1. Tôi muốn làm trại nuôi Nhím, Rắn và Kỳ Đà nhưng không biết quy định của pháp luật như thế nào? Có phải đăng ký, xin giấy phép không?
Bà Trần Thị D.(TX Thuận An)
Trả lời:
Theo Điều 7,8,9 Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường cụ thể như sau:
* Điều kiện nuôi động vật rừng thông thường:
Tổ chức, cá nhân nuôi các loài động vật rừng thông thường phải đảm bảo các điều kiện như: Có cơ sở nuôi, trại nuôi phù hợp với đặc tính sinh trưởng, phát triển của loài nuôi; đảm bảo an toàn cho người và động vật nuôi; đảm bảo các quy định về vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh; có bảng kê mẫu vật động vật rừng thông thường có xác nhận của cơ quan Kiểm lâm sở tại (trường hợp khai thác động vật rừng từ tự nhiên trong nước) hoặc hồ sơ mua bán, trao đổi động vật giữa người cung ứng và người nuôi, trường hợp mua lại của tổ chức, cá nhân khác…Tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc hợp pháp của động vật nuôi.
* Đối với các tổ chức, cá nhân thành lập trại nuôi động vật rừng thông thường: Phải được cơ quan Kiểm lâm cấp giấy chứng nhận trại nuôi thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ, số giấy phép kinh doanh hoặc quyết định thành lập của tổ chức; tên loài, số lượng, nguồn gốc động vật nuôi; địa điểm; mô tả trại nuôi theo mẫu ban hành có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã;
* Hộ gia đình, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải gửi giấy thông báo cơ sở nuôi thể hiện rõ các nội dung: tên, địa chỉ của chủ cơ sở nuôi; tên, số lượng, nguồn gốc loài đề nghị nuôi; địa điểm cơ sở nuôi theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này tới Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp hoặc qua đường bưu điện và phải lập sổ theo dõi theo mẫu kèm theo Thông tư này.
Như vậy để thành lập trại nuôi Nhím, Rắn và Kỳ Đà thì bà nên đến Cơ quan Kiểm lâm Tỉnh để xin Giấy phép. Hồ sơ bao gồm: Giấy đề nghị đăng ký trại nuôi sinh sản động vật rừng thông thường, bảng kê vật được nuôi.
Thời gian cấp phép: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.
2. Hiện nay có rất nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh động vật rừng hoang dã, trong đó có cả các loài động vật quý hiếm bị cấm, tôi muốn hỏi khi phát hiện, bắt được những đối tượng buôn bán thì có hình thức xử lý như thế nào:
Ông Nguyễn Thành T.(huyên Bắc Tân Uyên)
Trả lời:
Theo Điều 23 Nghị định 157/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản: Người có hành vi mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh động vật rừng không thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm hoặc thuộc loài nguy cấp, quý hiếm nhóm IIB thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 500 triệu đồng (tùy theo giá trị của số động vật rừng bị mua bán…). Hành vi vi phạm thủ tục hành chính trong việc mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ động vật rừng và bộ phận của chúng do gây nuôi có nguồn gốc hợp pháp nhưng không chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành thì bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng.
Ngoài ra, Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định: “Người nào săn bắt, giết, vận chuyển, nuôi, nhốt, buôn bán trái phép động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc vận chuyển, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài động vật đó” thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (tùy theo mức độ nghiêm trọng của hành vi). Nếu phạm tội trong trường hợp có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; sử dụng công cụ hoặc phương tiện săn bắt bị cấm; săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm; gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
3. Tôi đang hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người nhiễm chất độc da cam, sống một mình không có vợ, con, được xét thuộc hộ nghèo. Năm nay tôi đã đủ 60 tuổi. Vậy tôi có được hưởng thêm chế độ gì của người cao tuổi không?
Ông Hứa Minh T. (Thị xã Tân Uyên)
Trả lời:
Khoản 1 Điều 17 Luật Người cao tuổi năm 2009 quy định người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền lợi phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng thì được hưởng chính sách bảo trợ xã hội.
Theo như ông trình bày, ông sống một mình không có vợ, con, thuộc hộ nghèo và đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng, nay ông đã được 60 tuổi (người cao tuổi) thì ông được hưởng thêm chính sách bảo trợ xã hội theo qui định tại Khoản 1 Điều 18 của Luật Người cao tuổi. Cụ thể, ông sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng khi chết.
4. Bà ngoại tôi hiện nay đã 80 tuổi, không có lương hưu, trợ cấp xã hội và hiện do tôi phụng dưỡng. Cho tôi hỏi bà tôi có được Nhà nước trợ cấp gì không và mức trợ cấp là bao nhiêu? Đăng ký ở đâu và thủ tục như thế nào?
Bà Trần Thanh Tr. (Thị xã Thuận An)
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 17, khoản 1 Điều 18 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì nếu bà của bà đã đủ 80 tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được hưởng bảo hưởng y tế, trợ cấp xã hội hằng tháng. Căn cứ Quyết định 462/QĐ-UBND ngày 26 tháng 2 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc điều chỉnh mức trợ cấp chuẩn cho đối tượng xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương thì mức trợ cấp đối với người cao tuổi đủ 80 tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng là 340.000 đồng/tháng.
