I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
1. Về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL
a) Công tác tự kiểm tra
- Cấp tỉnh: Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tự kiểm tra 40 văn bản QPPL do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và gửi đến Sở Tư pháp trong năm 2022 (đạt 100% văn bản do Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành), tăng 16 văn bản so với năm 2021 (có Phụ lục 1 kèm theo). Qua kiểm tra không phát hiện văn bản có sai sót, do đó, địa phương không thực hiện việc lập danh mục văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung.
- Cấp huyện: Trong năm 2022, Phòng Tư pháp đã giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện kiểm tra 30 văn bản QPPL do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành (giảm 08 văn bản so với năm 2021). Qua kiểm tra không phát hiện văn bản nào có sai sót về thẩm quyền, hình thức, nội dung và trình tự thủ tục theo quy định.
b) Công tác kiểm tra theo thẩm quyền
- Cấp tỉnh: Sở Tư pháp nhận được 16 văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ban hành, gửi về Sở Tư pháp (giảm 05 văn bản so với năm 2021); thực hiện kiểm tra 16/16 văn bản, qua kiểm tra không phát hiện văn bản có sai sót.
- Cấp huyện: Trong năm 2022, Phòng Tư pháp đã nhận và thực hiện kiểm tra 02 văn bản do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn ban hành (giảm 01 văn bản so với năm 2021). Qua kiểm tra không phát hiện văn bản nào có sai sót về thẩm quyền, hình thức, nội dung và trình tự thủ tục theo quy định.
c) Xử lý văn bản QPPL do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra
Trong năm 2022, Ủy ban nhân dân tỉnh không nhận được kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật, văn bản có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật thông qua kiểm tra, phát hiện của Bộ Tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền.
2. Về công tác rà soát văn bản QPPL
a) Rà soát thường xuyên
Công tác rà soát văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2021 được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 34 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp tiến hành rà soát 527 văn bản QPPL (gồm: 148 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân; 370 Quyết định của Ủy ban nhân dân; 09 Chỉ thị của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân) để rà soát văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau khi rà soát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành "Quyết định số 233/QĐ-UBND ngày 19/01/2021 về việc công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương năm 2021", gồm: 48 văn bản QPPL hết hiệu lực toàn bộ (18 Nghị quyết; 30 Quyết định); 03 văn bản hết hiệu lực một phần (02 Nghị quyết; 01 Quyết định). Nhìn chung, công tác rà soát văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên, kịp thời và đúng theo quy định, qua đó kịp thời phát hiện văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp với văn bản mới được ban hành.
b) Rà soát theo yêu cầu, kế hoạch
Trong năm 2022, thực hiện yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền khác, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân thực hiện các đợt rà soát theo chuyên đề, cụ thể như sau:
- Thực hiện rà soát, lập danh mục và tự kiểm tra văn bản theo chuyên đề về "việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch covid-19 giai đoạn 2020-2022" và "việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, y tế cơ sở"; kết quả: có 04 văn bản được tập hợp rà soát; qua rà soát phát hiện 02 văn bản không còn phù hợp.
- Thực hiện rà soát, lập danh mục và tự kiểm tra văn bản theo chuyên đề về "Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới", "Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững" và "Việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi". Tuy nhiên, qua rà soát Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương không ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc chuyên đề yêu cầu. Đồng thời, cũng không phát sinh trường hợp văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành liên quan đến lĩnh vực này.
- Thực hiện rà soát vướng mắc của các thông tư: Thực hiện Công văn số 1045/TTg-PL ngày 07/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát vướng mắc của các Thông tư; địa phương đã thực hiện rà soát và kiến nghị xử lý đối với 30 nội dung vướng mắc quy định trong Thông tư của các Bộ, Ngành Trung ương.
- Thực hiện rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Thực hiện yêu cầu của Bộ Tư pháp về việc rà soát, khắc phục sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; địa phương xác định có 27 văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành thuộc đối tượng rà soát. Qua rà soát, không phát hiện trường hợp văn bản quy phạm pháp luật có sở hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
- Ngoài ra, để có cơ sở cung cấp thông tin cho Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương phục vụ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh tiến hành rà soát, báo cáo các khó khăn, tồn tại, hạn chế và kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong quá trình chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ở địa phương. Qua rà soát, đề xuất xử lý 15 vấn đề có vướng mắc, bất cập trong quy định của các văn bản QPPL Trung ương thuộc các lĩnh vực như công thương, tài nguyên và môi trường, đầu tư…
c) Tình hình xử lý văn bản không còn phù hợp sau rà soát
Qua kết quả công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, có 35 văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hiện không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ. Đến thời điểm hiện tại, địa phương đã xử lý 25/35 văn bản, còn 10/35 văn bản đang trong quá trình xử lý (Có Phụ lục 2 kèm theo).
Trong năm 2022, trên cơ sở kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật của các sở, ban, ngành tỉnh, có 13 văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hiện không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ trong năm 2023, gồm: 10 văn bản từ năm 2022 chuyển sang và 03 văn bản đề xuất mới (Có Phụ lục 3 kèm theo).
3. Công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần
- Việc công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2021: Căn cứ Điều 157 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy định pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 34 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 233/QĐ-UBND ngày 19/01/2022 về việc công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương năm 2021, gồm: 48 văn bản hết hiệu lực toàn bộ và 03 văn bản hết hiệu lực một phần.
- Việc công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2022: Để đảm bảo việc công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần năm 2022 đảm bảo thời gian theo quy định; ngày 13/12/2022, Sở Tư pháp đã có Công văn số 2367/STP-VBTT gửi các sở, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đề nghị phối hợp lập danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực. Trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, Sở Tư pháp đã có Tờ trình số 08/TTr-STP ngày 04/01/2023 trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương năm 2022.
