Trong thời qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND các cấp; sự nỗ lực, trách nhiệm của công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương; sự tích cực của đơn vị thi công nên công tác số hóa Sổ hộ tịch tại tỉnh Bình Dương đã được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Đến nay, công tác sổ hóa Sổ hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Để tiếp tục thực hiện Kế hoạch số hóa Sổ hộ tịch đã được UBND tỉnh phê duyệt và để hoàn thành nhiệm vụ số hóa sổ hộ tịch theo Nghị định 87/2020/NĐ-CP (các địa phương phải hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử và chuyển vào CSDLHTĐT trước ngày 01/01/2025), Sở Tư pháp đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, tập trung bố trí nguồn lực cho cơ quan đăng ký hộ tịch đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành việc chuyển dữ liệu chính thức trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trước ngày 30/9/2024, cụ thể: - Đối với các địa phương đã hoàn thành nhập dữ liệu vào Phần mềm 158, đã phê duyệt, công chức làm công tác hộ tịch chuyển dữ liệu từ Phần mềm hộ tịch 158 vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo hướng dẫn tại Công văn số 1437/BTPCNTT ngày 25/4/2019 của Bộ Tư pháp. - Đối với các dữ liệu không thể chuyển đổi như: dữ liệu trùng; dữ liệu còn thiếu thông tin, chưa đúng quy định, cần phải xử lý, hoàn chỉnh; tên đơn vị hành chính trong sổ hộ tịch lịch sử có sự thay đổi do chia tách, sáp nhập, đổi tên chưa được cập nhật, đồng bộ vào CSDLHTĐT: Đối với các nội dung trên, đề nghị UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp tổng hợp, báo cáo về Sở Tư pháp để phối hợp xử lý. Lưu ý: Về nguyên tắc, dữ liệu hộ tịch đã được số hóa phải bảo đảm tính chính xác trước khi cập nhật lên Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Trong quá trình rà soát, chuyển đổi dữ liệu, nếu phát hiện dữ liệu có sai sót, công chức làm công tác hộ tịch vẫn có thể tiến hành chuẩn hóa dữ liệu trước khi chuyển đổi.