Công tác xây dựng
Thứ 6, Ngày 21/12/2018, 10:00
Nhằm đánh giá 03 năm thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (BHVBQPPL), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành ở Trung ương, cơ quan ở địa phương và các chuyên gia, nhà khoa học cùng dự. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chỉ đạo Hội nghị
Cần đánh giá khách quan, toàn diện quy định của Luật BHVBQPPL
Sau 03 năm thi hành Luật BHVBQPPL và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày
14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi
hành Luật, công tác xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực,
góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Bên cạnh
những kết quả đạt được, Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất
định.
Điểm lại một số đóng góp quan trọng của Luật BHVBQPPL năm 2015 cũng như
các vấn đề tồn tại, phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành Luật, Bộ
trưởng Lê Thành Long đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận thẳng thắn
những kết quả đạt được và chưa đạt được của việc thi hành Luật. Đặc
biệt là cần đánh giá khách quan mặt chưa đạt được là do quy định của
pháp luật, do việc tổ chức thi hành Luật hay do sự phối hợp hay từ trách
nhiệm thực hiện của các cơ quan. Việc xem xét cần phải toàn diện từ quy
định của pháp luật đến thực tiễn. Bộ trưởng cũng đề nghị cần đánh giá
kỹ quy trình xây dựng pháp luật để phát hiện vướng mắc ở khâu nào và đề
xuất giải pháp thực hiện. Bên cạnh đó cần xem xét đến các quy định liên
quan đến trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện
Luật.
Đừng vì mới làm chưa quen, đừng vì đường cày chưa thẳng mà đã bỏ
Đặc biệt quan tâm đến quy trình lập đề nghị xây dựng chính sách trong
luật hiện hành, đồng chí Nguyễn Phước Thọ, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật
Văn phòng Chính phủ cho rằng, việc tách riêng quy trình lập đề nghị xây
dựng luật, pháp lệnh thành một quy trình độc lập trong trong xây dựng,
ban hành VBQPPL là một chính sách lớn, quan trọng nhất khi xây dựng Luật
BHVBQPPL năm 2015 nhưng hiệu quả chưa cao. Thực tế cho thấy, việc đề
xuất, xác định tên gọi, nội dung, tư tưởng, nhất là việc phân tích, đánh
giá tác động chính sách trong dự án, dự thảo Luật vẫn còn gặp khó khăn,
lúng túng. Xây dựng chính sách là vấn đề khó, phức tạp, lại chưa có
hướng dẫn cụ thể nên nội dung, phương pháp, kỹ năng phân tích chính sách
chưa được làm bài bản, thiếu thống nhất. Về giải pháp, đồng chí Phước
Thọ đề xuất, Bộ Tư pháp cần có thông tư hướng dẫn cụ thể để thực hiện
thống nhất, hiệu quả các quy định này.
Cũng theo đồng chí Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Văn phòng Chính
phủ, phân tích xây dựng chính sách là một cải cách của Luật và được coi
là điểm sáng và mang tính cách mạng của Luật BHVBQPPL hiện hành. Nếu làm
tốt quy trình xây dựng chính sách thì rất có lợi cho quá trình làm
luật. Hiện nay, sau 03 năm tổ chức thực hiện Luật, mặc dù có phát sinh
tồn tại, hạn chế, nhưng theo đồng chí, không nên nhìn vào việc làm chưa
tốt, làm chưa quen mà bỏ quy trình này. Đồng chí cho rằng, “nên duy trì,
thực hiện chưa tốt thì phải tổ chức thế nào để làm cho tốt, đừng vì mới
làm chưa quen, đừng vì đường cày chưa thẳng mà đã bỏ”.
Theo ý kiến một số đại biểu từ địa phương, Luật hiện hành quy định về
xây dựng chính sách trong đề nghị xây dựng nghị quyết của HĐND thành
phố, tuy nhiên, đây là nội dung mới, Nghị định hướng dẫn còn chung chung
nên khó thực hiện tại địa phương. Bên cạnh nội dung nêu trên, đồng chí
Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hà Nội còn đề cập đến quy định hạn
chế quy định thủ tục hành chính trong nghị quyết của HĐND cấp tỉnh,
quyết định của UBND cấp tỉnh chưa thật sự hợp lý, vì theo đồng chí Ngô
Anh Tuấn, trong trường hợp nghị quyết của HĐND thành phố ban hành cơ chế
chính sách đặc thù của thành phố, quyết định của UBND thành phố ban
hành những biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương
nhưng không được quy định thủ tục hành chính để thực hiện là không khả
thi.
Tại Hội nghị, các đại biểu còn tập trung thảo luận nhiều nội dung khác
của Luật BHVBQPPL như xây dựng, ban hành VBQPPL theo trình tự, thủ tục
rút gọn; hoạt động thẩm tra dự án luật; trách nhiệm của cơ quan chủ trì
thẩm tra trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật; thẩm quyền và quy
trình xây dựng, ban hành VBQPPL của HĐND, UBND và một số vấn đề khác…
Bộ trưởng Lê Thành Long nhận định, một số quy định trong Luật hiện hành
là mới và khó nhưng các bộ, ngành, địa phương đã cố gắng thực hiện. Đánh
giá chung tại Hội nghị cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại,
hạn chế, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do vấn đề nhận thức, trách nhiệm
và việc tổ chức thi hành Luật vẫn còn hạn chế. Bộ trưởng khẳng định Bộ
Tư pháp sẽ ghi nhận và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để nghiên
cứu, tổng hợp và báo cáo Chính phủ.
Sưu tầm: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp - An Như
Lượt người xem: Views:
1669
Bài viết:
Nhìn lại 03 năm thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015
Thông tin
|