là cơ quan đầu mối, Sở Tư pháp đã thực tốt chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp tại địa phương, cụ thể:
- Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh công khai và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực giám định tư pháp thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết như: thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Đăng ký hoạt động Văn phòng giám định tư pháp...đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ thực hiện thủ tục. Trong năm 2021, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh sửa đổi và công bố Bộ Thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung trong lĩnh vực giám định tư pháp. Sở Tư pháp đã thẩm định hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp của các sở, ngành một cách nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ cung cấp các căn cứ pháp lý tạo thuận lợi nhất để công tác bổ nhiệm giám định viên tư pháp được nhanh chóng, đúng quy định (Từ năm 2018 đến 2023, Sở Tư pháp đã thẩm định, cho ý kiến đối với 41 hồ sơ bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp, 03 hồ sơ miễn nhiệm giám định viên tư pháp).
- Việc tham mưu các văn bản triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành được kịp thời, đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương: Sở Tư pháp đã ban hành công văn triển khai Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành, ban hành công văn hướng dẫn nội dung bổ nhiệm, miễn nhiệm, công bố danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp; tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho đội ngũ giám định tư pháp; hằng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, lập và công bố danh sách người, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đúng quy định; định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương theo quy định; thường xuyên hỗ trợ, cung cấp thông tin cá nhân, tổ chức giám định tư pháp khi có yêu cầu từ phía cơ quan tiến hành tố tụng.
- Về sự phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp: Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp, Sở Tư pháp – cơ quan đầu mối và các sở, ngành chuyên môn đã có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ qua các công tác tuyên truyền, lựa chọn người, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, bổ nhiệm giám định viên tư pháp, thực hiên chức năng giám định tư pháp khi có trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.
- Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị: được Sở Tư pháp quan tâm, chú trọng. Từ năm 2018 đến nay không phát sinh nội dung khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về giám định tư pháp.
- Về chế độ thông tin, báo cáo: UBND tỉnh thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu của cơ quan trung ương, giao Sở Tư pháp thường xuyên đăng tải Danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh lên trang thông tin điện tử. Các sở, ngành đa số thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.
II. NHỮNG HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ NGUYÊN NHÂN, NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng, ban hành, hoàn thiện thể chế, tổ chức, nhân lực, hoạt động, quản lý và đánh giá, sử dụng kết luận giám định giám định
- Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản: Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg đã cụ thể hóa một phần chính sách đãi ngộ của Nhà nước nhằm động viên, khích lệ đối với đội ngũ người giám định tư pháp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành, tổ chức giám định và thực tiễn áp dụng các chính sách nêu trên cho thấy: Chế độ bồi dưỡng đối với người giám định tư pháp và người giúp việc cho người giám định tư pháp vẫn còn thấp so với tính chất đặc thù công việc và điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Đây là một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng người làm giám định tư pháp chuyên trách không yên tâm gắn bó với công việc giám định cũng như không động viên được những người giám định tư pháp kiêm nhiệm tích cực tham gia hoạt động giám định tư pháp; đồng thời, các chuyên gia giỏi trong các ngành, lĩnh vực không muốn tham gia hoạt động giám định tư pháp.
- Số lượng giám định viên trong lĩnh vực pháp y còn ít. Tại Trung tâm Pháp y tỉnh, chưa có giám định viên về giải phẩu học, việc tuyển dụng bác sĩ còn gặp nhiều khó khăn do rào cản tâm lý về công tác giám định pháp y, người làm công tác giám định pháp y chịu nhiều áp lực từ gia đình, xã hội, không được tiếp xúc với chuyên môn, lâm sàng. Vì vậy, cần có chế độ ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực và người làm giám định pháp y yên tâm công tác.
- Khó khăn trong việc triển khai thực hiện quy định về thành lập Văn phòng giám định tư pháp trong một số lĩnh vực theo quy định của Luật Giám định tư pháp: Theo Khoản 1 Điều 14 Luật Giám định tư pháp quy định: "Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả". Tuy nhiên, qua thực tiễn kết quả hoạt động tại địa phương, các vụ việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực này rất hạn chế về số lượng, chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Mặt khác, các giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh đa số là hoạt động kiêm nhiệm tại các sở, ngành, vì vậy chưa phát sinh nhu cầu thành lập Văn phòng giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
2. Nguyên nhân
Các quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng cho người giám định tư pháp, quy định về xã hội hóa lĩnh vực giám định tư pháp còn chưa phù hợp với thực tiễn.
3. Những bài học kinh nghiệm
Ngoài áp dụng các quy định pháp luật về chế độ bồi dưỡng cho người giám định tư pháp, tỉnh Bình Dưỡng đã ban hành chính sách đặc thù về chế độ hỗ trợ công tác giám định pháp y, tâm thần, kỹ thuật hình sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND ngày 22/12/2014 của UBND tỉnh (sửa đổi, bổ sung bới Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND ngày 07/8/2019 Sửa đổi Điều 5 Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND). Qua đó, phần nào thể hiện sự quan tâm, chia sẻ và động viên của tỉnh đối với đội ngũ người làm công tác giám định tư pháp. Trong thời gian tới, cần mở rộng phạm vi hỗ trợ cho đội ngũ người làm công tác giám định không chỉ đặc thù trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự, pháp y, pháp y tâm thần; đồng thời tăng mức hỗ trợ, đặc biệt là là mức hỗ trợ cho người làm công tác giám định pháp y.
III. Giải pháp và kiến nghị
- Đề xuất điều chỉnh chế độ, mức hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác giám định tư pháp tương xứng với công sức, thời gian và tình hình thực tiễn. Đặc biệt, chú trọng chính sách đãi ngộ cho đội ngũ làm công tác giám định kỹ thuật hình sự, pháp y, pháp y tâm thần.
- Kiến nghị, đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp phù hợp với tình hình thực tế: Xây dựng cơ chế ưu đãi riêng đối với các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (ngoài việc miễn thuế của Trung ương thì có thể ưu đãi thêm các vấn đề khác như miễn thuế đất đai, tạo điều kiện vay tiền mua trang thiết bị...), mở rộng lĩnh vực thường phát sinh nhu cầu giám định tư pháp như giám định tài liệu, giám định chữ ký.