I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 51 tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có: 32 văn phòng luật sư, 19 Công ty luật), 55 chi nhánh, 12 Văn phòng giao dịch, 05 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương có 163 luật sư (trong đó không bao gồm luật sư là thành viên Đoàn Luật sư địa phương khác làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, không có luật sư nước ngoài làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh) và 40 người tập sự hành nghề luật sư.
So với 6 tháng đầu năm 2019, tăng 06 tổ chức hành nghề luật sư, 11 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư, 01 văn phòng giao dịch, 13 luật sư thuộc đoàn luật sư tỉnh và 03 người tập sự hành nghề luật sư.
Về kết quả hoạt động, đội ngũ luật sư đã thực hiện 877 vụ, việc, so với 6 tháng đầu năm 2019 giảm 113 vụ, việc, trong đó: tham gia tố tụng là 288 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 13 vụ việc, tư vấn pháp luật là 295 vụ việc, trợ giúp pháp lý miễn phí 109 vụ việc, dịch vụ pháp lý khác 172 vụ việc. Tổng doanh thu: 5.976.955.946, tăng 74.392.932 đồng so với 6 tháng đầu năm 2019. Tổng số thuế đã nộp cho Nhà nước: 454.202.828 đồng, giảm 157.814.840 đồng so với 6 tháng đầu năm 2019.
Chất lượng hoạt động các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước Toà, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề luật sư còn hỗ trợ hiệu quả cho các cá nhân, doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình...Đặc biệt luật sư đã thể hiện tích cực vai trò xã hội thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý.
Ngoài hoạt động hành nghề luật sư theo nội dung đăng ký hoạt động, đội ngũ luật sư đã tích cực tham gia tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, ý kiến đề xuất, góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động mang tính xã hội khác, nhiều luật sư trong Ban Chủ nhiệm, các luật sư có uy tín và thâm niên hành nghề tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học về thi hành và áp dụng một số chính sách, pháp luật quan trọng trong đời sống thực tiễn; kiến nghị và góp ý xây dựng nhiều dự án Luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tổ chức.
II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, cụ thể:
Tiếp tục công khai và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực luật sư thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt nội dung đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư, luật sư đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân. Thực hiện các quy định mới tại Nghị định số 137/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Sở Tư pháp đã sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực luật sư trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và công bố theo đúng quy định của pháp luật.
Từ ngày 01/10/2019 đến 31/3/2020, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 27 thủ tục hành chính.
Về công tác phối hợp theo Quy chế Phối hợp số 879A ngày 06/7/2017 trong công tác quản lý hoạt động hành nghề luật sư và phối hợp về một số hoạt động thuộc công tác tư pháp khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương giữa Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương và Đoàn Luật sư tỉnh: Nhìn chung công tác phối hợp thuận lợi, ngày càng có sự nhịp nhàng hơn giữa hai bên. Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh duy trì họp giao ban theo quy chế vào quý II và quý IV hàng năm.
Công tác thanh tra, kiểm tra: Thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện tổ chức hành nghề luật sư, không còn đủ điều kiện hoạt động, vi phạm pháp luật về luật sư và có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo Kế hoạch thanh tra năm 2020, quý IV sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực luật sư đối với trong năm 2020 sẽ thanh tra 10 tổ chức và chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (theo Quyết định số 143/QĐ-STP ngày 12/12/2019 của Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2020).
Công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo: Tiếp tục thực hiện công tác phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh và các Phòng Tư pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về luật sư như giả mạo luật sư, hoạt động như tổ chức hành nghề luật sư nhưng không đủ điều kiện theo Công văn số 508/STP-BTTP ngày 20/4/2018 về việc cung cấp thông tin về lĩnh vực luật sư. Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhận được 01 phản ánh về luật sư, Sở Tư pháp đã tiến hành kiểm tra và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền pháp luật: Sở Tư pháp đã lồng ghép việc triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành vào chương trình, kế hoạch hoạt động chung hàng năm của Sở Tư pháp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Tư pháp phối hợp với Báo Bình Dương xây dựng trang thông tin pháp luật và trả lời bạn đọc hằng tuần các nội dung về pháp luật, trong đó có nội dung về luật sư; xây dựng 20.000 tờ gấp pháp luật về luật sư, tuyên truyền rộng rãi đến người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn thường xuyên đăng tải các quy định pháp luật, thông tin về luật sư lên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.
Công tác trợ giúp pháp lý: Trung tâm Trợ giúp pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Tư pháp đã xây dựng Quyết định về việc quy định cách thức, tiêu chí, thang bảng điểm đánh giá hồ sơ lựa chọn tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, phối hợp với Đoàn Luật sư tỉnh thành lập Tổ đánh giá hồ sơ lựa chọn tổ chức ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Về công tác góp ý, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về luật sư: Trong 6 tháng đầu năm 2020, góp ý 01 văn quy phạm pháp luật của Trung ương, 02 văn bản chỉ đạo, điều hành về luật sư của Ban Nội chính Tỉnh ủy.
