Công tác xây dựng
Thứ 2, Ngày 30/03/2020, 15:00
Hệ thống pháp luật Việt Nam qua gần 75 năm xây dựng và hoàn thiện - Những dấu ấn nổi bật
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
30/03/2020 | Đào Thị Quyên
Có thể nói, gần 75 năm xây dựng nhà nước kiểu mới kể từ khi nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ làm cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, giành lại nền độc lập, cũng là gần75 năm hệ thống pháp luật Việt Nam được xây dựng và từng bước hoàn thiện. Quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ấy có thể chia thành hai thời kỳ lớn là thời kỳ trước khi Đảng ta tiến hành đường lối Đổi mới (năm 1986) và thời kỳ kể từ khi Đảng ta tiến hành đường lối Đổi mới đến nay. Mỗi thời kỳ lớn lại có thể chia thành những giai đoạn nhỏ hơn, tương ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở mỗi thời kỳ. Trong mỗi thời kỳ, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đều đạt được nhiều thành tựu với những dấu ấn nổi bật.

I. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM TRƯỚC THỜI KỲ ĐỔI MỚI

Trước thời kỳ Đổi mới (từ năm 1945 đến năm 1986), nước ta trải qua bagiai đoạn quan trọng là giai đoạn 1945-1954, giai đoạn 1954-1975 và giai đoạn 1975-1986.

1. Giai đoạn 1945-1954

Giai đoạn 1945-1954 diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa mới giành được độc lập đã phải đương đầu với cuộc kháng chiến chống sự quay trở lại xâm lược nước ta của thực dân Pháp. Tình thế cách mạng lúc đó được xem như "ngàn cân treo sợi tóc". Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và Chính phủ, nhân dân ta đã giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến 9 năm, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ, vang dội năm châu. Giai đoạn 1945-1954 cũng là giai đoạn những tư tưởng mang tính chất nền tảng của chế độ mới được thể nghiệm trong đời sống và thực tiễn pháp luật.
Ngay trong hai tuần đầu tiên kể từ ngày chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, lên án chế độ thực dân, phong kiến phi nghĩa, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (ngày 2/9/1945), chính quyền cách mạng đã kịp thời ban hành những văn bản pháp luật đầu tiên (sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ lâm thời) củng cố tính chính danh của chính quyền, thiết lập mô hình tổ chức bộ máy nhà nước để đủ sức huy động, lãnh đạo nhân dân chuẩn bị cho cuộc kháng chiến gian khổ, khốc liệt mà cả dân tộc phải đối mặt khi thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm Việt Nam. Cụ thể: Ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh cấm người dân "đăng lính, bán thực phẩm, dẫn đường, liên lạc, làm tay sai cho quân đội Pháp". Người trái lệnh sẽ bị đưa ra Tòa án quân sự nghiêm trị.[1] Tiếp đó, ngày 6/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ra Sắc lệnh số 06 về việc trưng thu tài sản có trả tiền. Theo đó, mỗi khi Chính phủ cần những vật liệu để ứng dụng vào những việc quan hệ hay khẩn cấp thì có thể trưng thu ở các tư gia hay tư sở có sẵn những vật liệu ấy. Việc trưng thu ấy sẽ được tính theo thời giá để trả tiền cho người chủ của những vật liệu ấy.[2] Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 11 về việc bãi bỏ thuế thân và cam kết các sắc thuế muốn được ấn định thì phải có Sắc lệnh quy định. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh về việc lập ra Bình dân học vụ để thực hiện chủ trương diệt giặc dốt. Cũng trong ngày đó, Sắc lệnh về việc học chữ quốc ngữ được ban hành theo đó, "trong khi đợi lập được nên Tiểu học cưỡng bách, việc học chữ Quốc ngữ từ năm nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người...Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ sẽ bị phạt tiền."Cũng trong ngày 8/9/1945,[3] Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 14 mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (300 người) nhằm ấn định ra một hiến pháp dân chủ cộng hòa. Sắc lệnh số 14 quy định rõ trong một thời hạn hai tháng kể từ ngày 8/9/1945 sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội.[4]Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường[5].Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành 3 Sắc lệnh quan trọng liên quan tới việc củng cố chính quyền nhân dân trong hoàn cảnh đất nước đặc biệt (thù trong, giặc ngoài): Sắc lệnh số 33a cho phép Ty Liêm phóng có thể bắt những hạng người nguy hiểm cho nền Dân chủ cộng hoà Việt Nam, để đưa đi an trí[6]; Sắc lệnh số 33b định thể lệ cho Ty Liêm phóng và Sở Cảnh sát theo mỗi khi bắt người[7]; Sắc lệnh số 33c về việc thiết lập các tòa án quân sự tại Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ[8]với chức năng xét xử người có hành vi phương hại đến nền độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Theo Sắc lệnh số 33c, những quyết nghị của Toà quân sự sẽ đem thi hành ngay, không có quyền chống án, trừ một số trường hợp đặc biệt.Sắc lệnh cũng quy định rõ việc xét xử sẽ được thực hiện trước công chúng nhưng "nếu có duyên cớ đặc biệt, Toà có thể quyết định xử kín". Tuy nhiên, dù vào trường hợp nào thì"Toà án cũng thẩm nghị trong phòng kín và tuyên bố bản án trước công chúng".[9]
Trong bối cảnh chưa thể ban hành ngay hệ thống pháp luật (nhất là pháp luật dân sự, thương mại, hình sự, tố tụng) để duy trì trật tự công, quản lý đất nước, ngày 10/10/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 49 quy định việc giữ tạm thời các luật lệ hiện hành ở Bắc, Trung, Nam bộ cho đến khi ban hành những bộ luật pháp duy nhất cho toàn quốc.[10]Cũng trong ngày 10/10/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 46 "quy định tổ chức các đoàn thể luật sư". Theo Sắc lệnh này, các tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vẫn tạm giữ như cũ. Người muốn hành nghề luật sư phải có quốc tịch Việt Nam, có hạnh kiểm tốt, có bằng cử nhân luật, đã làm luật sự tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng luật sư thực thụ trong nước Việt Nam.
Đối với khung pháp lý về tổ chức chính quyền địa phương, ngày 22/11/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 63-SL về tổ chức các Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Theo Sắc lệnh này, chính quyền nhân dân địa phương gồm 2 loại cơ quan là Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban hành chính (UBHC). HĐND (được tổ chức ở cấp xã[11] và cấp tỉnh[12]) do dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân. UBHC (được tổ chức không chỉ ở cấp xã[13] và cấp tỉnh[14], mà còn tổ chức cả ở cấp huyện[15] và cấp kỳ[16]) do các HĐND bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho dân vừa đại diện cho Chính phủ. Riêng đối với chính quyền ở các đô thị, ngày 21/12/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 77-SL về tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố. Theo Sắc lệnh này, ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: HĐND thành phố,[17] UBHC thành phố[18] và UBHC khu phố[19].HĐND thành phố do dân thành phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan thay mặt cho dân thành phố.UBHC thành phố do HĐND thành phố bầu ra vừa thay mặt cho dân thành phố vừa thay mặt cho Chính phủ.Đối với các thị xã lớn, chính quyền cũng được tổ chức tương tự như chính quyền các thành phố theo quy định tại Sắc lệnh số 11 ngày 24/1/1946 về việc tổ chức chính quyền nhân dân tại các thị xã lớn. Tinh thần các quy định trong Sắc lệnh số 63-SL và 77-SL được kế thừa cơ bản trong Hiến pháp năm 1946.

Đối với hệ thống tòa án nhân dân, ngày 24/1/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã ban hành Sắc lệnh số 13-SL tổ chức các tòa án và ngạch thẩm phán. Theo Sắc lệnh này, ở mỗi xã, ban thường vụ của Uỷ ban hành chính cấp xã, gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký sẽ kiêm cả việc tư pháp (gọi là Ban Tư pháp) (bao gồm việc hoà giải tất cả các việc dân sự và thương sự và phạt các việc vi cảnh,thi hành mệnh lệnh của các thẩm phán cấp trên). Ban tư pháp xã không có quyền tịch thu tài sản, không có quyền bắt bớ, giam giữ ai trừ khi có trát nã của một thẩm phán, hay khi thấy người phạm tội quả tang.Cũng theo Sắc lệnh kể trên, ở cấp quận (phủ, huyện, châu), sẽ có một Tòa án sơ cấp (gồm 1 thẩm phán, 1 lục sự và thư ký giúp việc) quản hạt địa hạt quận. Mỗi tuần lễ, ít ra phải có hai phiên toà công khai: một phiên hộ và một phiên hình. Tại phiên toà, Thẩm phán xét xử một mình, lục sự giữ bút ký, lập biên bản án từ. Ở mỗi tỉnh và ở các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, và Sài Gòn - Chợ Lớn, có một toà án đệ nhị cấp. Quản hạt của Toà này theo giới hạn của địa hạt tỉnh hay thành phố. Toà án đệ nhị cấp gồm có:Một Chánh án, một Biện lý[20], một Dự thẩm, một Chánh Lục sự và những Thư ký giúp việc. Sắc lệnh cũng quy định, về dân sự và thương sự, Chánh án xử một mình. Khi xử các việc tiểu hình, phải có thêm hai viên Phụ thẩm Nhân dân[21] góp ý kiến. Ông Chánh án phải hỏi ý kiến các Phụ thẩm về tội trạng các phạm nhân và về hình phạt, rồi tự mình quyết định.Khi xử các việc đại hình, Toà đệ nhị cấp gồm có năm vị cùng ngồi xử và đều có quyền quyết nghị: (1) Chánh án Toà đệ nhị cấp ghế Chánh án; (2) Hai Thẩm phán làm Phụ thẩm chuyên môn, chọn trong các Thẩm phán đệ nhị cấp hay sơ cấp trong quản hạt, do ông Chánh nhất Toà Thượng thẩm chỉ định mỗi năm một lần; (3) Hai Phụ thẩm nhân dân rút thăm.Ông biện lý ngồi ghế công tố viên và Chánh Lục sự ngồi ghế Lục sự. Ở mỗi Kỳ có một Toà Thượng thẩm (đặt tại Hà Nội, Huế và Sài Gòn) gồm có:Một Chánh nhất, các Chánh án phòng, các Hội thẩm, một Chưởng lý, một hay nhiều Phó Chưởng lý, những Tham lý, một Chánh Lục sự, các Lục sự, những Tham tá và Thư ký.Tại phiên toà, ngồi xử sẽ có Chánh nhất hay một Chánh án phòng chủ toạ, và hai Hội thẩm. Chưởng lý, Phó Chưởng lý hay Tham lý, ngồi ghế công tố viên. Chánh Lục sự hay Lục sự ngồi ghế Lục sự. Khi phúc lại các án tiểu hình và đại hình, ngoài ông Chánh án và hai Hội thẩm, phải có thêm hai Phụ thẩm nhân dân có quyền quyết nghị. Trong việc đại hình, nếu trước Toà Thượng thẩm một bị can không có ai bênh vực, ông Chánh án sẽ cử một Luật sự để bào chữa.Sắc lệnh cũng quy định rõ (Điều thứ 47) "Toà án Tư pháp sẽ độc lập đối với các cơ quan hành chính.Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp." Có thể nói, đây là quy định tiền đề cho nguyên tắc bảo đảm sự độc lập của thẩm phán và hội thẩm trong xét xử mà Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định.

Cũng trong những tháng đầu của chính quyền cách mạng, Chủ tịch Chính phủ lâm thời cũng đã ban hành một số Sắc lệnh về quyền tự do của người dân như Sắc lệnh số 35 ngày 20/9/1945 khẳng định rõ "quyền tự do tín ngưỡng là một nguyên tắc của chính thể Dân chủ cộng hòa", đồng thời quy định "đền chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm"; Sắc lệnh số 40-SL ngày 29/3/1946 về việc bảo vệ tự do cá nhân; Sắc lệnh số 41-SL ngày 29/3/1946 quy định chế độ báo chí; Sắc lệnh số 52-SL ngày 22/4/1946 quy định việc lập hội. Sắc lệnh số 40-SL quy định rõ "chỉ trừ khi nào có sự phạm pháp quả tang về khinh tội hay trọng tội còn bao giờ bắt người cũng cần phải có lệnh của thẩm phán viên." "Việc giam cứu, trước khi xử, bao giờ cũng do các cơ quan tư pháp quyết định..."

Một trong những thành tựu hàng đầu về xây dựng pháp luật của giai đoạn 1945-1954 chính là việc xây dựng và ban hành bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam - Hiến pháp năm 1946 (được Quốc hội ban hành vào ngày 9/11/1946)[22]. Chỉ với 70 điều được chia thành 7 chương, Hiến pháp năm 1946 thể hiện toàn diện tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ trương của Đảng ta về việc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân và hệ thống pháp luật Việt Nam của chế độ mới. Hiến pháp năm 1946 được xây dựng trên 3 nguyên tắc cơ bản: (1) đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; (2) đảm bảo các quyền tự do dân chủ; (3) thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân. Hiến pháp khẳng định rõ "nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo". Hiến pháp ghi nhận những quyền cơ bản như: quyền bình đẳng về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa của công dân Việt Nam, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tham gia chính quyền và tham gia công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh, bình đẳng nam nữ, quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài, quyền bầu cử, ứng cử. Hiến pháp cũng khẳng định quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm. Hiến pháp cũng quy định hệ thống tổ chức chính quyền gồm: Nghị viện nhân dân (cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) do dân bầu với nhiệm kỳ 3 năm, Chính phủ (với tư cách là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc, có Chủ tịch nước do Nghị viện nhân dân bầu với nhiệm kỳ 5 năm, có Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng), Hội đồng nhân dân (ở tỉnh, thành phố, thị xã và xã) và Ủy ban hành chính (ở tất cả các đơn vị hành chính),cơ quan tư pháp (gồm Tòa án Tối cao, Tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp). Có thể nói, Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận những nguyên lý về dân chủ (nguyên lý chủ quyền nhân dân) và nhiều tư tưởng tiến bộ có thể sánh ngang các bản hiến pháp tiên tiến thời kỳ đó.Tuy nhiên, do điều kiện chiến tranh, đúng ngày Hiến pháp năm 1946 được thông qua (ngày 9/11/1946), Quốc hội đã ra Nghị quyết "ủy nhiệm Chính phủ và Ban thường trực Quốc hội thi hành Hiến pháp. Trong thời kỳ chưa thi hành được thì Chính phủ phải dựa vào những nguyên tắc đã định trong Hiến pháp để ban hành các sắc luật."[23] Với bối cảnh đất nước có chiến tranh (ít nhất là từ năm 1945 đến năm 1954), khi xem xét lại các văn bản pháp luật được ban hành trong giai đoạn này, không khó hiểu khi chúng ta thấy Quốc hội ban hành rất ít đạo luật và kể cả Nghị quyết.[24] Cụ thể, trong giai đoạn 1945-1954, Quốc hội chỉ ban hành duy nhất 1 đạo luật là Luật Cải cách ruộng đất năm 1953. Chính vì thế, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong thời kỳ này chủ yếu là các sắc lệnh của Chủ tịch nước, các Thông tư, Nghị định do Thủ tướng hoặc các Bộ trưởng ban hành.

Ngày 22/5/1950, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành Sắc lệnh số 85-SL cải cách bộ máy tư pháp và Luật tố tụng. Có thể coi, đây là cuộc cải cách tư pháp đầu tiên kể từ khi chế độ mới được thiết lập năm 1945. Theo Sắc lệnh này, Toà án sơ cấp nay gọi là Toà án nhân dân huyện, Toà án đệ nhị cấp nay gọi là Toà án nhân dân tỉnh, Hội đồng phúc án nay gọi là Toà phúc thẩm, Phúc thẩm nhân dân nay gọi là Hội thẩm nhân dân.Khi xét xử hoặc bào chữa, thẩm phán và luật sư không mặc áo chùng đen.Để xử việc hình và việc hộ, Toà án nhân dân huyện và Toà án nhân dân tỉnh gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; Toà phúc thẩm gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.Hội thẩm nhân dân có quyền xem hồ sơ và biểu quyết.Hội thẩm nhân dân được hưởng đặc quyền tài phán như các Thẩm phán và lương bổng như các uỷ viên Uỷ ban kháng chiến hành chính cấp tương đương.Nhiệm kỳ của Hội thẩm nhân dân là một năm.Hàng năm, mỗi Hội đồng nhân dân xã sẽ bầu ba vị ở trong hay ngoài Hội đồng nhân dân để lập một danh sách Hội thẩm nhân dân huyện. Hàng năm, mỗi Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ bầu từ hai đến sáu Hội thẩm nhân dân chính thức và một hay hai Hội thẩm nhân dân phụ khuyết.Hàng năm, mỗi Hội đồng nhân dân tỉnh trong liên khu bầu sáu vị hoặc ở trong hoặc ở ngoài Hội đồng nhân dân để lập một danh sách các Hội thẩm nhân dân liên khu.Những vị trong danh sách này sẽ bầu ra từ ba đến chín Hội thẩm nhân dân chính thức và từ một đến ba Hội thẩm nhân dân dự khuyết.Cũng theo Sắc lệnh kể trên, Ban tư pháp xã có quyền xử một số vụ vi cảnh, một số việc đòi bồi thường.Toà án nhân dân huyện họp thành Hội đồng hoà giải để hoà giải tất cả các vụ kiện về dân sự và thương sự, kể cả các việc xin ly dị, trừ những vụ kiện mà theo luật pháp đương sự không có quyền điều đình.Biên bản hoà giải thành là một công chính chứng thư, có thể đem chấp hành ngay. Toà án nhân dân huyện có quyền xử chung thẩm những vụ án sơ thẩm của ban tư pháp xã bị kháng cáo, hoặc những vụ phạm pháp vi cảnh mà ban tư pháp xã xét cần xử phạt giam, hoặc những vụ tái phạm vi cảnh. Cũng theo Sắc lệnh số 85-SL, công tố viên có quyền kháng cáo về việc hộ cũng như về việc hình.Biện lý chỉ chuyển sang phòng dự thẩm điều tra thêm một vụ phám pháp nếu xét cần.Toà án chỉ thủ tiêu một phần hay toàn thể thủ tục nếu xét một hay nhiều hình thức ghi trong luật tố tụng hình hoặc hộ có hại cho việc thẩm cứu hoặc đến quyền lợi của đương sự.Trong trường hợp này Toà án đương xử vụ kiện vẫn giữ hồ sơ để tiếp tục xét xử và cử một thẩm phán để chỉ huy việc làm lại thủ tục.Về việc hình, người bị thiệt hại nào đã đầu đơn kiện thì có quyền kháng cáo để xin tăng hình phạt, tiền bồi thường và khoản bồi hoàn. Nhưng nếu người đó vì ác ý mà kháng cáo thì Toà án có thể tự mình hoặc theo lời thỉnh cầu của bị can mà bắt người ký đơn kháng cáo phải bồi thường một số tiền tương đương với sự thiệt hại đã gây ra về vật chất cũng như về tinh thần.Thẩm phán huyện dưới sự kiểm soát của Biện lý có nhiệm vụ đem chấp hành các án hình về khoản bồi thường hay bồi hoàn và các án hộ, mà chính Toà án huyện hoặc Toà án trên đã tuyên.Việc phát mại bất động sản và phân phối tiền bán được cũng do Toà án huyện phụ trách. Trong trường hợp có nhiều bất động sản rải rác ở nhiều huyện khác nhau thì Biện lý sẽ chỉ định một Thẩm phán huyện để việc phát mại đó vừa có lợi cho chủ nợ lẫn người mắc nợ.

Ngày 22/5/1950, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 97-SL sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật. Sắc lệnh quy định rõ "Những quyền dân sự đều được luật bảo vệ khi người ta hành sự nó đúng với quyền lợi của nhân dân."Người con đã thành niên không bắt buộc phải có cha mẹ bằng lòng mới kết hôn được.Trong thời kỳ tang chế vẫn có thể lấy vợ lấy chồng được.Song người vợ hoá chỉ có thể lấy chồng sau 10 tháng kể từ ngày chồng chết. Nhưng trong thời hạn ấy, người vợ hoá vẫn có thể tái giá nếu chứng rõ được rằng mình không có thai, hoặc là đã có thai với chồng trước để tránh sự lẫn lộn về con cái.Người đàn bà ly dị có thể lấy chồng khác ngay sau khi có án tuyên ly dị, nếu dẫn chứng rằng mình không có thai hoặc đương có thai.Chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đình.Người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ.Người vị thành niên là con trai hay con gái chưa đủ 18 tuổi. Khi đã đến tuổi thành niên thì dù còn ở với cha mẹ, người con cũng có quyền tự lập.Cha mẹ không có quyền xin giam cầm con cái.Người con hoang vô thừa nhận được phép thưa trước toà án để truy nhận cha hoặc mẹ của mình.Con cháu hoặc vợ chồng của người chết cũng không bắt buộc phải nhận thừa kế người ấy. Khi nhận thừa kế thì các chủ nợ của người chết cũng không có quyền đòi nợ quá số di sản để lại.Trong lúc còn sinh thời người chồng goá vợ hay vợ goá, các con đã thành niên có quyền xin chia phần tài sản thuộc quyền sở hữu của người chết, sau khi đã thanh toán tài sản chung.Người ta chỉ được hưởng dụng và sử dụng các vật thuộc quyền sở hữu của mình một cách hợp pháp và không thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân.Khi lập ước mà có sự tổn thiệt do sự bóc lột của một bên vì điều kiện kinh tế của hai bên chênh lệch thì khế ước có thể coi là vô hiệu. Tiếp đó, ngày 17/11/1950, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 159-SL quy định vấn đề ly hôn. Theo Sắc lệnh này, Toà án có thể cho phép vợ hoặc chồng ly hôn trong những trường hợp sau này: (1) Ngoại tình; (2) Một bên can án phát giam; (3) Một bên mắc bệnh điên hoặc một bệnh khó chữa khỏi; (4) Một bên bỏ nhà đi quá hai năm không có duyên cớ chính đáng; (5) Vợ chồng tính tình không được hoặc đối xử với nhau đến nổi không thể sống chung được.Vợ chồng có thể xin thuận tình ly hôn.Khi xử việc ly hôn, toà án áp dụng thủ tục tố tụng thường như xử các việc hộ khác.Tuy nhiên, trong trường hợp hai vợ chồng thuận tình xin ly hôn, nếu toà án nhân dân huyện hay thị xã hoà giải không thành, và nếu sau đó một tháng hai vợ chồng vẫn giữ ý kiến xin ly hôn, thì toà án nhân dân huyện hay thị xã sẽ chính thức công nhận sự ly hôn.Nếu người vợ có thai thì vợ hay chồng có thể xin toà hoãn đến sau kỳ sinh nở mới xử việc ly hôn.Toà án sẽ căn cứ vào quyền lợi của các con vị thành niên để ấn định việc trông nom, nuôi nấng và dạy dỗ chúng.Hai vợ chồng đã ly hôn phải cùng chịu phí tổn về việc nuôi dạy con, mỗi người tuỳ theo khả năng của mình.Trong trường hợp xét xử một bên có lỗi thì toà án có thể bắt bên đó bồi thường phí tổn cho bên kia. Có thể nói, Sắc lệnh số 97-SL và Sắc lệnh số 159-SL năm 1950 là hai văn bản đặt nền móng cho sự hình thành và phát triển của pháp luật dân sự và pháp luật hôn nhân và gia đình hiện đại của Việt Nam trong chế độ mới.

Trong giai đoạn 1945-1954, một số quy định về tội phạm và hình phạt đã được Chủ tịch Chính phủ lâm thời, sau này là Chủ tịch nước quan tâm ban hành. Có thể kể tới một số văn bản sau: Sắc lệnh số 144-SL ngày 2/3/1948 cấm giết trâu bò; Sắc lệnh số 168-SL ngày 14/4/1948 ấn định cách trừng trị tội đánh bạc; Sắc lệnh số 177-SL ngày 14/4/1948 việc phá hủy hay tổn hại đến động sản của người khác coi là tội vi cảnh, thuộc thẩm quyền tòa án sơ cấp xét xử; Sắc lệnh số 150-SL ngày 7/11/1950 tổ chức các trại giam; Sắc lệnh số 69-SL ngày 10/12/1951 đặt chế độ giữ gìn bí mật quốc gia; Sắc lệnh số 133-SL ngày 20/1/1953 trừng trị các loại Việt gian phản động.

Trong lĩnh vực pháp luật kinh tế, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ban hành một số sắc lệnh quan trọng, cụ thể: Sắc lệnh số 48 ngày 9/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời cho phép các công ty và các hãng ngoại quốc được phép tiếp tục công việc doanh nghiệp như cũ; Sắc lệnh số 69-SL ngày 16/5/1946 ấn định biểu thuế về thuế điền thổ trong toàn hạt Bắc Bộ; Sắc lệnh số 104-SL ngày 1/1/1948 ấn định nguyên tắc căn bản các 'doanh nghiệp quốc gia"; Sắc lệnh số 139-SL ngày 19/9/1950 cho phép phát hành trong toàn quốc một công trái gọi là "Công trái quốc gia"; Sắc lệnh số 127-SL ngày 4/11/1952 cho ban hành bản điều lệ về doanh nghiệp quốc gia.

Trong giai đoạn 1945-1954, Quốc hội chỉ ban hành 1 đạo luật duy nhất là Luật Cải cách ruộng đất ngày 19/12/1953. Theo đạo luật này, cải cách ruộng đất có mục đích, ý nghĩa là "Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ; Để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân;Để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công thương nghiệp phát triển;Để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến;Để đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phòng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc". Thực tiễn lịch sử cho thấy, đạo luật đã góp phần quan trọng thực hiện chủ trương "người cày có ruộng" của Đảng và Nhà nước ta, động viên các lực lượng kháng chiến, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đạo luật cũng có những sai lầm lớn gây nhiều hệ quả chính trị, xã hội và tư tưởng khá lâu dài, đồng thời để lại bài học lịch sử quan trọng về cách xây dựng và thực thi pháp luật.

2. Giai đoạn 1955-1975

Đây là giai đoạn miền Bắc tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải chi viện cho cuộc chiến tranh thống nhất đất nước tại miền Nam, đồng thời đánh thắng các cuộc không kích phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong những năm đầu miền Bắc được giải phóng, hoạt động xây dựng pháp luật đã được coi trọng hơn. Riêng năm 1957, Quốc hội đã ban hành nhiều đạo luật quan trọng như Luật quy định quyền lập hội ngày 20/5/1957, Luật quy định quyền tự do hội họp ngày 20/5/1957, Luật đảm bảo quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của nhân dân ngày 20/5/1957, Luật về chế độ báo chí ngày 20/5/1957, Sắc luật về bầu cử HĐND và UBHC các cấp ngày 20/7/1957, Sắc luật quy định những trường hợp phạm pháp quả tang, những trường hợp khẩn cấp và những trường hợp khám người phạm pháp quả tang ngày 18/6/1957, Sắc luật về quyền tự do xuất bản ngày 18/6/1957, Luật Công đoàn ngày 5/11/1957. Năm 1958, Quốc hội ban hành Luật Quy định chế độ phục vụ của sỹ quan quân đội nhân dân ngày 31/5/1958, Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 31/5/1958.

Trong bối cảnh miền Bắc đã được giải phóng, việc xây dựng chủ nghĩa xã hội đang được tiến hành, các quy định của Hiến pháp năm 1946 không còn hoàn toàn thích dụng, năm 1957, Quốc hội đã đề ra chủ trương xây dựng một bản Hiến pháp mới thay thế Hiến pháp năm 1946.Năm 1959, Quốc hội ban hành bản Hiến pháp mới, tạo cơ sở hiến định thiết lập nền kinh tế kế hoạch hóa ở Việt Nam, đồng thời tổ chức chính quyền có nhiều nét mô phỏng của mô hình chính quyền ở các nước XHCN giai đoạn đó. Theo tinh thần của bản Hiến pháp năm 1959, Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân, dựa trên nền tảng liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Điều 4 Hiến pháp này quy định rõ "tất cả quyền lực trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thống qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân.Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan Nhà nước khác đều thực hành nguyên tắc tập trung dân chủ." Hiến pháp cũng yêu cầu "tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.Tất cả các nhân viên cơ quan Nhà nước đều phải trung thành với chế độ dân chủ nhân dân, tuân theo Hiến pháp và pháp luật, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân." Lần đầu tiên trong Hiến pháp, quy định về nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung chính thức được ghi nhận. Điều 10 của Hiến pháp này quy định "Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế hoạch thống nhất.Nhà nước dựa vào các cơ quan Nhà nước, tổ chức công đoàn, hợp tác xã và các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh tế." Điều 12 và 13 của Hiến pháp quy định rõ "Kinh tế quốc doanh thuộc hình thức sở hữu của toàn dân, giữ vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế quốc dân và được Nhà nước bảo đảm phát triển ưu tiên.Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu của toàn dân." "Kinh tế hợp tác xã thuộc hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động.Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ sự phát triển của kinh tế hợp tác xã."

Hiến pháp năm 1959 quy định mô hình tổ chức bộ máy nhà nước gồm các thiết chế cơ bản là: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ (Hội đồng Chính phủ), HĐND và UBHC địa phương các cấp, TAND và VKSND. Đây là mô hình mà các bản hiến pháp về sau này, nhất là Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013 có sự kế thừa rất quan trọng.

Trong bối cảnh đất nước có chiến tranh (nhất là từ năm 1965 đến năm 1972 khi cuộc chiến tranh xâm lược của Hoa Kỳ mở rộng ra miền Bắc), công tác xây dựng pháp luật, nhất là xây dựng luật chưa có điều kiện để coi trọng đúng mức. Chính vì thế, ngoại trừ một số đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước và các đạo luật liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, Quốc hội nước ta hầu như không ban hành các đạo luật quy định các nội dung khác. Thống kê trên cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia cho thấy từ năm 1960 đến năm 1980, Quốc hội chỉ ban hành 9 đạo luật, tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong bối cảnh thời chiến.[25] Như vậy, các năm 1961, 1963-1964 và đặc biệt từ năm 1966 tới năm 1975 Quốc hội không ban hành đạo luật nào. Trong giai đoạn đó, Quốc hội có ban hành một số Nghị quyết nhưng cũng không nhiều chủ yếu để phục vụ việc thông qua báo cáo của Chính phủ, xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, phân vạch địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thay cho các Luật của Quốc hội, trong giai đoạn 1960-1980, UBTVQH ban hành 20 Pháp lệnh.[26] Số liệu thống kê này cho thấy, có một số năm như năm 1973-1975, UBTVQH cũng không ban hành Pháp lệnh nào. Việc sử dụng Nghị quyết với tư cách là VBQPPL của UBTVQH cũng được thực hiện trong giai đoạn này (chẳng hạn Nghị quyết số 80/NQ-TVQH năm 1961 về việc phê chuẩn Điều lệ tạm thời về bảo hiểm xã hội đối với công nhân và viên chức nhà nước; Nghị quyết số 200/NQ-TVQH năm 1966 về việc ban hành Điều lệ thuế công thương nghiệp). Ngoài ra, UBTVQH ban hành một số Nghị quyết về ấn định thời gian bầu cử ở một địa bàn nhất định, kéo dài thời gian bầu cử ở một tỉnh, về việc tính thuế nông nghiệp, về phê chuẩn hiệp định/hiệp ước, về đặc xá cho phạm nhân cải tạo tốt.

3. Giai đoạn 1976-1986

Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ đã hoàn thành trong phạm vi cả nước, nước nhà đã hoàn toàn độc lập. Sự kiện ấy mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử dân tộc,cả hai miền Nam - Bắc cùng bước vào kỷ nguyên quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, ngay khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến, trong khi di sản của cuộc chiến còn rất nặng nề, Việt Nam lại phải đối mặt trực tiếp với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam (năm 1978) và biên giới phía Bắc (năm 1979), đất nước bị Hoa Kỳ và các nước phương Tây bao vây và cấm vận, tình hình đất nước trong những năm vừa thống nhất rất phức tạp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.Ngày 2/7/1976, Quốc hội ra Nghị quyết chủ trương xây dựng Hiến pháp mới. Trong giai đoạn 1976-1980 khi chờ Hiến pháp mới được ban hành, Quốc hội không ban hành luật. Trong giai đoạn ấy, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành một số Pháp lệnh như: Pháp lệnh về việc xin ân giảm án tử hình và xét duyệt án tử hình (ngày 2/12/1978); Pháp lệnh về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 21/11/1979. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành trong giai đoạn này chủ yếu là một số Nghị định của Hội đồng Chính phủ và khá nhiều thông tư của các Bộ, ngành. Một phần quan trọng trong nội dung văn bản của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành là thực hiện các chính sách, biện pháp cấp thiết để bảo vệ biên cương tổ quốc ở biên giới Tây Nam (năm 1978) và ở biên giới phía Bắc (năm 1979).
Ngoài ra, nhiệm vụ cải tạo công thương nghiệp ở Miền Nam, áp dụng mô hình hợp tác xã ở miền Bắc vào miền Nam cùng việc tiếp tục xây dựng nền kinh tế theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung trong cả nước được quy định khá cụ thể trong các văn bản pháp luật của nhà nước trong giai đoạn này.
Năm 1980, Quốc hội ban hành Hiến pháp mới (Hiến pháp năm 1980). Đây là Hiến pháp đầu tiên của thời kỳ đất nước thống nhất, cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử lúc đó, cùng với những nhận thức có phần còn giản đơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Hiến pháp năm 1980 đã xác định kinh tế kế hoạch hóa tập trung là mô hình phát triển kinh tế cùng với đó là bộ máy nhà nước chuyên chính vô sản.Cụ thể, về kinh tế, Hiến pháp năm 1980 (Điều 18, 19 và 21, 26) chủ trương "tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất, hướng dẫn, sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, thiết lập và củng cố chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về tư liệu sản xuất nhằm thực hiện một nền kinh tế quốc dân chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh thuộc sở hữu toàn dân và thành phần kinh tế hợp tác xã thuộc sở hữu tập thể của nhân dân lao động. Kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân và được phát triển ưu tiên." "Nhà nước giữ độc quyền về ngoại thương và mọi quan hệ kinh tế khác với nước ngoài." "Đất đai, rừng núi, sông hồ, hầm mỏ, tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, ở vùng biển và thềm lục địa, các xí nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, thương nghiệp quốc doanh; ngân hàng và tổ chức bảo hiểm; công trình phục vụ lợi ích công cộng; hệ thống đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường không; đê điều và công trình thuỷ lợi quan trọng; cơ sở phục vụ quốc phòng; hệ thống thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, điện ảnh; cơ sở nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, cơ sở văn hoá và xã hội cùng các tài sản khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước - đều thuộc sở hữu toàn dân." "Nhà nước tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa ở thành thị và nông thôn bằng những hình thức thích hợp." Việc sở hữu tư liệu sản xuất của công dân không được Hiến pháp ghi nhận và bảo hộ.Với bối cảnh lịch sử như vậy, điều không quá ngạc nhiên là trong giai đoạn 1976-1986, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hầu như không thấy bóng dáng của các văn bản pháp luật quy định về hợp đồng dân sự, thương mại và quy chế pháp lý cho các loại hình doanh nghiệp tư được tồn tại và phát triển.Về khía cạnh tổ chức bộ máy nhà nước, trong Hiến pháp năm 1980, mô hình tổ chức bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1959 được kế thừa nhưng những yếu tố trong mô hình Xô Viết được tô đậm thêm. Cụ thể, Hội đồng Chính phủ được đổi tên thành "Hội đồng bộ trưởng". Vai trò cá nhân của người đứng đầu Hội đồng bộ trưởng (Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng) được quy định khá mờ nhạt. Thiết chế Chủ tịch nước cá nhân được thay thế bằng thiết chế Chủ tịch nước tập thể (có tên là Hội đồng nhà nước, đóng vai trò vừa là cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội vốn trước đây do Ủy ban thường vụ Quốc hội đảm nhiệm, vừa là Chủ tịch tập thể của nước cộng hòa XHCN Việt Nam). Hệ thống HĐND và Ủy ban nhân dân (UBND) 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) được thiết lập giống nhau cả ở khu vực nông thôn và khu vực đô thị.
Một điểm đáng ghi nhận trong nội dung của Hiến pháp năm 1980 đối với những người làm công tác xây dựng pháp luật là tinh thần đề cao vai trò của pháp luật trong tổ chức và quản lý đời sống xã hội đã bước đầu được ghi nhận trong bản Hiến pháp này với quy định tại Điều 12 "Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tất cả các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, nhân viên Nhà nước, nhân viên các tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, kiên quyết đấu tranh để phòng ngừa và chống các tội phạm, các việc làm vi phạm Hiến pháp và pháp luật." Điều đó phản ánh sự chuyển biến trong tư duy quản lý đất nước ta từ thời chiến sang thời bình, theo đó, trong thời bình, pháp luật là công cụ không thể thiếu để quản lý xã hội và vai trò của pháp luật trong đời sống ngày càng phải được đề cao. Trước đó, năm 1979, lần đầu tiên một trường đại học luật được thành lập.[27] Năm 1981, Bộ Tư pháp được tái lập sau khoảng 2 thập niên (kể từ năm 1959) không tồn tại trong cơ cấu của Chính phủ.

Thực tế lịch sử cho thấy, mô hình kinh tế theo Hiến pháp năm 1980 đã không được thực tiễn Việt Nam đón nhận.[28] Trong những năm thực hiện chính sách kinh tế và cách thức quản lý đất nước theo quy định của Hiến pháp năm 1980, đất nước gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, nhất là sau cuộc tổng điều chỉnh giá-lương-tiền năm 1985. Đã có lúc, lạm phát và một số chỉ số kinh tế vĩ mô khác rơi vào tình trạng mất kiểm soát,[29] đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế-xã hội.[30]Năm 1986, từ sức ép của thực tiễn, với tinh thần dũng cảm dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, tham khảo kinh nghiệm xây dựng quốc gia của một số quốc gia trong khu vực, Đảng ta đã hình thành nên đường lối đổi mới, giải phóng tư duy phát triển, chuyển mô hình phát triển kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang mô hình nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường.

II. HỆ THỐNG PHÁP LUẬT VIỆT NAM KỂ TỪ KHI TIẾN HÀNH ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI

Kể từ khi Đảng phát động đường lối Đổi mới, chuyển đổi cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường, mở cửa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tạo điều kiện cho khu vực tư nhân phát triển, mô hình kinh tế và mô hình tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo Hiến pháp năm 1980 ngày càng bộc lộ rõ những bất cập và cần có sự đổi mới khá căn bản. Trong chỉ đạo thực tiễn, việc tạo lập môi trường pháp lý để hợp pháp hóa sự tồn tại khu vực kinh tế tư nhân được khẩn trương thực hiện. Chưa đầy 1 năm sau khi Đảng phát động đường lối đổi mới, Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (năm 1987) nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư từ các nước, trong đó có các nước tư bản phát triển đến đầu tư tại Việt Nam. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (về sau này, Nghị quyết đi vào lịch sử với tên gọi nổi tiếng là "Khoán 10"), khẳng định "Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và tác dụng tích cực của kinh tế cá thể, tư nhân trong quá trình đi lên chủ nghĩa xã hội; thừa nhận tư cách pháp nhân, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ trước pháp luật, bảo hộ quyền làm ăn chính đáng và thu nhập hợp pháp của các hộ cá thể, tư nhân và quyền thừa kế sử dụng doanh nghiệp của con cái họ; tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các thành phần này phát triển ... các định kiến hẹp hòi đối với kinh tế cá thể, tư nhân phải được xoá bỏ." Nghị quyết cũng khẳng định việc giao đất nông nghiệp ổn định, lâu dài cho các hộ gia đình, thừa nhận quyền thừa kế, chuyển nhượng về đất nông nghiệp, quyền thuê mướn lao động của hộ gia đình và công ty tư nhân, quyền tự do tiêu thụ sản phẩm ở nơi có lợi.Những chủ trương này trong bối cảnh lịch sử lúc ấy được xem là những đột phá trong đổi mới tư duy, trong giải phóng tư tưởng, có tác dụng "cởi trói" lực lượng sản xuất, làm sống dậy cả nền sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp vào thời kỳ đó. Năm 1990, Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân chính thức được ban hành, chính thức thừa nhận ở tầm luật định sự tồn tại của khu vực kinh tế tư nhân do người Việt Nam làm chủ trong nền kinh tế Việt Nam.
Về tổ chức bộ máy nhà nước, Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đánh giá bộ máy nhà nước lúc đó là "cồng kềnh, nặng nề" đồng thời đề ra chủ trương thực hiện "một cuộc cải cách lớn về tổ chức bộ máy các cơ quan nhà nước". Chủ trương đó tiếp tục được Đại hội VII (năm 1991) của Đảng ghi nhận. Những bước vận động thực tiễn kể trên cùng các chủ trương mới, mang tính đột phá của Đảng tại Đại hội VI và VII tạo tiền đề xây dựng Hiến pháp năm 1992 với nhiều đổi mới quan trọng không chỉ trong các quy định về kinh tế mà cả trong tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng tiệm cận gần hơn với mô hình bộ máy nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc pháp quyền. Cụ thể, Hiến pháp năm 1992 ghi nhận tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam gồm 6 nhóm thiết chế chính là Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, TAND, VKSND, HĐND và UBND các cấp. Thiết chế Hội đồng nhà nước của Hiến pháp năm 1980 đã được cấu trúc lại thành UBTVQH và Chủ tịch nước. Thiết chế Hội đồng bộ trưởng của Hiến pháp năm 1980 đã được thiết kế lại thành Chính phủ với việc đề cao vai trò và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ - người đứng đầu Chính phủ. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Nhà nước ta đã tiến hành một đợt sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy và đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nếu như Quốc hội của giai đoạn trước đổi mới họp 1 năm 2 kỳ, mỗi kỳ khoảng 1 tuần với chương trình nghị sự chưa thực sự dành quan tâm đúng mức tới công tác xây dựng pháp luật thì kể từ khi thực hiện đường lối Đổi mới, sinh hoạt Quốc hội ngày càng dân chủ, sôi động, chức năng lập pháp ngày càng được thực hiện đầy đủ hơn. Thời gian hoạt động của Quốc hội cũng được phân bổ hợp lý hơn[31] đặt trọng tâm vào công tác thảo luận, xem xét, thông qua các dự án luật, công tác giám sát tối cao tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ cũng được sắp xếp tinh gọn hơn với số lượng đầu mối cơ quan củaChính phủ được cắt giảm đáng kể.[32]Sự phân tách quản lý nhà nước và quản lý sản xuất kinh doanh, phân định hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước với hoạt động của tổ chức cung ứng dịch vụ công đã từng bước được thực hiện trong thực tế. Cơ chế bộ chủ quản, cấp chủ quản được xóa bỏ hoặc được thu hẹp đáng kể. Hệ thống tòa án cũng được đổi mới theo hướng thành lập thêm các tòa án chuyên trách về kinh tế (Tòa kinh tế), lao động (Tòa lao động), hành chính (Tòa hành chính) nhằm phúc đáp yêu cầu phát triển kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN.

Chuyển sang nền kinh tế thị trường, thừa nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, đồng thời muốn tranh thủ vốn và công nghệ nước ngoài để hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam, điều tất yếu là phải xây dựng được môi trường pháp lý ổn định, minh bạch. Chính vì thế, công tác xây dựng pháp luật ngày càng được coi trọng. Các quy định kiểm soát hoạt động xây dựng pháp luật từng bước được hoàn thiện với việc Hội đồng nhà nước ban hành Nghị quyết số 91/NQ-HĐNN8 ngày 6/8/1988 về Quy chế xây dựng luật và pháp lệnh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ ban hành Thông tư số 33-BT ngày 10/12/1992 hướng dẫn về hình thức văn bản và việc ban hành văn bản của các cơ quan hành chính Nhà nước với tinh thần đặc biệt đề cao yêu cầu bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Tiếp đó, trên cơ sở quy định của Hiến pháp 1992, ngày 12/11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 10 đã thông qua Luật ban hành VBQPPL. Đây là văn bản có hiệu lực cao lần đầu tiên được ban hành đã tạo lập khuôn khổ, hành lang pháp lý nhằm đổi mới quy trình "lập pháp, lập quy", "nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng pháp luật, kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam", đáp ứng yêu cầu bức xúc của việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 đã có nhiều quy định để kiểm soát và nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, trong đó phải kể tới các quy định về các công việc mà Ban soạn thảo luật, pháp lệnh phải thực hiện, việc thẩm định, thẩm tra dự thảo luật, pháp lệnh và cơ chế lấy ý kiến nhân dân về các dự thảo luật.
Bước vào thế kỷ 21, quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng nhanh và tác động mạnh mẽ tới quá trình phát triển của Việt Nam. Đất nước đứng trước những thời cơ mới cùng nhiều thách thức mới đòi hỏi cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình đổi mới để mô hình quản trị quốc gia ngày càng tối ưu hơn, tiềm năng phát triển của đất nước được phát huy cao độ hơn.Năm 2001, Việt Nam và Hoa Kỳ ký hiệp định thương mại đầu tiên, mở đường cho việc Việt Nam sớm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Ngày 27/11/2001, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW về hội nhập kinh tế quốc tế, đặt ra mục tiêu "mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn, công nghệ, kiến thức quản lý để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Quá trình cải cách, đổi mới cũng góp phần làm biến đổi cơ cấu kinh tế, xã hội theo chiều hướng tích cực. Khu vực nông nghiệp tuy có giá trị gia tăng ngày càng cao nhưng tỷ lệ trong tổng sản phẩm quốc dân ngày càng giảm, nhường chỗ cho sự tăng lên mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa được đẩy mạnh. Nếu như trước những năm 1990, sự biến động của cư dân đô thị không đáng kể (luôn ở mức chưa tới 20% tổng số dân) thì từ những năm 2000 đến nay, nhiều đô thị thực sự ngày càng chứng tỏ vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, tiếp nhận công nghệ tiên tiến, mở rộng giao thương, hội nhập quốc tế cả về kinh tế, văn hóa và xã hội. Trình độ dân trí ngày càng được nâng lên. Khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chứng tỏ được vai trò là một trong những động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước. Trong bối cảnh đó, bộ máy nhà nước cùng hệ thống pháp luật ngày càng cần được đổi mới và tăng cường.Phúc đáp nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người dân, của thực tiễn đối với hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước cũng như đối với chất lượng của hệ thống pháp luật, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), trong lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2001, cặp đôi "kinh tế thị trường" và "Nhà nước pháp quyền" đã chính thức được hiến định. Theo đó, mô hình phát triển kinh tế tổng quát của Việt Nam được xác định là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mô hình nhà nước tương ứng là nhà nước pháp quyền XHCN. Thêm vào đó, ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, Việt Nam đã tiến hành đồng thời 3 cuộc cải cách liên quan tới pháp luật đó là cuộc cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001-2010 cũng như giai đoạn 2011-2020, cuộc cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 08 năm 2001 và Nghị quyết số 49 năm 2005 của Bộ Chính trị, cuộc cải cách lập pháp theo tinh thần Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 48/NQ-TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị). Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đề ra mục tiêu "xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; đổi mới căn bản cơ chế xây dựng và thực hiện pháp luật; phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để góp phần quản lý xã hội, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020." Chiến lược cải cách tư pháp đặt ra mục tiêu "xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao." Như vậy, tới thời điểm ban hành Chiến lược cải cách tư pháp, việc cải cách 3 thành tố cơ bản của nền quản trị quốc gia là hệ thống pháp luật, nền hành chính và nền tư pháp đã có mục tiêu xác định.[33]
Đặc biệt phúc đáp yêu cầu gia nhập WTO, hàng loạt đạo luật quan trọng của hệ thống pháp luật đã được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới, trong đó phải kể tới Luật Cạnh tranh năm 2004, Bộ luật dân sự năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Luật Đầu tư năm 2005, Luật Doanh nghiệp năm 2005 v.v.Năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập WTO. Sự kiện này tiếp tục tạo thêm cú hích cho công cuộc cải cách, đổi mới ở Việt Nam.

Có thể nói, cùng với quá trình đổi mới, hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm, đạt được tốc độ ngày càng cao. Trên thực tế, từ ngày 1/1/1987 đến ngày 01/01/2020 (tức là trong 33 năm kể từ khi tiến hành đường lối Đổi mới), Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành 614 luật, pháp lệnh gấp khoảng chục lần tổng số Luật, Pháp lệnh mà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành trong 41 năm trước Đổi mới.[34]Ngoài ra, Chính phủ, TANDTC, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, HĐND, UBND các cấp đã ban hành hàng loạt VBQPPLhướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc để tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc kiểm traviệc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Các văn bản đó đã tạo thành một hệ thống VBQPPL điều chỉnh hầu hết các mối quan hệ xã hội trong mọi mặt đời sống xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi những mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra trong thời kỳ phát triển của đất nước ta. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức và hoàn thiện bộ máy nhà nước từ Quốc hội, UBTVQH đến Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức, các đoàn thể trong hệ thống chính trị; các văn bản quy phạm pháp luật của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; các văn bản quy phạm pháp luật về các vấn đề xã hội, công dân, bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân trong các mặt của đời sống xã hội... Năm 2010, Việt Nam chính thức thoát khỏi sự xếp hạng của quốc tế là quốc gia kém phát triển, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ở mức thấp. Năm 2011, Đại hội XI của Đảng đề ra chủ trương sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới. Sau gần 3 năm nghiên cứu, xây dựng, soạn thảo, lấy ý kiến nhân dân, ngày 28/11/2013, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp năm 2013 thay thế Hiến pháp năm 1992 với nhiều nội dung mới, đề cao nguyên lý chủ quyền nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN[35], coi trọng quyền con người, quyền công dân, đặt một dấu mốc quan trọng trong lịch sử lập hiến Việt Nam, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho hệ thống pháp luật nói riêng và cho đất nước nói chung.

Trải qua gần 35 năm thực hiện đường lối Đổi mới, với 7 kỳ Đại hội Đảng (VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII), 2 lần xây dựng Cương lĩnh (năm 1991 và 2011), 2 lần ban hành Hiến pháp mới (năm 1992 và 2013), trước tác động của các sự kiện đối ngoại quan trọng (bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc năm 1990, bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 1994, gia nhập ASEAN năm 1995, gia nhập APEC năm 1998, gia nhập WTO năm 2007), kế thừa các thành tựu trước đó, với nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật với hàng trăm đạo luật, pháp lệnh, cùng hàng ngàn Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành đang có hiệu lực. Việc ban hành các văn bản này đã góp phần quan trọng hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta[36], bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế. Cụ thể, trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 và hiện nay là Hiến pháp năm 2013, hàng loạt đạo luật quan trọng đã được ban hành và tổ chức thực hiện như: các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước[37]; Bộ luật dân sự năm 2015 (thay cho Bộ luật dân sự năm 2015),[38] Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (thay cho Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 1999)[39], Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (thay thế cho Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, sửa đổi, bổ sung năm 2011),[40]Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (thay thế cho Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003), Luật tố tụng hành chính năm 2015 (thay thế cho Luật tố tụng hành chính năm 2010) và các đạo luật có liên quan[41], Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012;các đạo luật về doanh nghiệp, thương mại, đầu tư, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng[42]; các đạo luật thuế, tài chính, kế toán, kiểm toán[43];các đạo luật về tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thương mại[44]; các đạo luật về xây dựng, đất đai, nhà ở, quy hoạch đô thị[45]; các đạo luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản, năng lượng[46];các đạo luật có liên quan trong lĩnh vực lao động, giáo dục, đào tạo, dạy nghề, an sinh xã hội, y tế, bình đẳng giới[47]; các đạo luật về quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội[48]; các đạo luật về một số tổ chức chính trị-xã hội[49]; các đạo luật về lĩnh vực giao thông[50] v.v.
Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP)[51] (có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019) cùng việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) (ngày 30/6/2019[52]) (với tư cách là hai hiệp định thương mại tự do có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao nhất của Việt Nam từ trước tới nay) thể hiện sự hội nhập của Việt Nam với cộng đồng quốc tế ở chiều sâu, tầm vóc và quy mô mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam có thêm cơ hội mới để phát triển cùng với những thách thức, áp lực cạnh tranh mới cho doanh nghiệp, người lao động và nền kinh tế Việt Nam. Để tối ưu hóa những ích lợi từ quá trình hội nhập sâu rộng này, việc tiếp tục nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu lực, hiệu quả vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta là hướng đi rất cần thiết và có ý nghĩa. Điều này chỉ có thể được thực hiện khi hệ thống pháp luật Việt Nam tiếp tục được hoàn thiện để góp phần hữu ích vào tiến trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu, duy trì tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình đổi mới sáng tạo và nâng cấp công nghệ, qua đó, dần từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển của Việt Nam với các quốc gia phát triển trên thế giới. Đi kèm với đó là việc tận dụng những cơ hội và ứng phó với những thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang đặt ra cũng như việc tìm kiếm cách thức tổ chức nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững thực sự (trong đó việc chuyển sang mô thức kinh tế tuần hoàn có thể là gợi mở quan trọng). Đây sẽ là công việc rất có ý nghĩa mà các cơ quan có thẩm quyền đang nỗ lực thực hiện từ nay tới 2030 và cả những năm sau đó.

III. KẾT LUẬN

Nhìn lại gần75 năm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta, từ góc độ khoa học, có thể sơ bộ rút ra một số kết luận như sau:

Thứ nhất, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng, nhất là trong những ngày đầu sáng lập chế độ và kể từ khi bước với thời kỳ Đổi mới khi tiền đề xây dựng đất nước trong hòa bình đã chín muồi. Cho tới nay, có thể khá yên tâm để nói rằng, Việt Nam đã có hệ thống pháp luật điều chỉnh khá toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong điều kiện mới. Đây là thành quả đầy nỗ lực, tâm huyết của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tầng lớp Nhân dân. Thực tiễn xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong gần 75 năm qua (cả khi thành công và có lúc còn những điểm phải căn chỉnh, cải thiện) là những kinh nghiệm vô cùng quý báu cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật trong giai đoạn tới nếu biết khai thác, vận dụng tốt.

Thứ hai, giữa hệ thống pháp luật và thực tiễn đất nước luôn có mối tương quan mật thiết. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, tương ứng với những nhiệm vụ về xây dựng và bảo vệ đất nước do lịch sử đặt ra, Đảng và Nhà nước đều có những điều chỉnh trong chính sách để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Những điều chỉnh trong chính sách ấy thường được ghi nhận trực tiếp trong các quy định cấu thành nên hệ thống pháp luật.Thêm vào đó, càng ở giai đoạn hòa bình và xây dựng, nhất là khi xây dựng nền kinh tế thị trường trong điều kiện hòa bình thì vai trò, tầm quan trọng của pháp luật, của công tác xây dựng pháp luật càng được đề cao. Vì thế, có thể nói, duy trì môi trường hòa bình của đất nước, giữ vững ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết để xây dựng một hệ thống pháp luật phát triển toàn diện.
Thứ ba, nội dung hệ thống pháp luật nước ta trực tiếp thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phản ánh ý nguyện của nhân dân, dựa trên nền tảng các quy định trong Hiến pháp. Tuy nội dung của hệ thống pháp luật và đường lối, chính sách của Đảng không hoàn toàn đồng nhất nhưng quy định của pháp luật bao giờ cũng thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng. Với thực tế ấy, có thể khẳng định rằng, sự đúng đắn trong đường lối, chính sách của Đảng là yếu tố có tính chất quyết định hàng đầu đối với chất lượng của hệ thống pháp luật. Thêm vào đó, khi hệ thống pháp luật được điều chỉnh phù hợp với yêu cầu phát triển của từng giai đoạn lịch sử, phù hợp với ý chí, nguyện vọng của Nhân dân thì hệ thống pháp luật góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước và ngược lại. Đây là điều được minh chứng bằng kinh nghiệm của giai đoạn đấu tranh giành độc lập và đặc biệt là giai đoạn Đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay. Thực tiễn ấy cho thấy, càng bảo đảm tính đúng đắn trong đường lối, chủ trương của Đảng, phù hợp với điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, trình độ phát triển thực tế của đất nước, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời mở rộng sự tham gia của Nhân dân vào quá trình hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật, thì chúng ta càng có được hệ thống pháp luật có chất lượng. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác tổng kết lý luận và thực tiễn trong quá trình xây dựng chủ trương, đường lối của Đảng để bảo đảm chủ trương, đường lối của Đảng luôn sát hợp yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, sát hợp yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Thứ tư,tuy sự phát triển của hệ thống pháp luật Việt Nam không phải là sự vận động mang tính tuyến tính nhưng hệ thống ấy đang ngày càng tiệm cận hơn với những giá trị chung của nhân loạitrong đó phải kể tới các giá trị nhân bản, vì con người, đề cao tự do, bình đẳng, bảo vệ quyền con người,xây dựng một xã hội dân chủ, theo nguyên tắc pháp quyền, phát triển bền vững. Các nội dung trong Hiến pháp năm 2013 vừa qua cùng các đạo luật và văn bản dưới luật cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013 là những minh chứng rõ nét. Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các cam kết sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà cả nhiều khía cạnh liên quan tới quản trị nhà nước càng cho thấy điều này.
Thứ năm, những thành tựu cùng kinh nghiệm quý báu từ quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trong 75 năm qua là tiền đề cực kỳ quan trọng để công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật bước vào chặng đường mới với những yêu cầu mới hơn, cao hơn trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Trước yêu cầu ngày càng caocủa cuộc sống, nhất là khi Việt Nam đang ra sức phấn đấu để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng với tầm nhìn thể hiện khát vọng phát triển rất cao vào năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) và năm 2045 (100 năm quốc khánh), thực tiễn đang đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật để các giá trị về công bằng, tự do, dân chủ, pháp quyền, văn minh cùng những ưu việt của chế độ mới ngày càng hiện diện đầy đủ trên đất nước Việt Nam.Tuy nhiên, điều đó không tự nhiên có được nếu chúng ta không tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy pháp lý, sâu sát và sáng tạo trong thực tiễn, sớm xây dựng được hệ thống pháp luật đáp ứng các tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường hiện đại, của việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật ấy phải là hệ thống pháp luật thể hiện giá trị công bằng xã hội, phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển trong điều kiện mới (Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự hội nhập quốc tế sâu rộng). Đó phải là hệ thống pháp luật có tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận với chi phí tuân thủ thấp. Hệ thống ấy không chỉ là công cụ hữu hiệu để nhà nước quản lý xã hội mà còn phải là chỗ dựa vững chắc để nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình đồng thời là công cụ hữu hiệu để nhân dân kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực nhà nước. 


