Ngày 07/12/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Báo cáo số 321/BC-UBND về tình hình triển khai thực hiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Nhìn chung, trong năm 2021 việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các chủ trương chính sách của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã được thể chế hóa bằng Nghị quyết, Quyết định quy phạm pháp luật một cách kịp thời, đồng bộ với chính sách của các bộ, ngành Trung ương, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của chính quyền địa phương bằng pháp luật, tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong công tác; đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thực hiện các hoạt động liên quan đến việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân ttinrh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, bao gồm rà soát văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên và rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực đảm bảo tiến độ theo quy định pháp luật và yêu cầu của Bộ Tư pháp. Kết quả rà soát cho thấy, hầu hết các văn bản QPPL được địa phương khi ban hành đều đảm bảo về nội dung, thẩm quyền, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước của địa phương. Qua đó nhằm phát hiện và kịp thời xử lý nhiều văn bản, quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp, góp phần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; chú trọng thường xuyên, kịp thời phát hiện xử lý những nội dung trái quy định pháp luật.
Chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh được nâng lên rõ rệt, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, mang tính khả thi cao; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh ban hành đã điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương. Các văn bản ban hành được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời, có tác động rất lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhà nước và Nhân dân; tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.
Về lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Việc lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020). Theo đó, hầu hết các Nghị quyết quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Quyết định quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh đều lập đề nghị xây dựng trước khi soạn thảo. Kết quả từ đầu năm đến nay, Sở Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho ý kiến đối với 29 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (gồm 03 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và 26 Quyết định của Ủy ban nhân dân).
Đối với các đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương (theo Khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015) thì trước khi trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, cơ quan đề nghị xây dựng văn bản luôn tổng kết thực tiễn đã xảy ra trên địa bàn tỉnh, xây dựng và đánh giá tác động của từng chính sách, đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách và gửi lấy ý kiến các đối tượng có liên quan, mà nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đảm bảo được sự tham gia rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong đề nghị xây dựng văn bản, sau đó gửi Sở Tư pháp thẩm định đề nghị xây dựng Nghị quyết theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện thẩm định 06/06 đề nghị xây dựng Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách quy định tại khoản 4 Điều 27 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về trình tự, thủ tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Trong năm 2021, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành 27 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó: 11 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; 16 Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh). Công tác xây dựng văn bản được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Các ý kiến góp ý đều được các sở, ngành tiếp thu; việc thẩm định Nghị quyết trước các kỳ họp Hội đồng nhân dân đảm bảo chất lượng, các văn bản được ban hành đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp.
Năm 2021, Sở Tư pháp đã thực hiện 55 lượt thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tăng 05 văn bản so với cùng kỳ năm 2020), góp ý 88 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (tăng 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2020) và 37 dự thảo văn bản cá biệt, đạt 100% văn bản gửi đến Sở Tư pháp. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020); các dự thảo văn bản trước khi trình Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đều được Sở Tư pháp thẩm định; báo cáo thẩm định cơ bản đạt chất lượng, nhiều ý kiến của cơ quan thẩm định được đánh giá cao, góp phần ngăn chặn ngay từ đầu những vấn đề không khả thi hoặc có dấu hiệu trái pháp luật của văn bản. Các sở, ngành được giao chủ trì soạn thảo đều chủ động gửi dự thảo văn bản đến Sở Tư pháp để đề nghị thẩm định theo quy định của pháp luật. Công tác thẩm định tại Sở Tư pháp luôn đảm bảo kịp thời, rút ngắn thời gian, có chất lượng, trọng tâm đi vào nội dung chiều sâu, tăng tính phân tích, phản biện chặt chẽ.
Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020), Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh danh mục quyết định của Ủy ban nhân dân quy định chi tiết các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10. Theo đó, ngày 23/12/2020, Sở Tư pháp có "Công văn số 2182/STP-XDKT về việc đề xuất, lập danh mục Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân quy định chi tiết các nội dung được Luật giao".
