1. Về tổ chức và đội ngũ người làm công tác pháp chế
Tại 14 sở, ngành phải thành lập phòng pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, hiện nay không còn Phòng Pháp chế (trước đó có thành lập Phòng Pháp chế nhưng dần bị giải thể do Thông tư quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ chuyên ngành không quy định về việc thành lập phòng pháp chế). Đội ngũ pháp chế hiện nay của các sở, ngành tỉnh gồm 19 người (01 cán bộ chuyên trách và 18 cán bộ kiêm nhiệm), thực hiện tham mưu Thủ trưởng đơn vị trong công tác xây dựng văn bản trước khi trình HĐND, UBND tỉnh ban hành; phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định, hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, bồi thường nhà nước, theo dõi THPL, quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và một số nhiệm vụ khác do Thủ trưởng đơn vị phân công.
Ngoài 14 sở, ngành phải thành lập phòng pháp chế theo quy định Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì trên địa bàn tỉnh Bình Dương còn bố trí cán bộ làm công tác pháp chế tại các sở, ngành như: Thanh tra tỉnh bố trí 01 cán bộ pháp chế kiêm nhiệm; Sở Ngoại vụ bố trí 01 cán bộ pháp chế kiêm nhiệm; Văn phòng UBND tỉnh bố trí 01 cán bộ pháp chế kiêm nhiệm; Công an tỉnh bố trí 06 cán bộ pháp chế chuyên trách; Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương bố trí 01 cán bộ pháp chế kiêm nhiệm.
Đối với 02 doanh nghiệp nhà nước của tỉnh: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Bình Dương bố trí 05 cán bộ pháp chế chuyên trách và Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC Corp) bố trí 02 cán bộ pháp chế chuyên trách.
2. Về hoạt động của các tổ chức pháp chế
2.1. Về công tác xây dựng văn bản
Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh đã cùng với các phòng, đơn vị có liên quan tham mưu Thủ trưởng cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh theo sự phân công của cấp có thẩm quyền, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng dự thảo văn bản QPPL; chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị, các phòng, ban trong cơ quan mình tham mưu cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn trong việc đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh ban hành các văn bản QPPL để quản lý lĩnh vực chuyên ngành ở địa phương; tham gia góp ý văn bản QPPL của cơ quan nhà nước các cấp.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã ban hành 78 văn bản QPPL, trong đó gồm 28 Nghị quyết và 50 Quyết định. Các văn bản trước khi ban hành đã được Sở Tư pháp thẩm định đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
2.2. Về công tác kiểm tra, rà soát QPPL
- Công tác kiểm tra văn bản QPPL: Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tự kiểm tra 50 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành và gửi đến Sở Tư pháp trong năm 2023 (đạt 100% văn bản do UBND tỉnh ban hành), tăng 8 văn bản so với năm 2022. Đồng thời, Sở Tư pháp thực hiện kiểm tra theo thẩm quyền 27/27 văn bản QPPL do HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành, gửi về Sở Tư pháp (tăng 11 văn bản so với năm 2022). Qua kiểm tra không phát hiện văn bản có sai sót.
- Công tác rà soát văn bản QPPL:
Trong năm 2023, thực hiện yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền khác, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân thực hiện các đợt rà soát theo chuyên đề, cụ thể như sau:
- Thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06: Thực hiện yêu cầu của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06; kết quả: có 464 văn bản được tập hợp rà soát; qua rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung 02 văn bản.
- Thực hiện rà soát văn bản theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 7705/VPCP-PL và Công văn số 854/VPCP-PL; Tuy nhiên, qua rà soát Ủy ban nhân dân tỉnh chưa phát hiện trường hợp văn bản hành chính do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung chứa quy phạm pháp luật nhưng hình thức không phải văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có nội dung không còn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành; văn bản có nội dung không còn phù hợp với thực tiễn. Do vậy, tạm thời Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương chưa có kiến nghị, đề xuất xử lý.
- Thực hiện Công văn số 689/TTg-PL ngày 29/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành; Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành. Qua rà soát, đề xuất xử lý 65 vấn đề có vướng mắc, bất cập trong quy định của các văn bản QPPL Trung ương thuộc các lĩnh vực như công thương, tài nguyên và môi trường, đầu tư…
- Thực hiện Công văn số 5449/VPCP-PL ngày 19/7/2023 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Qua rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công tư, xã hội hóa các dịch vụ công, đầu tư môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp, giám định, định giá; Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương đề xuất sửa đổi, bổ sung 12 nội dung liên quan đến các quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư năm 2020 và một số Nghị định, Thông tư liên quan đến đất đai.
