1. Con trai tôi hiện nay mới 17 tuổi, nghiện ma túy đã mấy năm nay. Con tôi đã được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nhưng vẫn tái nghiện. Vừa qua Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An ra Quyết định đưa con tôi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tôi xin hỏi việc Tòa án Dĩ An đưa con tôi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi cháu chưa đủ tuổi thành niên là đúng hay sai theo quy định của pháp luật? Trường hợp con tôi bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì thời gian cai nghiện là bao lâu?
Ông Trần Văn B. (thị xã Dĩ An)
Trả lời:
Tại Khoản 1, Khoản 3, Điều 29 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã được sửa đổi năm 2008 quy định đối với người chưa thành niên nghiện ma túy bị cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện. Theo đó, người nghiện ma tuý từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định thì được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc dành riêng cho họ. Như vậy, căn cứ quy định này, việc Tòa án nhân dân thị xã Dĩ An ra Quyết định đưa con ông vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là đúng theo quy định của pháp luật.
Khoản 2, Điều 28 Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 đã được sửa đổi năm 2008 quy định: Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
2. Tôi đang làm công nhân cho một Công ty cổ phần cơ khí X tại thành phố Thủ Dầu Một và hiện nay tôi bị nhiễm HIV. Đầu tháng 10 công ty sẽ tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Tôi rất lo lắng, khi khám sức khỏe định kỳ như vậy có xét nghiệm HIV hay không? Tôi có quyền được giữ bí mật về việc mình bị nhiễm HIV không? Trường hợp nếu phát hiện tôi bị nhiễm HIV tôi có được tiếp tục làm việc hay không?
Ông Nguyễn Trọng A. (thành phố Thủ Dầu Một)
Trả lời:
Căn cứ theo quy định tại Điểm c, Điểm d, Khoản 1, Điều 4 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 quy định người nhiễm HIV được học văn hóa, học nghề, làm việc; Được giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV/AIDS.
Tại Điểm d Khoản 2 Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 qui định người sử dụng lao động không được có hành vi yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.
Khoản 3 Điều 28 qui định “Chính phủ quy định danh mục một số nghề phải xét nghiệm HIV trước khi tuyển dụng” và theo Điều 20 Nghị định 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 đó là ngành nghề thuộc lĩnh vực hàng không và an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, tại Điểm a, Khoản 2 Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 quy định người sử dụng lao động không được có hành vi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV.
Như vậy căn cứ các quy định trên, Công ty cổ phần cơ khí X không được xét nghiệm HIV khi khám sức khỏe định kỳ cho công nhân và ông được quyền giữ bí mật riêng tư liên quan đến HIV. Trường hợp nếu công ty phát hiện ông bị nhiễm HIV thì ông vẫn được tiếp tục làm việc, Công ty không được cho thôi việc, nghỉ việc vì lý do bị nhiễm HIV. Trong trường hợp công ty có hành vi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của ông vì lý do nhiễm HIV thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (căn cứ Điểm a, Khoản 3, Điều 21 Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế).