Bộ luật Hình sự số năm 2015 có nhiều quy định mới về vấn đề xóa án tích, bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án, giao cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, trên thực tiễn công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu lý lịch tư pháp đang gặp phải những vướng mắc, bất cập...
1. Quy định của pháp luật hình sự về vấn đề xóa án tích
Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, người được xóa án tích coi như chưa bị kết án. Bộ luật Hình sự quy định có 02 loại xóa án tích: đương nhiên được xóa án tích và xóa án tích theo quyết định của Tòa án, cụ thể:
(1) Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII (các tội xâm phạm an ninh quốc gia) và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự (các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh).
Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bỏ quy định Tòa án cấp giấy chứng nhận đương nhiên được xóa án tích cho người bị kết án, mà giao trách nhiệm cho Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP xác nhận không có án tích nếu có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tại Khoản 4, điều 70, Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định: "Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu LLTP xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này".
2. Quy định của pháp luật về LLTP liên quan đến vấn đề xóa án tích
Điều 33 Luật lý lịch tư pháp cũng quy định về xóa án tích, cụ thể: Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cập nhật, xử lý thông tin LLTP trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích, cụ thể:
- Khi nhận được giấy chứng nhận xóa án tích hoặc quyết định xoá án tích của Toà án thì ghi "đã được xoá án tích" vào LLTP của người đó;
- Khi xác định một người có đủ điều kiện đương nhiên được xoá án tích theo quy định của Bộ luật hình sự thì ghi "đã được xoá án tích" vào LLTP của người đó.
Như vậy, theo quy định của Luật LLTP, trong quá trình cập nhật thông tin của người bị kết xóa án, khi xác định được người bị kết án đã có đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ cập nhật thông tin, ghi rõ việc "đã được xóa án tích" vào LLTP của người bị kết án; trường hợp có yêu cầu thì cấp Phiếu LLTP cho người đó và ghi là "không có án tích".
Điều 17, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP ngày 23/11/2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP đã xác định rõ trách nhiệm của Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp trong việc xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án. Theo đó, việc xác minh được tiến hành trong trường hợp người bị kết án đã có đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích theo quy định của Bộ luật Hình sự, nhưng Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp chưa nhận được Giấy chứng nhận đương nhiên xóa án tích đối với người đó do Tòa án gửi đến. Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có nhiệm vụ xác minh về việc người đó có bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử trong thời hạn đang có án tích hay không. Việc xác minh được thực hiện tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án cư trú, làm việc sau khi chấp hành xong bản án. Cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân thực hiện phối hợp xác minh. Trong quá trình xác minh tại Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức, nếu thấy cần thiết thì xác minh tại cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan. Trình tự, thủ tục xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích cũng được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 10/5/2012 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn trình tự, thủ tục tra cứu, xác minh, trao đổi, cung cấp thông tin LLTP
Ngoài việc xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP như đã nêu ở trên, Luật LLTP (Khoản 3 Điều 44) cũng có quy định việc xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu LLTP,"trong trường hợp cần thiết, Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích khi cấp Phiếu LLTP". Do đó, trong trường hợp thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người bị kết án chưa được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP, chủ yếu là đối với thông tin có trước ngày 01/7/2010 (ngày Luật LLTP có hiệu lực pháp luật), Trung tâm LLTP quốc gia, Sở Tư pháp có trách nhiệm xác minh về điều kiện đương nhiên được xóa án tích để cấp Phiếu LLTP. Quy trình xác minh cũng tương tự như đối với trường hợp xác minh thông tin để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu LLTP.
3. Thực tiễn công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích
BLHS năm 2015 chưa có hiệu lực pháp luật, đối với những trường hợp người dân đã có án tích đề nghị cấp Phiếu LLTP, để bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP, Sở Tư pháp thường hướng dẫn người dân đến Tòa án đề nghị cấp giấy chứng nhận xóa án tích. Trên cơ sở giấy chứng nhận của Tòa án, Sở Tư pháp cấp Phiếu LLTP cho người dân.
Nhưng khi BLHS năm 2015 có hiệu lực pháp luật thì Sở Tư pháp gặp khó khăn khi thực hiện xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích: đó là Sở Tư pháp không có đủ thông tin về bản án hình sự (trong nhiều trường hợp cơ quan công an chỉ trả lời về việc người yêu cầu bị bắt, bị lập danh chỉ bản ) hoặc không có đủ thông tin về quá trình thi hành các quyết định của Tòa án trong bản án (như người bị kết án đã chấp hành xong hình phạt chính, nơi chấp hành hình phạt chính, hình phạt bổ sung, án phí, trách nhiệm dân sự cũng như thông tin về người bị kết án có phạm tội mới trong thời gian có án tích?), đặc biệt là đối với thông tin có trước ngày 01/7/2010.
- Đối với các trường hợp kết quả tra cứu của cơ quan Công an xác nhận là có án tích; nếu người bị kết án đã đủ thời gian để đương nhiên được xóa án tích, đối với các bản án có trước ngày 01/7/2010, Sở Tư pháp phải đề nghị Tòa án đã xét xử cung cấp bản án và các cơ quan có liên quan cung cấp thông tin về quá trình thi hành án. Nhiều trường hợp, bản án đã được Tòa án tuyên đã lâu, người bị kết án cũng như các cơ quan có liên quan không còn lưu giữ được các giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thi hành bản án; việc ủy thác thi hành án, hoặc trong trường hợp chia tách địa giới hành chính dẫn đến khó khăn trong việc xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hoặc người bị kết án không biết ngày trước họ thi hành án tại trại giam nào hoặc trong trường hợp một người có nhiều án tích hoặc cư trú ở nhiều địa phương khác nhau. .. đối với các trường hợp này, việc xác minh của Sở Tư pháp gặp rất nhiều khó khăn. Có những trường hợp, Sở Tư pháp đã phải xác minh đến 7-8 cơ quan, có trường hợp phải xác minh gần 12 tháng nhưng vẫn chưa đủ căn cứ xác định rõ tình trạng án tích của để cấp Phiếu LLTP. Vì vậy, hầu hết các trường hợp phải xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích, thời hạn cấp Phiếu thường không bảo đảm được đúng quy định của Luật LLTP. Hơn nữa, công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan cũng như đòi hỏi cán bộ làm công tác này phải có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về pháp luật hình sự và pháp luật về LLTP. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nên cũng gặp khó khăn trong công tác này.
4. Một số đề xuất, kiến nghị
Để bảo đảm thi hành những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về xóa án tích, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn công tác xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích trong thời gian qua, có một số đề xuất, cụ thể như sau:
- Cần thiết phải bổ sung quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin, trách nhiệm giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP và các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, UBND cấp xã...về điều kiện đương nhiên xóa án tích của người bị kết án để phục vụ việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích, bảo đảm thời hạn cấp Phiếu LLTP tại Sở Tư pháp;
- Sở Tư pháp, Tòa án, Thi hành án, công an cần quan tâm, chú trọng hơn nữa trong công tác cung cấp, tiếp nhận thông tin LLTP để xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP, chủ động rà soát, cập nhật thông tin về điều kiện đương nhiên được xóa án tích của người đã bị kết án vào Cơ sở dữ liệu LLTP.
- Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cấp Phiếu LLTP, đặc biệt là nghiệp vụ xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích. Cho phép người yêu cầu phối hơp cung cấp các bản án, các giấy tờ liên quan đến tình trạng thi hành án mình cho cơ quan cấp Phiếu LLTP (nếu có).
- Các cơ quan trong công tác phối hợp cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác LLTP, giữa các cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP với các cơ quan: Tòa án, Thi hành án, Trại giam.... tránh tình trạng một thông tin nhưng nhiều cơ quan cùng phải cập nhật, xử lý.