- Ngoài ra, để có cơ sở cung cấp thông tin cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, Sở Tư pháp tiến hành rà soát liên quan đến các lĩnh vực trọng tâm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15. Qua rà soát, đề xuất xử lý 02 vấn đề có vướng mắc, bất cập trong quy định của các văn bản QPPL Trung ương thuộc lĩnh vực đấu giá tài sản.
- Thực hiện quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL và khoản 34 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; cán bộ pháp chế đã phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện rà soát 541 văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành; trên cơ sở kết quả rà soát, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 03/01/2024 về việc công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của HĐND, UBND tỉnh Bình Dương năm 2023, gồm:
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ năm 2023: 48 văn bản (9 Nghị quyết, 39 Quyết định).
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ trước ngày 01/01/2023: 00 văn bản.
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần năm 2023: 11 văn bản (06 Nghị quyết, 05 Quyết định).
+ Văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần trước ngày 01/01/2023: 00 văn bản.
2.3. Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Trong năm 2023, cán bộ pháp chế các sở, ngành tỉnh phối hợp với các phòng chuyên môn, đơn vị tại cơ quan thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp và gián tiếp được 7.982 cuộc với hơn 650.882 lượt người tham dự, trong đó các sở, ngành tuyên truyền được 527 cuộc với 34.295 lượt người tham dự.
Hình thức tuyên truyền trong năm 2023 chủ yếu đẩy mạnh và tập trung tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng như tuyên truyền trên báo, đài, website, mạng xã hội (zalo, facebook,...), thông qua các cuộc họp dân, ... Nội dung tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh như: tiếp tục thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, quán triệt nội dung Hiến pháp; các luật, pháp lệnh, văn bản mới thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền các Luật có hiệu lực thi hành trong năm 2023; các quy định liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt tập trung tuyên truyền các quy định pháp luật về an toàn giao thông, ma túy, phòng chống cháy nổ, tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số nội dung về Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới,….
2.4. Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL)
Để triển khai thực hiện đồng bộ công tác theo dõi tình hình THPL trên địa bàn tỉnh trong năm 2023, ngày 19/01/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 283/KH-UBND về theo dõi tình hình THPL trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2023. Đồng thời, thực hiện Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 28/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 992/UBND-NC ngày 09/3/2023 về việc xác định lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (theo đó, lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023 là theo dõi tình hình thi hành pháp luật về giá và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về bảo đảm an sinh xã hội).
Đối với lĩnh vực theo dõi tình hình THPL theo kế hoạch của các Bộ, ngành Trung ương: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và trên cơ sở kế hoạch theo dõi THPL của Bộ, ngành Trung ương, cán bộ pháp chế sở, ngành đã tham mưu Lãnh đạo Sở ban hành kế hoạch theo dõi tình hình THPL tại đơn vị mình với các lĩnh vực theo dõi như: Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 274/KH-STP ngày 17/02/2023 về theo dõi tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Sở Khoa học và Công nghệ ban hành Kế hoạch số 14/KH-SKHCN ngày 21/4/2023 về theo dõi tình hình THPL về lĩnh vực tiêu chuẩn đô lường chất lượng của Sở Khoa học và Công nghệ năm 2023; Sở Giao thông vận tải ban hành Kế hoạch số 288/KH-SGTVT ngày 03/02/2023 về công tác theo dõi tình hình THPL năm 2023 của Sở Giao thông vận tải; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Kế hoạch số 986/KH-SLĐTBXH ngày 09/02/2023 để thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023; Sở Kế hoạch và Đầu tư ban hành Kế hoạch số 251/KH-KHĐT ngày 06/02/2023 theo dõi tình hình THPL năm 2023 lĩnh vực về Kế hoạch và Đầu tư; Ủy ban nhân dân huyện Bàu Bàng ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 02/3/2023 về theo dõi THPL trên địa bàn huyện Bàu Bàng năm 2023 và Công văn số 928/UBND-TH ngày 29/3/2023 của Ủy ban nhân dân huyện về việc xác định lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 trên địa bàn huyện Bàu Bàng (theo đó, ngoài theo dõi lĩnh vực trọng tâm, liên ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện còn theo dõi tình hình THPL về An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc lĩnh vực Y tế; về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường);...
Trong năm 2023, cán bộ pháp chế các sở, ngành tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động theo dõi THPL theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ như:
- Việc kiểm tra tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành: Trong năm, ở cấp tỉnh đã thực hiện 01 cuộc kiểm tra tình hình THPL trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành, cụ thể: Căn cứ Kế hoạch số 283/KH-UBND ngày 19/01/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương và Công văn số 992/UBND-NC ngày 09/3/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc xác định lĩnh vực trọng tâm, liên ngành theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình THPL về giá và theo dõi tình hình thi hành pháp luật về đảm bảo an sinh xã hội; kiểm tra việc thực hiện công tác pháp chế và công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2023 (theo Quyết định số 2890/QĐ-UBND ngày 07/11/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) kiểm tra thông qua hình thức báo cáo (đối với các đơn vị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương; Ủy ban nhân dân thành phố Tân Uyên; Ủy ban nhân dân thành phố Dĩ An), kết quả kiểm tra được Đoàn kiểm tra liên ngành tổng hợp và báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh tại Báo báo số 213/BC-ĐKT ngày 07/12/2023.