4. Cập nhật văn bản QPPL vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật
Nguồn cơ sở dữ liệu chủ yếu phục vụ công tác kiểm tra, rà soát văn bản được sử dụng từ nguồn Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về pháp luật, Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Công báo Chính phủ, Công báo Ủy ban nhân dân tỉnh, Website tỉnh và Danh mục cập nhật văn bản QPPL của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ trước đến nay còn hiệu lực để làm nguồn phục vụ công tác kiểm tra, rà soát văn bản. Thực hiện Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện cập nhật văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành đúng theo quy định. Trong năm 2022, Sở Tư pháp đã giúp Ủy ban nhân dân tỉnh cập nhật kịp thời, đầy đủ 63 văn bản QPPL (40 Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh và 23 Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh) vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật (tăng 15 văn bản so với năm 2021).
5. Tổ chức tập huấn, nghiệp vụ
- Đối với cấp tỉnh: Để triển khai "Kế hoạch số 513/KH-UBND ngày 28/01/2022 về kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản QPPL năm 2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương"; Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao Sở Tư pháp chủ động chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thường xuyên tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn bản cho cán bộ, công chức, viên chức; công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, công chức tư pháp cấp huyện, cấp xã được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức làm công tác này cũng như chất lượng công tác xây dựng, ban hành văn bản của địa phương. Trong năm 2022, tỉnh đã tổ chức 01 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, pháp chế cho cán bộ pháp chế các sở, ban, ngành tỉnh; công chức Phòng Tư pháp cấp huyện và cán bộ Tư pháp - Hộ tịch cấp xã với khoảng 150 người tham dự.
- Đối với cấp huyện: 09/09 Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức và tham dự đầy đủ, đúng thành phần các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL của cấp trên cho cán bộ, công chức các phòng, ban chuyên môn và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nhằm đảm bảo triển khai đầy đủ các nội dung về kiểm tra, rà soát, thực hiện có hiệu quả công tác văn bản QPPL trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
II. ĐÁNH GIÁ
1. Ưu điểm:
Trong năm 2022, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đối với việc xây dựng, rà soát, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản tại các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương nhìn chung tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nâng cao về chất lượng, hiệu quả. Cụ thể:
- Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện đã quan tâm chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch hàng năm; công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện.
- Công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh được triển khai tốt; các cấp, các ngành đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ về công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo quy định của pháp luật và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Công tác rà soát văn bản QPPL luôn được Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thực hiện các hoạt động liên quan đến việc rà soát văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, bao gồm rà soát văn bản QPPL thường xuyên và rà soát theo chuyên đề, lĩnh vực đảm bảo tiến độ theo quy định pháp luật và yêu cầu của Bộ Tư pháp. Kết quả rà soát cho thấy, hầu hết các văn bản QPPL được địa phương khi ban hành đều đảm bảo về nội dung, thẩm quyền, đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị của địa phương. Qua đó nhằm phát hiện và kịp thời xử lý nhiều văn bản, quy định chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp, góp phần bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; chú trọng thường xuyên, kịp thời phát hiện xử lý những nội dung trái quy định pháp luật.
- Việc công bố danh mục văn bản hết hiệu lực hàng năm và cập nhật văn bản vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia kịp thời, đúng theo quy định góp phần công khai, minh bạch nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh.
- Công tác tập huấn nghiệp vụ luôn được tỉnh đề cao, chú trọng nhằm đưa những thông tin mới, kịp thời đến những người làm công tác kiểm tra, rà soát; giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện công tác văn bản.
2. Hạn chế và nguyên nhân
a) Hạn chế
- Việc xử lý một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp sau rà soát chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu (đến nay vẫn còn 10/35 văn bản không còn phù hợp chưa hoàn thành việc xử lý).
- Một số cán bộ, công chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát ở một số cơ quan, đơn vị còn thiếu và yếu, chủ yếu kiêm nhiệm và thường xuyên có sự biến động dẫn đến công tác kiểm tra, rà soát đôi lúc chưa kịp thời, chất lượng chưa đảm bảo yêu cầu.
- Việc thống kê, báo cáo số liệu về kiểm tra, xử lý văn bản tại một số ít sở, ngành, địa phương chưa đảm bảo chính xác; việc thực hiện quy định về chế độ báo cáo công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản của một số cơ quan chưa đúng yêu cầu về nội dung và thời hạn.
b) Nguyên nhân
- Một số ít sở, ngành chưa nhận thức thật sự đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản; do đó, chưa xác định đúng đắn nội dung, yêu cầu đối với công tác này, chưa kịp thời xử lý văn bản không còn phù hợp sau rà soát.
- Đa phần công chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chủ yếu là kiêm nhiệm; đồng thời, khối lượng công việc trong công tác kiểm tra, rà soát tương đối lớn, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian thực hiện.
III. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
- Hiện tại, Thông tư của các Bộ chuyên ngành không quy định về việc thành lập phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nên các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không thành lập phòng pháp chế; đồng thời, Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã giao UBND cấp tỉnh quyết định cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Thực tế hiện nay, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả nên các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh không thành lập phòng pháp chế, cũng như không có đội ngũ pháp chế chuyên trách thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản nói riêng và công tác pháp chế nói chung.
- Việc hỗ trợ kinh phí cho công tác kiểm tra, rà soát văn bản được thực hiện theo "Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17/8/2011 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí đảm bảo cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL" chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ công việc, chưa tạo động lực, khuyến khích cho đội ngũ công chức làm công tác văn bản./.