Về thủ tục, theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ, thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ chi phí mai tang và tiếp nhận người cao tuổi vào cơ sở bảo trợ xã hội thì để được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, bà ngoại của bà hoặc bà kê khai đầy đủ thông tin vào Tờ khai thông tin của người cao tuổi (liên hệ Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy Tờ khai) và có bản sao chứng minh thư nhân dân bà ngoại của bà hoặc bản sao sổ hộ khẩu gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bà ngoại của bà cư trú./.
5.Công ty chế biến gỗ nơi chị N. làm việc có nhiều công nhân đã làm việc nhiều năm nhưng nay bị công ty xử lý kỷ luật lao động sa thải mà không có lý do chính đáng, trong đó có chị. Nay chị muốn làm đơn khởi kiện công ty ra Tòa án về việc công ty sa thải chị. Tuy nhiên, theo như chị được biết thì trước khi muốn khởi kiện công ty ra Tòa thì phải tiến hành thủ tục hòa giải tranh chấp lao động trước. Chị N. hỏi trường hợp của chị có phải tiến hành thủ tục hòa giải trước khi khởi kiện hay không?
Chị Hoàng Minh N.(thành phố Thủ Dầu Một)
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 thì tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:
a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Căn cứ quy định trên, trường hợp chị muốn khởi kiện công ty về việc xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải đối với chị thì chị có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở chính của công ty để giải quyết mà không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.
6. Trước đây, anh Đ. làm công nhân cho một công ty nước ngoài tại khu công nghiệp Viêt nam – Singapore với thời hạn hợp đồng là 1 năm. Tháng 10/2014, giữa anh Đ. và công ty xảy ra mâu thuẫn về vấn đề tiền lương, do công ty không giải quyết thỏa đáng nên anh Đ. đã làm đơn xin nghỉ việc và được công ty đồng ý giải quyết. Tuy nhiên, đầu tháng 12/2014, sau khi công ty ký quyết định cho anh nghỉ việc lại không thanh toán tiền lương tháng 11/2014 cho anh. Do thời gian này anh Đ. có việc riêng phải giải quyết nên không thể liên hệ công ty yêu cầu trả tiền lương được. Đầu tháng 05/2015, anh mới liên hệ yêu cầu công ty trả tiền lương nhưng công ty không thực hiện. Anh Đ. hỏi trường hợp của anh bây giờ tiến hành khởi kiện công ty có còn được không?
Anh Trần Quang Đ.(thị xã Dĩ An)
Trả lời:
Trường hợp của anh là tranh chấp lao động cá nhân về việc công ty không trả lương cho người lao động nên theo quy định tại Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012 thì tranh chấp lao động này phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo Điều 202 Bộ luật lao động năm 2012 quy định về thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thì:
- Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
- Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.
Căn cứ quy định trên, tháng 12/2014, công ty ký quyết định cho anh nghỉ việc nhưng không thanh toán tiền lương tháng làm việc tháng 11/2014 cho anh được xác định là thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của anh bị vi phạm, tính đến thời điểm tháng 05/2015 thì vẫn còn trong thời hạn 06 tháng để anh yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động giữa anh và công ty. Anh cần nhanh chóng làm đơn đề nghị hòa giải gửi đến Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện nơi công ty này có trụ sở chính để được giải quyết.
7. Vợ chồng tôi đăng ký kết hôn năm 2010. Trong quá trình chung sống hai vợ chồng sống hạnh phúc và không có mâu thuẫn gì trầm trọng. Tuy nhiên, hai vợ chồng tôi dù cưới nhau đã lâu nhưng vẫn chưa có con. Hiện tại, vợ chồng tôi rất muốn có đứa con. Tôi được biết pháp luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không sinh con được. Tôi muốn biết điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo quy định cụ thể như thế nào?
Ông Trần Văn T.(thị xã Bến Cát)
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì: “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.
Tại Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
- Thứ nhất, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
- Thứ hai, vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
+ Vợ chồng đang không có con chung;
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Thứ ba, người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ (Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ);
+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Thứ tư, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Như vậy, anh có thể tham khảo các quy định nêu trên để áp dụng giải quyết vụ việc của mình theo đúng quy định của pháp luật.
8. Vợ chồng con gái tôi kết hôn năm 2007. Thời gian gần đây, con gái tôi mắc phải căn bệnh tâm thần phân liệt, không nhận thức được hành vi của mình. Người con rể thì thường xuyên đánh đập, chửi bới con gái tôi. Vụ việc đã được địa phương giải quyết nhưng sự việc vẫn cứ tiếp diễn. Tôi rất đau lòng và muốn giải thoát con gái tôi khỏi người chồng vũ phu của nó. Tôi có thể khởi kiện yêu cầu ly hôn cho con gái tôi được không?
Bà Trần Thị B.(huyện Bàu Bàng)
Trả lời:
Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định các đối tượng có quyền yêu cầu giải quyết việc ly hôn gồm:
- Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
- Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
- Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Căn cứ quy định nêu trên, do con gái của bà hiện tại bị bệnh dẫn đến không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình nên bà là mẹ ruột có quyền làm đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho con gái bà. Lưu ý thêm với bà là kèm theo đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn là các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền yêu cầu khởi kiện của bà như kết quả giám định tình trạng tâm thần của con gái bà, các văn bản, chứng cứ chứng minh con gái bà là nạn nhân của bạo lực gia đình v.v.