Thực hiện theo quy định của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 và 2015-2020 (sau đây gọi tắt là Chương trình 585) tại Báo cáo số 229/BC-BTP ngày 20/10/2020 của Bộ Tư pháp về tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010- 2014 và 2015 -2020. Theo đó, ngày 25/12/2020 tại Hà Nội, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 585 với nhiều kết quả nổi bật, hiệu quả cao (chi tiết xem tại đây Tải về bản cuối . Báo cáo 10 nam CT 585 (30.11.2020) (1).doc)
Tại Hội nghị Bộ Tư pháp cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 với các nội dung chính như sau:
- Về mục tiêu chung: Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thiết thực Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Kế thừa, phát huy kết quả của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, Chương trình được phê duyệt nhằm: (i) triển khai đồng bộ, hiệu quả, công khai, minh bạch, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp; bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thiết thực, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực; (ii) định hướng cho các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thúc đẩy sự tham gia xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật kịp thời nhằm phục vụ doanh nghiệp phát triển, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật.
- Về mục tiêu cụ thể:
Cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: (i) xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng 01 cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) cung cấp các chính sách, đề án, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các bộ, ngành, địa phương; (iii) tiếp nhận 100% phản ánh từ doanh nghiệp nhỏ và vừa để đề xuất, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết vướng mắc, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật hiệu quả.
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho: (i) tối thiểu 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; (ii) tối thiểu 60% người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm: tư vấn trực tiếp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn pháp luật qua diễn đàn, đối thoại và các hoạt động tư vấn khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo 100% đề nghị tư vấn của doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Chương trình được giải quyết hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
- Về hoạt động: Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, trong đó, ưu tiên thực hiện các giải pháp như sau: Gắn kết các hoạt động của Chương trình với hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương; Các Bộ, ngành liên quan và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện việc giám sát, đánh giá các hoạt động của Chương trình; Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng, từng vùng miền; Kết hợp việc xây dựng và nhân rộng mô hình điểm, kịp thời biểu dương, khuyến khích các điển hình tiêu biểu trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Từng bước xã hội hóa công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để đảm bảo tính bền vững của các hoạt động; Khuyến khích sự đóng góp nguồn lực của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động của Chương trình cũng như huy động các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế./.
(Ảnh: Nguồn Bộ Tư pháp - Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình 585 tại Hà Nội)