- Công tác điều tra, khảo sát tình hình THPL: Trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Sở Tư pháp thực hiện 01 cuộc điều tra khảo sát tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013[1]. Theo đó, Sở Tư pháp đã tham mưu xây dựng thực hiện 02 (hai) hình thức khảo sát cụ thể: (1) Phát phiếu điều tra, khảo sát cho các đối tượng là Hòa giải viên cơ sở; Cán bộ, công chức có chuyên môn trong lĩnh vực Hòa giải ở cở sở tham gia tại cuộc thi Hòa giải viên giỏi cấp tỉnh vào ngày 30 tháng 8 năm 2023; (2) Khảo sát trực tuyến trên trên phần mềm Google Forms (hoặc khảo sát trực tiếp trên thiết bị di động bằng cách quét mã QR gửi kèm theo), với tổng số phiếu khảo sát là 200 phiếu, (trong đó phiếu khảo sát tại Hội thi Hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh vào ngày 30 tháng 8 năm 2023, số phiếu khảo sát phát ra là 100 phiếu, số phiếu đã thu về là 100 phiếu (đạt tỷ lệ 100%); Đối với hình thức trực tuyến dự kiến khoảng 100 Hòa giải viên, Cán bộ, công chức có chuyên môn trong lĩnh vực Hòa giải ở cở sở nhận được trả lời phiếu khảo sát của 84/100 người gửi về, đạt tỷ lệ 84%). Kết quả điều tra, khảo sát được Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh tại Báo cáo số 144/BC-STP ngày 27/9/2023.
- Việc xử lý kết quả theo dõi tình hình THPL: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tại Quyết định số 3074/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 về việc ủy quyền Sở Tư pháp thực hiện một số báo cáo định kỳ trong lĩnh vực công tác tư pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân tỉnh; ngày 06/01/2023, Sở Tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp kết quả công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương (tại Báo cáo số 03/BC-STP ngày 06/01/2023 của Sở Tư pháp).
Theo đó, có 13 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ trong năm 2023 (gồm: 10 văn bản từ năm 2022 chuyển sang và 03 văn ban đề xuất mới); thuộc các lĩnh vực cụ thể như sau: (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội: 01 văn bản; Sở Khoa học và Công nghệ: 01 văn bản; Sở Tài nguyên và Môi trường: 02 văn bản; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 01 văn bản; Sở Nội vụ: 01 văn bản; Sở Ngoại vụ: 02 văn bản; Sở Giáo dục và Đào tạo: 02 văn bản; Sở Tư pháp: 01 văn bản; Sở Tài chính: 02 văn bản). Kết quả: Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã xử lý 12/13 văn bản, còn 01/13 văn bản đang trong quá trình xử lý (Sở Tư pháp đã có báo cáo thẩm định đối với Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương (BC số 202/STP-VBTT ngày 22/11/2023). Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh uỷ Bình Dương (tại Thông báo số 690-TB/TU ngày 01 tháng 12 năm 2023) sẽ Báo cáo Ban thường vụ Tỉnh ủy để thông qua kỳ họp gần nhất trong Qúy 1 năm 2024).
Đối với lĩnh vực theo dõi tình hình thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013: Trên cơ sở kết quả thu thập thông tin từ hoạt động rà soát văn bản, nhận thấy, hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương ban hành đều đảm bảo hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, khả thi khi triển khai thực hiện, không phát hiện văn bản quy phạm pháp luật nào của Trung ương, địa phương có nội dung quy định không đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi nên không có kiến nghị xử lý theo thẩm quyền (nội dung này đã được Sở Tư pháp nêu tại Báo cáo số 45/BC-STP ngày 05/4/2023 báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh).
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 689/TTg-PL về việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành. Theo đó, tại khoản 1 Công văn số 689/TTg-PL, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu "Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, lãnh đạo các cấp ủy đảng, chính quyền khẩn trương chỉ đạo tập trung thực hiện các nhiệm vụ rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành".