[1] Sau này, vào ngày 20/8/1948, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh số 222 quy định cấm chỉ mọi sự buôn bán với địch. Người vi phạm sẽ bị truy tố trước Tòa án quân sự.

[2] Thủ tục trưng dụng tài sản sau đó được quy định chi tiết theo Sắc lệnh số 68 ngày 30/11/1945 ấn định thể lệ về việc trưng dụng, trưng thu và trưng tập.

[3] Trước đó, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời vào ngày 3/9/1945 (tức là chỉ một ngày sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp, nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một bản Hiến pháp dân chủ." (xem: Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, NXB. Sự Thật, Hà Nội, 1984, tr. 6).

[4] Trong thực tế, do hoàn cảnh đất nước lúc đó, cuộc tổng tuyển cử đã được tổ chức vào ngày 6/1/1946 (theo Sắc lệnh số 76 ngày 18/12/1945). Đây được xem là ngày mở đầu cho lịch sử nhân dân ta thực hiện quyền bầu cử dân chủ để lập nên cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước.

[5] Thể lệ bầu cử chi tiết được ban hành bởi Sắc lệnh số 51 ngày 17/10/1945.

[6] Tuy nhiên, Sắc lệnh cũng quy định rõ: Khi bắt những người ấy Ty Liêm phóng phải làm ngay tờ trình lên Uỷ ban nhân dân Bắc bộ, Trung bộ hoặc Nam bộ, tuỳ địa phương, bầy những lý do cùng chứng cớ và định cả thời hạn an trí. Uỷ ban nhân dân địa phương các bộ sẽ xét và ra nghị định quyết nghị, hoặc tha hoặc bắt đi an trí ở nơi nào trong một thời hạn là bao nhiêu.Nghị định ấy Uỷ ban nhân dân địa phương phải thông tri lên cho ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp biết.

[7] Theo Sắc lệnh này, khi Sở Liêm phóng và Sở Cảnh sát bắt một người nào thì trong 24 giờ phải lập biên bản để hoặc tha ngay, hoặc tư sang toà án quân sự, hoặc tư sang ông biện lý toà án tư pháp. Nếu ông Chánh Liêm phóng hay Cảnh sát trưởng tha bị cáo, thì biên bản phải nói rõ những lý do. Biên bản cũng phải chỉ rõ những lẽ buộc tội khi tư sang toà án.

[8] Thẩm quyền của các tòa án này sau đó được ấn định bởi Sắc lệnh số 37 ngày 26/9/1945. 

[9] Sắc lệnh này sau đó được thay thế bởi Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946 về Tổ chức tòa án quân sự.

[10] Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, khi chính sách, pháp luật của chế độ mới đã ngày càng hoàn thiện hơn, ngày 30/6/1955 Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 19/VHH-HS yêu cầu các tòa án không nên áp dụng luật lệ của đế quốc và phong kiến nữa. Ngày 10/7/1959, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 772-TATC về vấn đề đình chỉ áp dụng luật pháp cũ của đế quốc và phong kiến.

[11] Có nhiệm kỳ 2 năm, với số hội viên chính thức từ 15 đến 20 và số hội viên dự khuyết từ 5 đến 7.

[12] Có nhiệm kỳ 2 năm, với 20 đến 30 hội viên chính thức và 5 hội viên dự khuyết.

[13] Gồm 5 ủy viên chính thức là Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch, 1 Ủy viên, 1 Thư ký và 1 thủ quỹ cùng 2 ủy viên dự khuyết.

[14]Gồm 3 ủy viên chính thức (Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký) và 2 ủy viên dự khuyết do HĐND tỉnh bầu.

[15] Gồm 3 ủy viên chính thức (Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký) và 2 ủy viên dự khuyết do HĐND các xã bầu.

[16] Có nhiệm kỳ 3 năm, với 5 ủy viên chính thức (Chủ tịch, Phó Chủ tịch, 2 Ủy viên và 1 Thư ký) cùng 2 ủy viên dự khuyết do HĐND các tỉnh bầu.

[17]Có nhiệm kỳ 2 năm với 20 hội viên thực thụ và 4 hội viên dự khuyết (riêng Hà Nội và Sài Gòn, con số này lần lượt là 30 và 6). Về sau này, theo Sắc lệnh số 10 ngày 23/1/1946, số hội viên dự khuyết được ấn định bằng số đơn vị tuyển cử.

[18]Có nhiệm kỳ 2 năm với 3 Ủy viên chính thức (Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký) và 2 ủy viên dự khuyết.

[19] Có nhiệm kỳ 1 năm với 3 Ủy viên chính thức (Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký) và 2 ủy viên dự khuyết do cử tri khu phố bầu trực tiếp.

[20] Tương đương với công tố viên.

[21] Danh sách các Phụ thẩm nhân dân, do UBHC tỉnh hay thành phố lập vào hồi đầu năm, gồm tất cả các hội viên chính thức và dự khuyết của HĐND tỉnh hay thành phố, trừ các uỷ viên hành chính và các hội viên nào làm thẩm phán hay luật sư; và nếu cần, sẽ thêm từ 10 đến 30 Phụ thẩm nữa do UBHC chọn trong những người ở tỉnh hay thành phố mà có đủ điều kiện để được ứng cử vào HĐND.Danh sách số Phụ thẩm thêm này phải tư sang ông Biện lý để hỏi ý kiến rồi đệ lên HĐND tỉnh hay thành phố duyệt y. Hai Phụ thẩm dự phiên toà sẽ chọn theo cách rút thăm.

[22] Ngày 9/11 về sau này (từ năm 2013) được Quốc hội Việt Nam chọn làm Ngày Pháp luật của Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

[23] Trong thực tế Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh.

[24] Chẳng hạn Nghị quyết ngày 31/10/1946 về chính sách ngoại giao đối với nước Pháp, Nghị quyết ngày 31/10/1946 về chính sách đại đoàn kết của Chính phủ, Nghị quyết ngày 31/10/1946 về chính sách chung của Chính phủ về việc thành lập Chính phủ mới, Nghị quyết ngày 8/11/1946 về chủ quyền quan thuế và ngoại thương của nước Việt Nam, Nghị quyết ngày 8/11/1946 về giấy bạc 500 đồng, Nghị quyết ngày 9/11/1946 về việc ủy nhiệm Chính phủ và Ban thường vụ Quốc hội thi hành Hiến pháp, Nghị quyết ngày 9/11/1946 về việc hoan nghênh thái độ của báo chí và các Đoàn thể Nam Bộ, Nghị quyết ngày 4/12/1953 về việc biểu dương đại biểu Quốc hội đã từ trần vì nước, Nghị quyết ngày 4/12/1953 về việc truất quyền đại biểu Quốc hội của những đại biểu trốn nhiệm vụ kháng chiến, Nghị quyết ngày 4/12/1953 về việc tín nhiệm Chính phủ.

[25]Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 1960, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1960, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND được Quốc hội ban hành năm 1960, Luật sửa đổi và bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự năm 1962, Luật Tổ chức HĐND và UB Hành chính các cấp năm 1962, Luật sửa đổi, bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự năm 1965.

[26] Cụ thể: Pháp lệnh về việc bầu cử HĐND các cấp năm 1961, Pháp lệnh về việc đặt huân chương và huy chương chiến sĩ vẻ vang năm 1961, Pháp lệnh quy định chế độ phục vụ của sỹ quan công an nhân dân vũ trang năm 1961, Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của TANDTC và các TAND địa phương năm 1961, Pháp lệnh quy định việc quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy, chữa cháy năm 1961, Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của VKSNDTC năm 1962, Pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1962, Pháp lệnh Quy định chế độ cấp bậc của sỹ quan và hạ sỹ quan Cảnh sát nhân dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1962, Pháp lệnh quy định cơ quan phụ trách quản lý công tác phòng cháy và chữa cháy và chế độ cấp bậc của sỹ quan và hạ sỹ quan phòng cháy và chữa cháy năm 1963, Pháp lệnh về việc quy định cấm nấu rượu trái phép năm 1966, Pháp lệnh về việc quy định một số điểm về bầu cử và tổ chức HĐND và Uỷ ban hành chính các cấp trong thời chiến năm 1967, Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng năm 1967, Pháp lệnh về việc đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng lao động và Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1970, Pháp lệnh (năm 1970) về việc sửa đổi và bổ sung Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của VKSNDTC ngày 16/4/1962, Pháp lệnh (năm 1970) về việc sửa đổi Điều 15 của Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và tổ chức của Toà án nhân dân địa phương ngày 23-3-1961, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN năm 1970, Pháp lệnh về việc quy định việc bảo vệ rừng năm 1972.

[27] Trường Đại học pháp lý Hà Nội (nay là Đại học Luật Hà Nội).

