Theo Công văn số 415/TTr-NV1 ngày 24/10/2024 của Thanh tra tỉnh về yêu cầu báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân, ngày 06/11/2024, Sở Tư pháp đã có Văn bản số 231/BC-STP báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Tiếp công dân.
Sở Tư pháp thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; pháp chế; chứng thực; nuôi con nuôi; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư, tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; hòa giải thương mại; thừa phát lại; quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đăng ký biện pháp bảo đảm; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; công tác tư pháp khác và dịch vụ sự nghiệp công thuộc ngành, lĩnh vực theo quy định pháp luật. Tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp, gồm: Ban lãnh đạo Sở Tư pháp (Giám đốc, 02 Phó Giám đốc) và 05 tổ chức tham mưu, tổng hợp, chuyên môn nghiệp vụ; 03 đơn vị sự nghiệp thuộc Sở gồm: Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.
Tại Báo cáo số 231/BC-STP, Sở Tư pháp đã đánh giá kết quả 10 năm (từ ngày 01/07/2014 đến ngày 01/07/2024) thực hiện Luật Tiếp công dân về các mặt: 1) Kết quả thực hiện công tác tiếp công dân; 2) Kết quả thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân; 3) Đánh giá các quy định của pháp luật về tiếp công dân.
Nhìn chung, công tác tiếp công dân luôn được Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp quan tâm, chỉ đạo, phân công cán bộ, công chức có trình độ phù hợp để tham mưu thực hiện mảng công tác khó và khá nhảy cảm này. Giám đốc Sở, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất tại địa điểm tiếp công dân theo đúng quy định của pháp luật. Bố trí cơ sở vật chất, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách bồi dưỡng cho đội ngũ làm công tác tiếp công dân đảm bảo đúng theo luật định.
Trên cơ sở đánh giá những ưu điểm, nhất là những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Tiếp công dân và các văn bản hướng dẫn thi hành, Sở Tư pháp đề xuất, kiến nghị các nội dung sau:
- Thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân các quy định pháp luật liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích, nghĩa vụ của nhân dân. Bên cạnh chú trọng về nội dung cần đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng ngày càng phong phú, đa đạng và thiết thực, gắn bó với người dân để họ hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật liên quan đến tiếp công dân.
- Nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động tiếp công dân, kiến nghị sớm xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, trong đó lưu ý quy định về nghĩa vụ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kiến nghị, phản ánh, quy định về việc ghi âm, ghi hình trong quá trình tiếp công dân; quy định về trình tự, thủ tục giải quyết phản ánh, kiến nghị./.
Thanh tra Sở Tư pháp