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến tại Công văn số 3947/UBND-NC ngày 03/8/2023 "Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với sở, ngành, cơ quan, đơn vị địa phương có liên quan căn cứ nội dung yêu cầu tại Công văn số 689/TTg-PL ngày 29/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tiễn của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện". Trên cơ sở tổng hợp kết quả rà soát của các Sở, ban, ngành tỉnh, ngày 09/8/2023, Sở Tư pháp đã có Tờ trình số 1501/TTr-STP báo cáo kết quả rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành và ngày 09/8/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Báo cáo số 299/BC-UBND báo cáo kết quả rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, những vấn đề vướng mắc trong các luật hiện hành, theo đó, tổng hợp, rà soát được 65 vấn đề có vướng mắc, bất cập trong các lĩnh vực như công thương, tài nguyên và môi trường, đầu tư…và đã có kiến nghị đối với Trung ương về các vấn đề này nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong thời gian tới.
2.5. Về công tác bồi thường nhà nước
Thực hiện triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, thống nhất và hiệu quả, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 385/KH-UBND ngày 03/02/2023 về triển khai công tác bồi thường nhà nước năm 2023. Trên cơ sở Kế hoạch của UBND tỉnh, cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành cũng đã tham mưu cho Ban Lãnh đạo sở, ngành ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 981/KH-UBND ngày 09/3/2023 sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương; thành lập Đoàn Kiểm tra công tác bồi thường nhà nước tại một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Trong năm, Sở Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn về công tác bồi thường cho khoảng 120 người là cán bộ pháp chế sở, ngành và công chức tư pháp địa phương; biên soạn Tờ gấp pháp luật; đăng tải một số nội dung trên trang Website của Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; lồng ghép việc bồi dưỡng kỹ năng công tác bồi thường nhà nước tại cuộc họp giao ban công tác tư pháp của địa phương; "Ngày pháp luật"… báo cáo sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương[2]; báo cáo Thực tiễn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017[3]. Phối hợp với Cục Bồi thường nhà nước tổ chức "Tọa đàm về những khó khăn, vướng mắc trong 05 năm triển khai và thực hiện Luật trách nhiệm BTNN cho đội ngũ pháp chế các sở, ngành và công chức tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương"[4]; Khảo sát tình hình thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Các sở, ban, ngành, cán bộ pháp chế đã lồng ghép việc tuyên truyền pháp luật về bồi thường nhà nước tại đơn vị mình thông qua các hình thức như: sinh hoạt "Ngày pháp luật"; công tác tiếp công dân; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép trong các buổi họp, hội nghị, sinh hoạt đoàn thể.... Qua hoạt động tuyên truyền phổ biến Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã giúp cán bộ, công chức và nhân dân nhận thức được ý nghĩa, vai trò của Luật cũng như trách nhiệm giải quyết bồi thường khi phát sinh yêu cầu bồi thường của Nhà nước.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh không phát sinh vụ việc bồi thường nhà nước.
2.6. Về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Cán bộ pháp chế các sở, ngành tỉnh đã phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý; đồng thời, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ hơn về nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, công khai các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của tỉnh, của từng sở, ngành; tiếp nhận, giải đáp kịp thời các vướng mắc pháp luật của doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
Ngoài ra, tỉnh đã có Chuyên mục "hỗ trợ doanh nghiệp" trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, nhằm tạo kênh thông tin, tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện đăng tải các văn bản QPPL, các thủ tục hành chính, các văn bản chỉ đạo, điều hành, dự án, quy hoạch của tỉnh trên Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, huyện, các Trang Thông tin điện tử của các sở, ban, ngành tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận được hỗ trợ về pháp lý, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của doanh nghiệp. Đồng thời, cán bộ pháp chế các Sở, ngành tỉnh còn triển khai hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp cận đầu mối tổ chức hoạt động mạng lưới tư vấn viên thuộc lĩnh vực quản lý của ngành được công bố trên trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ để được hỗ trợ, giải quyết vướng mắc, khó khăn.
Trong năm 2023, tỉnh Bình Dương tiếp tục duy trì Hệ thống đường dây nóng 1022 tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
2.7. Về công tác tham mưu các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng
Cán bộ pháp chế tham gia ý kiến về mặt pháp lý đối với việc xử lý các vấn đề trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước; có ý kiến về mặt pháp lý đối với các quyết định, văn bản chỉ đạo, điều hành quan trọng được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua các cuộc họp khi có vụ việc hay thông qua hình thức gửi lấy ý kiến bằng văn bản.
Trong năm 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã tham gia tố tụng 556 vụ (trong đó có 216 vụ của kỳ trước chuyển qua), tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.
3. Khó khăn, vướng mắc
- Hiện tại, Thông tư của các Bộ chuyên ngành không quy định về việc thành lập phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nên các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không thành lập phòng pháp chế; đồng thời, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã giao UBND cấp tỉnh quyết định cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Thực tế hiện nay, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên việc bố trí biên chế làm công tác pháp chế ở Sở, ngành còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ người làm công tác pháp chế có nhiều biến động và phải kiêm nhiệm nhiều việc phần nào ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công tác pháp chế.