[28] Thực ra, các quy định về chính sách kinh tế trong Hiến pháp năm 1980 chỉ là sự kéo dài một số chính sách kinh tế không phù hợp từ trước đó. Ngay từ năm 1968, ở một số địa phương, đặc biệt là ở Vĩnh Phú đã phát sinh hiện tượng "khoán chui". Đến năm 1980, việc khoán chui đã diễn ra cả ở Hải Phòng, Vĩnh Phú. Ở khu vực phía Nam, hiện tượng "phá rào" cơ chế kinh tế cũng diễn ra trong giai đoạn cuối thập niên 1970, đầu thập niên 1980 với các điển hình khoán ở xí nghiệp đánh cá Côn Đảo-Vũng Tàu, khoán ở công ty xe khách thành phố Hồ Chí Minh, công ty lương thực thành phố Hồ Chí Minh, việc phá giá thu mua lúa ở An Giang  v.v. (xem: Đặng Phong, Tư duy kinh tế Việt Nam: 1975-1989, Hà Nội: NXB Tri thức, 2012, tr. 212-221).

[29] Chỉ tính ở góc độ chỉ số lạm phát, chúng ta đã thấy rõ điều này. Năm 1986, chỉ số giá tiêu dùng trên thị trường xã hội đã tăng tới 587,2% so với năm 1985 (xem: Đặng Phong, Tư duy kinh tế Việt Nam: 1975-1989, Hà Nội: NXB Tri thức, 2012, tr. 288).

[30] Đánh giá lại giai đoạn này, Đảng ta thừa nhận, giai đoạn 1976-1985, Đảng ta phạm phải sai lầm về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện. Đó cũng là lúc Đảng ta mắc phải "bệnh chủ quan, duy ý chí, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nống vội… không nắm vững và hành động theo đúng quy luật khách quan". Xem: Nguyễn Văn Linh, Đổi mới để tiến lên (Hà Nội: NXB Sự Thật, 1988) tr. 16.

[31] Hiện tại, mỗi năm Quốc hội họp 2 kỳ, mỗi kỳ khoảng 5 tuần.

[32] Trước Đổi mới, số lượng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vào khoảng 70, hiện nay, trong cơ cấu của Chính phủ có 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ

[33] Theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (ban hành kèm theo Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001), nền hành chính mà Việt Nam hướng tới xây dựng là "nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đạihóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cóphẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.Đến năm 2010, hệ thống hành chính về cơ bản được cải cách phù hợp với yêu cầuquản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa."

[34] Trong giai đoạn đó, Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 28 luật, 34 pháp lệnh.

[35] Hiến pháp năm 2013 đã chính thức ghi nhận nguyên tắc "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp", quy định rõ Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp, Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ "Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng."

[36] Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Ban chấp hành trung ương (Khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đã xác định thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam với 4 nội dung sau:

- Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

- Tính hiện đại và hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta thể hiện ở chỗ kế thừa có chọn lọc những thành tựu phát triển kinh tế thị trường của nhân loại, kinh nghiệm tổng kết từ thực tiễn hơn 30 năm đổi mới; có hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và các yếu tố thị trường, các loại thị trường đầy đủ, đồng bộ, vận hành thông suốt, gắn kết chặt chẽ với các nền kinh tế trên thế giới; vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường được xác định và thực hiện phù hợp với thông lệ, nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế phổ biến. Định hướng XHCN của nền kinh tế được nhất quán xác lập và tăng cường thông qua sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, lấy con người làm trung tâm, vì mọi người và do con người; phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển.

- Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh cùng phát triển theo pháp luật. Khuyến khích làm giàu hợp pháp. Thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội.

- Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế; tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ tài nguyên, môi trường; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường.

[37] Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 (thay thế cho Luật tổ chức Quốc hội năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2007), Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003, Luật tổ chức TAND năm 2014 (thay thế cho Luật tổ chức TAND năm 2002), Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2014 (thay thế cho Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002), Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 (thay cho Luật tổ chức Chính phủ năm 2001), Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (thay cho Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003), Luật Thanh tra năm 2010 (thay thế Luật Thanh tra năm 2004), Luật cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật kiểm toán nhà nước năm 2015 (thay cho Luật kiểm toán nhà nước năm 2005), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (thay cho Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2004, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008) v.v.

[38] Bộ luật dân sự năm 2005 thay cho Bộ luật dân sự năm 1995. Bên cạnh Bộ luật dân sự năm 2015, trong lĩnh vực pháp luật dân sự, cần phải kể tới hàng loạt các đạo luật có liên quan như: Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (thay thế Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000); Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (thay thế Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009); Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân năm 2014, Luật quốc tịch Việt Nam năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014); Luật công chứng năm 2014 (thay thế Luật Công chứng năm 2006); Luật nuôi con nuôi năm 2010; Luật trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2008; Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 (thay cho Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008); Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác năm 2006.

[39] Các đạo luật về phòng, chống tội phạm cũng cần phải kể tới Luật phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008); Luật phòng, chống khủng bố năm 2013; Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 (thay thế Luật phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012); Luật phòng, chống rửa tiền năm 2012; Luật phòng, chống mua bán người năm 2011.

[40] Các đạo luật về giải quyết tranh chấp cũng cần kể tới Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013, Luật trọng tài thương mại năm 2010.

[41] Luật giám định tư pháp năm 2012 (đang được sửa đổi, bổ sung), Luật lý lịch tư pháp năm 2009, Luật tố tụng hành chính năm 2010 (thay thế Luật tố tụng hành chính năm 2010), Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật thi hành án hình sự năm 2019 (thay thế Luật thi hành án hình sự năm 2010), Luật luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật trợ giúp pháp lý năm 2017 (thay thế Luật trợ giúp pháp lý năm 2006), Luật phá sản năm 2014 (thay thế Luật Phá sản năm 2004); Luật đặc xá năm 2018 (thay thế Luật đặc xá năm 2007); Luật tương trợ tư pháp năm 2007.

[42] Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2005 (đang được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung), Bộ luật hàng hải năm 2005, Luật cạnh tranh năm 2018 (thay thế Luật cạnh tranh năm 2004), Luật Doanh nghiệp năm 2014 (thay thế Luật doanh nghiệp năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật hợp tác xã năm 2012, Luật Đầu tư năm 2014 (thay thế Luật đầu tư năm 2005), Luật đấu thầu năm 2013 (thay thế Luật đấu thầu năm 2005), Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), Luật chuyển giao công nghệ năm 2006, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp năm 2014, Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Luật Dược năm 2005, Luật an toàn thực phẩm năm 2010, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật đo lường năm 2011, Luật Quảng cáo năm 2012, Luật giá năm 2012, Luật Du lịch năm 2005, Luật Hải quan năm 2014 (thay thế Luật Hải quan năm 2001, sửa đổi, bổ sung năm 2005).

[43]Luật Quản lý thuế năm 2019 (thay thế Luật quản lý thuế năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012); Luật thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2007 (sửa đổi, bổ sung năm 2012), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2013), Luật thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế bảo vệ môi trường năm 2010,Luật Thuế tài nguyên năm 2009, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005; Luật Kế toán năm 2003, Luật Thống kê năm 2003, Luật Kiểm toán độc lập năm 2011 v.v.

[44]Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 (thay thếLuật ngân sách nhà nước năm 2002), Luật quản lý nợ công năm 2017 (thay thế Luật quản lý nợ công năm 2009), Luật đầu tư công năm 2014, Luật ngân hàng nhà nước và Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) (thay thế Luật ngân hàng nhà nước năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2003 và Luật các tổ chức tín dụng năm 1997, sửa đổi, bổ sung năm 2004), Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012; Luật Chứng khoán năm 2019 (thay thế Luật chứng khoán năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2010), Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2010).

[45]Luật Xây dựng năm 2014 (thay thế Luật Xây dựng năm 2003), Luật quy hoạch đô thị năm 2009, Luật đất đai năm 2013 (thay thế Luật Đất đai năm 2003), Luật kinh doanh bất động sản năm 2014 (thay thế Luật kinh doanh bất động sản năm 2006), Luật Nhà ở năm 2014 (thay thế Luật nhà ở năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009).

[46]Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2005), Luật khoáng sản năm 2010 (thay thế Luật Khoáng sản năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2005), Luật đa dạng sinh học năm 2008, Luật tài nguyên nước năm 2012,Luật Lâm nghiệp năm 2017 (thay thếLuật bảo vệ và phát triển rừng năm 2004); Luật năng lượng nguyên tử năm 2008; Luật hóa chất năm 2007, Luật đê điều năm 2006, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013.

[47]Bộ luật lao động năm 2019 (thay thếBộ luật lao động năm 2012 và trước đó là Bộ luật lao động năm 1994), Luật dạy nghề năm 2006, Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006, Luật việc làm năm 2013, Luật giáo dục năm 2019 (thay thế Luật giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2014 và 2015), Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2018), Luật công nghệ thông tin năm 2006, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006), Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, Luật người cao tuổi năm 2009, Luật người khuyết tật năm 2010, Luật bảo hiểm y tế năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007, Luật Bình đẳng giới năm 2006, Luật thể dục, thể thao năm 2006.

[48] Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014; Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Quốc phòng năm 2005, Luật Dân quân tự vệ năm 2009, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Luật Công an nhân dân năm 2018 (thay thế Luật Công an nhân dân năm 2014 và trước đó là Luật Công an nhân dân năm 2005), Luật Cư trú năm 2006 (đang được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung toàn diện); Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2018 (thay thế Luật tố cáo năm 2011).

[49]Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam năm 2015 (thay thếLuật Mặt trận tổ quốc năm 2001), Luật Thanh niên năm 2005(đang được sửa đổi, bổ sung toàn diện), Luật Công đoàn năm 2012;

[50] Như Luật giao thông đường bộ năm 2008 (thay thế Luật giao thông đường bộ năm 2001), Luật hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, Luật đường sắt năm 2005, Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2004.

[51] Với 11 quốc gia thành viên là: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

[52] Đã được Nghị viện Châu Âu chính thức thông qua ngày 12/2/2020.

Hà Nội, tháng 2/2020.

TS. Nguyễn Văn Cương

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

Nguồn: https://khpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=102

Lượt người xem:  Views:   6091
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Từ khóa

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio