Thực hiện Công văn số 381/TTr – NV4 ngày 01/10/2024 của Thanh tra tỉnh về báo cáo sơ kết 05 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Sở Tư pháp đã ban hành Báo cáo số 206/BC-STP ngày 11/10/2024 sơ kết 05 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương.
Nhìn chung, Công tác phòng, chống tham nhũng của Sở được triển khai thực hiện theo chương trình, kế hoạch đề ra. Đảng ủy, Giám đốc Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tích cực; công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh về xây dựng kế hoạch và biện pháp triển khai thực hiện; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được chỉ đạo triển khai đồng bộ nhất là cải cách thủ tục hành chính, các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị đã được quan tâm triển khai thực hiện tốt. Công chức, viên chức, người lao động của Sở và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc thực hiện nghiêm việc phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cơ quan, đơn vị.
Hiện nay, đa số công chức, viên chức, người lao động của Sở Tư pháp tuổi đời, tuổi nghề còn trẻ, do đó, cần tiếp tục quan tâm giáo dục phẩm chất chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Tư pháp địa phương. Mặc dù chưa phát hiện hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng ở đơn vị nhưng không vì thế mà có tâm lý chủ quan, lơ là. Hoạt động của ngành có nhiều lĩnh vực nhạy cảm như đấu giá, công chứng, luật sư, thừa phát lại, hộ tịch… nên cần tiếp tục có những giải pháp tích cực để phòng ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp nếu phát sinh.
Bên cạnh đó, việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác công chức, viên chức gặp khó khăn do đặc thù công tác chuyên môn, nghiệp vụ của các phòng, đơn vị, do biên chế Sở Tư pháp quá ít.
Công tác phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và phổ biến giáo dục pháp luật về phòng chống tham nhũng nói riêng trong thời gian qua đã được triển khai, đạt những kết quả nhất định. Sở Tư pháp đã tích cực, chủ động tham mưu ban hành văn bản, kế hoạch, công văn hướng dẫn, đôn đốc về công tác tuyên truyền pháp luật phòng chống tham nhũng cũng như trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, góp phần vào kết quả chung của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên địa bàn tỉnh đôi lúc chưa thực hiện thường xuyên, liên tục.
Trong công tác xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một số cơ quan tham mưu chưa tiếp thu đầy đủ ý kiến thẩm định của cơ quan tư pháp, văn bản khi ban hành còn có nội dung chưa phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương.
Báo cáo cũng đã đánh giá các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, theo đó, Luật Phòng chống tham nhũng 2018 đã quy định cụ thể hơn trong việc xác định các hành vi tham nhũng và trách nhiệm của các bên liên quan. Ngoài ra, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 đã tăng cường trách nhiệm giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và bổ sung các quy định về công khai minh bạch, góp phần tạo nền tảng vững chắc đáp ứng yêu cầu thực tế và hiệu quả hơn trong công tác phòng chống tham nhũng.