1. Về tổ chức và đội ngũ người làm công tác pháp chế
Đội ngũ pháp chế hiện nay của các sở, ngành tỉnh gồm 42 người (08 cán bộ chuyên trách và 34 cán bộ kiêm nhiệm), thực hiện tham mưu Thủ trưởng đơn vị trong công tác xây dựng văn bản trước khi trình Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định và một số nhiệm vụ khác.
Đối với 02 doanh nghiệp nhà nước của tỉnh: Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết tỉnh Bình Dương bố trí 02 cán bộ pháp chế chuyên trách và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC Corp) bố trí 05 cán bộ pháp chế chuyên trách.
Hiện nay, Bình Dương đang thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của địa phương nên UBND tỉnh chưa quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế theo quy định tại Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức 01 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, pháp chế cho cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành tỉnh; công chức Phòng Tư pháp cấp huyện và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã với khoảng 170 lượt người tham dự.
2. Về hoạt động của các tổ chức pháp chế
2.1. Về công tác xây dựng văn bản
Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP (được sửa đổi bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Nghị định số 56/2024/NĐ-CP), cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã cùng với các phòng, đơn vị có liên quan tham mưu Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh theo sự phân công của cấp có thẩm quyền, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng dự thảo văn bản QPPL; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị, các phòng, ban trong cơ quan mình tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong việc đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh ban hành các văn bản QPPL để quản lý lĩnh vực chuyên ngành ở địa phương; tham gia góp ý văn bản QPPL của cơ quan nhà nước các cấp.
Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã ban hành 105 văn bản QPPL, trong đó gồm 31 Nghị quyết và 74 Quyết định. Các văn bản trước khi ban hành đã được cán bộ pháp chế của các Sở, ngành liên quan tham gia góp ý, Sở Tư pháp thẩm định đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
2.2. Về công tác kiểm tra, rà soát QPPL
- Công tác kiểm tra văn bản QPPL: Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tự kiểm tra 74 văn bản QPPL do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và gửi đến Sở Tư pháp trong năm 2024 (đạt 100% văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành), tăng 24 văn bản so với năm 2023 (có Phụ lục 1 kèm theo). Qua kiểm tra không phát hiện văn bản có sai sót về thẩm quyền, nội dung, do đó, địa phương không thực hiện việc lập danh mục văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.
- Công tác rà soát văn bản QPPL:
Trong năm 2024, thực hiện yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, cán bộ pháp chế của các Sở, ngành và Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân thực hiện các 08 đợt rà soát với tổng số 1.921 lượt văn bản được rà soát, cụ thể:
- Rà soát theo kỳ hệ thống hóa: Thực hiện Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Nghị định số 154/2020/NĐ-CP và Công văn số 5862/BTP-KTrVB ngày 30/11/2023 của Bộ Tư pháp về việc bảo đảm tiến độ thực hiện hệ thống hóa văn bản kỳ 2019-2023, tập hệ thống hóa văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ban hành, còn hiệu lực trong kỳ hệ thống hóa 2019 - 2023 là 494 văn bản (gồm: 157 Nghị quyết; 332 Quyết định; 05 Chỉ thị). Kết quả rà soát qua kỳ hệ thống hóa có 59 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ trong năm 2024[1].
- Rà soát thường xuyên: Thực hiện quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL và khoản 34 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; cán bộ pháp chế đã phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện rà soát 598 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành; trên cơ sở kết quả rà soát, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 07/01/2025 về việc công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của HĐND, UBND tỉnh Bình Dương năm 2024, gồm:
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ năm 2024: 81 văn bản (23 Nghị quyết, 53 Quyết định, 05 Chỉ thị)
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trước ngày 01 tháng 01 năm 2024: 10 văn bản (05 Nghị quyết, 05 Quyết định)
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần năm 2024: 10 văn bản (02 Nghị quyết, 08 Quyết định)
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần trước ngày 01 tháng 01 năm 2024: 00 văn bản
- Thực hiện Công văn số 3367/BTP-KTrVB ngày 01/8/2023 của Bộ Tư pháp về việc kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính trái thẩm quyền và công văn số 863/BTP-KTrVB ngày 23/02/2024 về việc đôn đốc gửi kết quả kiểm tra, xử lý văn bản quy định thủ tục hành chính trái pháp luật. Kết quả: các văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính được ban hành là phù hợp về thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện Công văn số 4485/BTP-KTrVB ngày 25 tháng 9 năm 2023 của Bộ Tư pháp về việc đề nghị gửi kết quả rà soát, lập danh mục và tự kiểm tra văn bản theo chuyên đề. Kết quả: Các văn bản liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 và các văn bản liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 đảm bảo về thẩm quyền ban hành văn bản, phù hợp về nội dung, căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản đúng theo quy định pháp luật.
- Thực hiện Công văn số 5761/BTP-PLQT ngày 08 tháng 10 năm 2024 của Bộ Tư pháp về việc rà soát văn bản ưu đãi đầu tư. Trên cơ sở rà soát các văn bản về ưu đãi đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh nhận thấy có 01 văn bản do Hội đồng nhân dân ban hành có nội dung liên quan đến ưu đãi đầu tư[2].
- Nhằm tổ chức thực hiện tốt công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật về việc triển khai Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan đã thực hiện rà soát văn bản thuộc lĩnh vực cơ quan mình quản lý theo quy định của pháp luật. Kết quả: Tổng số văn bản đã được rà soát: 250 văn bản, thuộc 05 lĩnh vực, gồm: Thuế, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Dược. Qua rà soát phát hiện 06 văn bản (11 nội dung) có bất cập, vướng mắc. Trong đó có 02 luật, nghị quyết của Quốc hội, 03 nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 01 văn bản khác do các cơ quan trung ương ban hành.
- Thực hiện Công văn số 5380/BTP-KTrVB ngày 25/9/2024 của Bộ Tư pháp về việc tiếp tục thực hiện rà soát văn bản QPPL để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Các sở, ban, ngành đã tiếp tục thực hiện rà soát văn bản; kết quả tổng số văn bản được rà soát: 68 văn bản, thuộc 07 lĩnh vực, gồm: Thuế, Thương mại, Tài nguyên và Môi trường, Hải quan, Tài chính, Xử phạt vi phạm hành chính, Kế hoạch và Đầu tư. Qua rà soát phát hiện 08 văn bản (13 nội dung) có bất cập, vướng mắc. Trong đó có 05 luật, nghị quyết của Quốc hội, 03 nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ban hành còn hiệu lực chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương: thực hiện Công văn số 7429/BTP-KTrVB ngày 25/12/2024 của Bộ Tư pháp về việc rà soát văn bản chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tỉnh đã tập hợp rà soát: 518 văn bản (166 Nghị quyết, 352 Quyết định). Trong đó, số văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành còn hiệu lực chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương: 67 văn bản (04 Nghị quyết; 63 Quyết định) và số văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố ban hành còn hiệu lực chịu sự tác động của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của các bộ, ngành, cơ quan ở Trung ương: 72 văn bản (72 Quyết định).
2.3. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong năm 2024, cán bộ pháp chế các sở, ngành tỉnh phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị tại cơ quan thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp được 6.298 cuộc với hơn 455.506 lượt người tham dự, trong đó các sở, ngành tuyên truyền được 182 cuộc với 21.254 lượt người tham dự.
Hình thức tuyên truyền trong năm 2024 chủ yếu đẩy mạnh và tập trung tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng như tuyên truyền trên báo, đài, website, mạng xã hội (zalo, facebook,...), thông qua các cuộc họp dân, ... Nội dung tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Hiến pháp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền các Luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024; các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn giao thông, đất đai, tài nguyên và môi trường, nhà ở,….
2.4. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL)
Để triển khai thực hiện đồng bộ công tác theo dõi tình hình THPL trên địa bàn tỉnh trong năm 2024, ngày 30/01/2024 Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 490/KH-UBND về theo dõi tình hình THPL năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 192/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1445/KH-UBND ngày 01/4/2024 về theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (theo đó, lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2024 là theo dõi việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử và việc thi hành Luật Xuất bản).
Trên cơ sở Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành và 09/09 huyện, thành phố của tỉnh đã ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực này cũng như các lĩnh vực khác theo Kế hoạch của Bộ, ngành Trung ương và tổ chức triển khai thực hiện tại ngành, địa phương mình quản lý.
Trong năm 2024, Sở Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động theo dõi THPL theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể:
- Việc kiểm tra tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành: Trong năm, ở cấp tỉnh đã thực hiện 01 cuộc kiểm tra tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, cụ thể: Căn cứ Kế hoạch số 1445/KH-UBND ngày 01/4/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành trên địa bàn tỉnh năm 2024 (theo Quyết định số 2221/QĐ-UBND ngày 31/7/2024 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) thông qua hình thức kiểm tra trực tiếp (đối với Sở Thông tin và Truyền thông; Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh; Chi Cục thuế thành phố Thuận An và Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Dầu Một) và kiểm tra thông qua báo cáo (đối với Ủy ban nhân dân phường Phú Cường và Ủy ban nhân dân phường Phú Hòa), kết quả kiểm tra được Đoàn kiểm tra liên ngành tổng hợp và báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 2163/BC-ĐKT ngày 23/9/2024.
- Công tác điều tra, khảo sát tình hình THPL: Trong năm 2024, Sở Tư pháp đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện 01 cuộc điều tra khảo sát tình hình thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo đó, Sở Tư pháp đã phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng và phát phiếu điều tra, khảo sát cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi tắt là CBCC) tại Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và người dân đến thực hiện thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa trên địa bàn tỉnh qua hình thức khảo sát trực tuyến trên phần mềm Microsoft Form (hoặc khảo sát trực tiếp trên thiết bị di động bằng cách quét mã QR gửi kèm theo) và phát phiếu giấy đối với CBCC và người dân có liên quan, với tổng số phiếu khảo sát là 489 phiếu, nhiều hơn 269 phiếu so với dự kiến ban đầu (đạt tỷ lệ trên 100%). Kết quả điều tra, khảo sát được Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 212/BC-STP ngày 17/10/2024.