Trên cơ sở kết quả đề nghị của các sở, ngành tỉnh và ý kiến thống nhất của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành "Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 22/02/2021 Ban hành Danh mục Quyết định quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh quy định chi tiết các nội dung được giao trong các Luật được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 10". Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, xây dựng các văn bản quy định chi tiết của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trên cơ sở Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 22/02/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo: "Sở Tư pháp có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Quyết định này và thực hiện góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật". Theo đó, Sở Tư pháp đã thực hiện đầy đủ việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện, qua đó, đã kịp thời phối hợp với các sở, ngành tỉnh tham mưu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành hoặc tình hình thực tiễn địa phương.
Trong năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh được Trung ương giao ban hành 01 văn bản quy phạm pháp luật đề quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, hiện nay, đơn vị được phân công chủ trì soạn thảo đang tiến hành xây dựng dự thảo và tổ chức lấy ý kiến góp ý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, dự kiến trình Ủy ban nhân dân tỉnh vào Quý IV năm 2021.
Công tác rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật
Trong năm 2021, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành "Quyết định số 545/QĐ-UBND ngày 26/02/2021 Kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 trên địa bàn tỉnh Bình Dương". Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành tỉnh và địa phương cũng ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021 tại cơ quan, địa phương mình. Sở Tư pháp đã giúp Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiến hành rà soát 678 văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể:
+ Rà soát thường xuyên: Thực hiện quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ; Khoản 34 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp tiến hành rà soát 525 văn bản quy phạm pháp luật (gồm: 140 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; 375 Quyết định của Ủy ban nhân dân; 10 Chỉ thị của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân) hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh năm 2020. Sau khi rà soát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành "Quyết định số 277/QĐ-UBND ngày 27/01/2021 về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương năm 2020", gồm: 47 văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ (15 Nghị quyết; 31 Quyết định, 01 Chỉ thị); 06 văn bản hết hiệu lực một phần (01 Nghị quyết; 05 Quyết định). Nhìn chung, công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, kịp thời và đúng theo quy định, qua đó kịp thời phát hiện văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp với văn bản mới được ban hành.
+ Rà soát chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại "Hội nghị trực tuyến chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế" vào ngày 16/9/2021 về việc giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị rà soát văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành "Công văn số 4687/UBND-NC ngày 19 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc rà soát, báo cáo vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật" yêu cầu các sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện rà soát những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật. Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát của các sở, ngành, địa phương, ngày 24/9/2021, Sở Tư pháp đã có Báo cáo số 141/BC-STP về kết quả rà soát những vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh Bình Dương, theo đó, tổng hợp, rà soát 133 văn bản văn bản có vướng mắc, bất cập như: quy định không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; quy định không đảm bảo tính khả thi, không còn phù hợp với thực tiễn (bao gồm: Trung ương: 122 văn bản; Địa phương: 11 văn bản).
Đồng thời, tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương về việc tiếp tục tổng hợp rà soát những mâu thuẫn, chồng chéo về thể chế trong một số lĩnh vực trọng tâm (doanh nghiệp, đầu tư). Trên cơ sở Báo cáo số 141/BC-STP, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát những mâu thuẫn, chồng chéo về thể chế trong một số lĩnh vực liên quan doanh nghiệp, đầu tư. Theo đó, Sở Tư pháp đã rà soát được 16 văn bản pháp luật có nội dung, quy định mâu thuẫn, chồng chéo về thể chế trong một số lĩnh vực liên quan doanh nghiệp, đầu tư.
Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, kiến nghị sửa đổi 02 quy định của pháp luật gây vướng mắc trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và đời sống xã hội; phối hợp với Đoàn đại biểu quốc hội rà soát 02 văn bản quy phạm pháp luật có những hạn chế, tồn tại, bất cập.
Thực hiện nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Sở Tư pháp đã thực hiện nghiêm túc quy định về tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật đúng quy định. Theo đó, Sở Tư pháp giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tự kiểm tra 16/16 Quyết định do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền 15/15 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành và gửi về Sở Tư pháp. Kết quả kiểm tra, không phát hiện văn bản có dấu hiệu trái pháp luật./.
BC_321_UBNDT.pdf Tải về