Chế độ thông tin, báo cáo: Sở Tư pháp thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh và các cơ quan cấp trên. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Tư pháp đang tổng hợp, tham mưu xây dựng 02 báo cáo tổng kết Đề án, Chiến lược về luật sư theo yêu cầu. Cập nhật thường xuyên, đăng tải công khai Danh sách cá nhân, tổ chức, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư và đa số các tổ chức hành nghề Luật sư đã thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về công tác tổ chức và hoạt động luật sư.
III. CÔNG TÁC TỰ QUẢN CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ
- Việc phát triển đội ngũ luật sư thành viên luôn được Đoàn Luật sư tỉnh quan tâm, trình tự thủ tục và điều kiện gia nhập Đoàn Luật sư được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư công bố công khai, minh bạch, việc xét hồ sơ đăng ký vào Đoàn Luật sư được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Đoàn Luật sư. Do vậy, thành viên của Đoàn Luật sư đã từng bước nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động.
- Trong 6 tháng đầu năm 2020, Đoàn đã giải quyết gia nhập mới 04 luật sư. Đến nay, tổng số luật sư thành viên của Đoàn là 163 luật sư.
- Về tập sự hành nghề luật sư: Đã giải quyết đăng ký tập sự mới đối với 13 người tập sự, tổng số luật sư tập sự tại Đoàn là 40 người, số người chờ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư là 06 người.
- Về bồi dưỡng nghiệp vụ: Thực hiện Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019 của Bộ Tư pháp về đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc cho luật sư, Đoàn đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc cho toàn bộ các luật sư của Đoàn, cụ thể: Ngày 09/01/2020, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc Đợt 2 năm 2019 cho toàn bộ các luật sư của Đoàn với chuyên đề: "Tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động hành nghề luật sư". Kết quả đã cấp Giấy chứng nhận tham gia lớp bồi dưỡng bắt buộc cho 123 luật sư đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận.
- Ngoài các hoạt động trong lĩnh vực hành nghề, Đoàn Luật sư tỉnh còn tổ chức, phân công các luật sư thành viên làm tốt các vai trò xã hội. Đoàn đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương để trợ giúp pháp lý cho các đối tượng người nghèo, trẻ em và diện chính sách thông qua các hình thức như tư vấn pháp luật miễn phí trực tiếp, phân công luật sư tham gia tư vấn pháp luật thường xuyên qua các chuyên mục trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Dương, Báo Bình Dương.
- Về Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp luật sư: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đảng viên nói riêng và đội ngũ luật sư nói chung được Chi bộ và Ban Chủ nhiệm xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế và hội nhập. Đây là nhiệm vụ thường xuyên được tổ chức thực hiện với hình thức triển khai, quán triệt về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư
- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư và công tác xây dựng Đảng: Số lượng Đảng viên của Đoàn Luật sư là 34 người, trong đó có 13 đảng viên thuộc Chi bộ Đoàn Luật sư và 11 đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ khác. Nguồn phát triển đảng viên mới: Chi bộ đang trong quá trình xác minh hồ sơ lý lịch của 02 đối tượng. Chi bộ xác định rõ quan điểm, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc sinh hoạt đảng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
IV. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI
Bên cạnh các kết quả đạt được như đã nêu trên, hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh cũng có những hạn chế và tồn tại như:
- Số lượng và chất lượng của luật sư trong Đoàn tuy có phát triển nhưng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu chung và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Các luật sư đa phần yếu về ngoại ngữ nên khả năng giao tiếp, làm việc trực tiếp với khách hàng là người nước ngoài còn hạn chế. Các luật sư đa phần hành nghề trong lĩnh vực tố tụng, hoạt động riêng lẻ, độc lập, chưa liên kết với nhau để thành lập, tổ chức, hoạt động trong những tổ chức hành nghề luật sư quy mô lớn. Đây là những trở ngại cho quá trình phát triển luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương;
- Một số luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư không chấp hành nghiêm quy định về báo cáo, ảnh hưởng đến số liệu, tiến độ tổng hợp báo cáo chung.
V. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
Để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động và phát triển, kiến nghị:
- Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức các hội thảo, lớp bồi dưỡng, đào tạo về hội nhập kinh tế quốc tế.
- Bộ Tư pháp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về luật sư, tạo thuận lợi cho việc tra cứu các thông tin về luật sư, tổ chức hành nghề luật sư trên phạm vi cả nước, đặc biệt là tra cứu tên gọi của tổ chức hành nghề luật sư, tránh trường hợp tên trùng, tên gây nhầm lẫn theo quy định của Luật Luật sư và Luật Doanh nghiệp.