- Việc xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL: Trong năm 2024, Bình Dương phát sinh 01 văn bản quy phạm pháp luật cần xử lý theo Kết luận của Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp (theo Công văn số 47/KL-KTrVB ngày 23/9/2024). Theo đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương xử lý nội dung trái pháp luật tại Quyết định số 22/2019/QĐ-UBND ngày 04/11/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc quy định phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Thông báo kết quả xử lý văn bản cho Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận này theo quy định của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản[3] xử lý theo kết luận kiểm tra.
Đối với lĩnh vực theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành: Trên cơ sở kết quả thu thập thông tin từ hoạt động rà soát văn bản, điều tra khảo sát, kiểm tra tình hình THPL nhận thấy, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương ban hành đều đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, khả thi khi triển khai thực hiện, không phát hiện văn bản quy phạm pháp luật nào của Trung ương, địa phương có nội dung quy định không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi nên không có kiến nghị xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình thi hành pháp luật đối với lĩnh vực trọng tâm, liên ngành thời gian qua vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể:
+ Đối với việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, tại Điều 16 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định các mức xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh thức ăn đường phố còn tương đối cao. Vì, thực tế cho thấy phần lớn các hộ kinh doanh thức ăn đường phố có điều kiện kinh tế khó khăn, nhận thức của chủ cơ sở còn hạn chế.
+ Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về xuất bản, in, phát hành mặc dù đang dần hoàn thiện, một số lĩnh vực đã thực hiện phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước địa phương. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về xuất bản ở địa phương đôi khi còn gặp khó khăn, lúng túng do một số cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn cuộc sống dẫn đến việc áp dụng văn bản trên thực tế không thống nhất. Tính hiệu lực, hiệu quả chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra trước tình hình, nhiệm vụ mới do nhân lực quản lý trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành còn thiếu (nội dung này đã được Sở Tư pháp nêu tại Báo cáo số 119/BC-STP ngày 25/6/2024 báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh).
2.5. Về công tác bồi thường nhà nước
Thực hiện triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, thống nhất và hiệu quả, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai công tác bồi thường nhà nước năm 2024[4]; báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương phục vụ cho hoạt động Đoàn kiểm tra liên ngành năm 2024; báo cáo tình hình giải quyết vụ việc yêu cầu BTNN. Công văn hướng dẫn yêu cầu bồi thường (02 trường hợp). Tổ chức hội nghị phổ biến, tập huấn nghiệp vụ về Bồi thường nhà nước[5]; Phổ biến giáo dục pháp luật, bao gồm: biên soạn Tờ gấp pháp luật; đăng tải trên trang Website của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; lồng ghép tại cuộc họp giao ban công tác tư pháp của địa phương; "Ngày pháp luật".
Các sở, ban, ngành, địa phương đã lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật về bồi thường nhà nước tại đơn vị mình thông qua các hình thức như: sinh hoạt "Ngày pháp luật"; công tác tiếp công dân; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các buổi họp, hội nghị, sinh hoạt đoàn thể.... Qua hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã giúp cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức được ý nghĩa, vai trò của Luật cũng như trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu bồi thường của Nhà nước.
Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh không phát sinh vụ việc bồi thường nhà nước.
2.6. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cán bộ pháp chế các sở, ngành tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý; đồng thời, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, công khai các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của từng sở, ngành; tiếp nhận, giải đáp kịp thời các vướng mắc pháp luật của doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
Ngoài ra, tỉnh đã có Chuyên mục "hỗ trợ doanh nghiệp" trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, nhằm tạo kênh thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện đăng tải các văn bản QPPL, các thủ tục hành chính, các văn bản chỉ đạo, điều hành, dự án, quy hoạch của tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, huyện, các Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận được hỗ trợ về pháp lý, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp. Đồng thời, cán bộ pháp chế các Sở, ngành tỉnh còn triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận đầu mối tổ chức hoạt động mạng lưới tư vấn viên thuộc lĩnh vực quản lý của ngành được công bố trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ để được hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn.
Trong năm 2024, tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì Hệ thống đường dây nóng 1022 tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
2.7. Về công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng
Cán bộ pháp chế tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các cuộc họp khi có vụ việc hay thông qua hình thức gửi lấy ý kiến bằng văn bản.
Trong năm 2024, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã tham gia 928 vụ việc (tăng 23,9% vụ so với cùng kỳ năm 2023), cụ thể như sau:
+ Tham gia tố tụng: Trung tâm thực hiện cử người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng là người thuộc diện được TGPL là: 750 vụ việc (trong đó có 416 vụ của kỳ trước chuyển qua) (tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023);
+ Đại diện ngoài tố tụng: 07 vụ việc (trong đó có 06 vụ kỳ trước chuyển qua);
+ Tư vấn pháp luật tại trụ sở Trung tâm: Trung tâm tăng cường thực hiện tư vấn pháp luật qua điện thoại, bưu chính công ích, đường dây nóng của Trung tâm: 171 vụ, việc (tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2023).