Luật sư
Thứ 2, Ngày 15/10/2018, 10:00
Tình hình tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2018
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
15/10/2018 | Nguyễn Thị Vân Anh

luatsu.jpg 


I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 42 tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có: 29 văn phòng luật sư, 01 công ty luật TNHH hai thành viên trở lên, 11 công ty luật TNHH MTV, 01 công ty luật hợp danh), 45 chi nhánh, 11 Văn phòng giao dịch, 03 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương có 141 luật sư (trong đó không bao gồm luật sư là thành viên Đoàn Luật sư địa phương khác làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, không có luật sư nước ngoài làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh) và 40 người tập sự hành nghề luật sư (trong đó: 16 người đang tập sự, 10 người đang chờ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư, 6 người xin gia hạn tập sự, 8 người không tham gia vào các kỳ thi kết quả tập sự HNLS).

So với năm 2017, tăng 2 tổ chức hành nghề luật sư, 5 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư, 2 văn phòng giao dịch, 17 luật sư thuộc đoàn luật sư tỉnh, 02 người tập sự hành nghề luật sư.

Về kết quả hoạt động, đội ngũ luật sư đã thực hiện 1.968 vụ, việc, so với năm 2017 giảm 78 vụ, việc, trong đó: tham gia tố tụng là 471 vụ việc, đại diện ngoài tố tụng 36 vụ việc, tư vấn pháp luật là 655 vụ việc, trợ giúp pháp lý miễn phí 382 vụ việc, dịch vụ pháp lý khác 424 vụ việc. Tổng doanh thu: 10.608.900.334 đồng, tăng 2.215.627.116 đồng so với năm 2017. Tổng số thuế đã nộp cho Nhà nước: 840.930.282 đồng. Như vậy có thể thấy mặc dù số lượng vụ việc giảm, tuy nhiên doanh thu của các tổ chức hành nghề luật sư lại tăng cao, đều này cũng phản ánh phần nào tính chất, quy mô các vụ việc mà đội ngũ luật sư thực hiện ngày càng lớn và có tính chất phức tạp hơn.

Chất lượng hoạt động các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước Toà, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề luật sư còn hỗ trợ hiệu quả cho các cá nhân, doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình...Đặc biệt luật sư đã thể hiện tích cực vai trò xã hội thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý.

Ngoài hoạt động hành nghề luật sư theo nội dung đăng ký hoạt động, đội ngũ luật sư đã tích cực tham gia tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, ý kiến đề xuất, góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động mang tính xã hội khác, nhiều luật sư trong Ban Chủ nhiệm, các luật sư có uy tín và thâm niên hành nghề tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học về thi hành và áp dụng một số chính sách, pháp luật quan trọng trong đời sống thực tiễn; kiến nghị và góp ý xây dựng nhiều dự án Luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tổ chức.

II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ

Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, cụ thể:

Tiếp tục công khai và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực luật sư thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt nội dung đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư, luật sư đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân.

Từ ngày 01/10/2017 đến 30/9/2018, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 38 thủ tục hành chính.

Về công tác phối hợp theo Quy chế Phối hợp số 879A ngày 06/7/2017 trong công tác quản lý hoạt động hành nghề luật sư và phối hợp về một số hoạt động thuộc công tác tư pháp khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương giữa Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương và Đoàn Luật sư tỉnh: Nhìn chung công tác phối hợp thuận lợi, ngày càng có sự nhịp nhàng hơn giữa hai bên. Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh duy trì họp giao ban theo quy chế vào quý II và quý IV hàng năm.

Công tác thanh tra, kiểm tra: Thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện tổ chức hành nghề luật sư, không còn đủ điều kiện hoạt động, vi phạm pháp luật về luật sư và có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật. Theo Kế hoạch thanh tra năm 2018, quý IV sẽ tiến hành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực luật sư đối với 01 tổ chức hành nghề luật sư, 08 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư (theo Quyết định số 139/QĐ-STP ngày 12/12/2017 của Giám đốc Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch thanh tra năm 2018).

Công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo: Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, kịp thời phát hiện các trường hợp vi phạm pháp luật về luật sư như giả mạo luật sư, hoạt động như tổ chức hành nghề luật sư nhưng không đủ điều kiện… Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 508/STP-BTTP ngày 20/4/2018 về việc cung cấp thông tin về lĩnh vực luật sư gửi Đoàn Luật sư tỉnh và các Phòng Tư pháp phối hợp quản lý.

Công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý: Sở Tư pháp đã lồng ghép việc triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành vào chương trình, kế hoạch hoạt động chung hàng năm của Sở Tư pháp. Về trợ giúp pháp lý, trung tâm trợ giúp pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, còn thường xuyên đăng tải các quy định pháp luật, thông tin về luật sư lên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Trong năm 2018, Sở Tư pháp phối hợp với Báo Bình Dương xây dựng trang thông tin pháp luật và trả lời bạn đọc hằng tuần các nội dung về pháp luật, trong đó có nội dung về luật sư; xây dựng 14.000 tờ gấp pháp luật về luật sư, tuyên truyền rộng rãi đến người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn tỉnh.

Chế độ thông tin, báo cáo: Sở Tư pháp thường xuyên thông tin đến Đoàn Luật sư Danh sách cá nhân, tổ chức, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư và đa số các tổ chức hành nghề Luật sư đã thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh về công tác tổ chức và hoạt động luật sư.

Ngoài ra, để chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ của Đoàn Luật sư tỉnh, Sở Tư pháp thường xuyên theo dõi, kịp thời hỗ trợ, phối hợp với Đoàn trong công tác chuẩn bị. Ngày 07/9/2018, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 1434/STP-BTTP về việc chuẩn bị đại hội nhiệm kỳ Đoàn luật sư tỉnh qua đó đề nghị Đoàn Luật sư tỉnh khẩn trương chuẩn bị công tác đại hội theo các hướng dẫn của Liên đoàn luật sư Việt Nam và các quy định của pháp luật; đồng thời kịp thời thông tin đến Sở Tư pháp những nội dung có liên quan.

III. CÔNG TÁC TỰ QUẢN CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ

- Việc phát triển đội ngũ luật sư thành viên luôn được Đoàn Luật sư tỉnh quan tâm, trình tự thủ tục và điều kiện gia nhập Đoàn Luật sư được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư công bố công khai, minh bạch, việc xét hồ sơ đăng ký vào Đoàn Luật sư được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Đoàn Luật sư. Do vậy, thành viên của Đoàn Luật sư đã từng bước nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động.

- Trong năm 2018, Đoàn đã giải quyết gia nhập mới 19 luật sư. Đến nay, tổng số luật sư thành viên của Đoàn là 141 luật sư.

- Về tập sự hành nghề luật sư: Đã giải quyết đăng ký tập sự mới đối với 11 người tập sự, tổng số luật sư tập sự tại Đoàn là 40 người, số người chờ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư là 10 người.

- Về thi kết thúc tập sự: Đoàn đã làm thủ tục cho 09 người tập sự hành nghề luật sư của các tổ chức hành nghề luật sư tham gia kỳ thi kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư Đợt 1 năm 2018 vào tháng 6,7/2018, kết quả 06/09 người đạt yêu cầu kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề luật sư.

- Về bồi dưỡng nghiệp vụ: Thực hiện Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/04/2014 của Bộ Tư pháp về đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc cho luật sư, Đoàn đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc cho toàn bộ các luật sư của Đoàn, cụ thể: Ngày 25/5/2018, Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương đã mở lớp đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc Đợt 1 năm 2018 cho toàn bộ các luật sư của Đoàn với chuyên đề: "Những điểm mới của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015". Kết quả đã cấp Giấy chứng nhận tham gia lớp bồi dưỡng bắt buộc cho 118 luật sư đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Trường hợp các luật sư chưa học lớp bồi dưỡng đợt 2 theo quy định sẽ sắp xếp học bổ sung với các đoàn khác.

- Ngoài các hoạt động trong lĩnh vực hành nghề, Đoàn Luật sư tỉnh còn tổ chức, phân công các luật sư thành viên làm tốt các vai trò xã hội. Đoàn đã phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương để trợ giúp pháp lý cho các đối tượng người nghèo, trẻ em và diện chính sách thông qua các hình thức như tư vấn pháp luật miễn phí trực tiếp, phân công luật sư tham gia tư vấn pháp luật thường xuyên qua các chuyên mục trên Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Bình Dương, Báo Bình Dương. Ngoài ra, tiếp tục cử các luật sư có kinh nghiệm, có uy tín tham gia tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu nại có tính chất pháp lý phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của địa phương.

- Về Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp luật sư: Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ đảng viên nói riêng và đội ngũ luật sư nói chung được Chi bộ và Ban Chủ nhiệm xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế và hội nhập. Đây là nhiệm vụ thường xuyên được tổ chức thực hiện với hình thức triển khai, quán triệt về đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước, kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư

- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư và công tác xây dựng Đảng: Số lượng Đảng viên của Đoàn Luật sư là 21 người, trong đó có 11 đảng viên thuộc Chi bộ Đoàn Luật sư và 10 đảng viên sinh hoạt tại các chi bộ khác. Nguồn phát triển đảng viên mới: Chi bộ đang trong quá trình xác minh hồ sơ lý lịch của 03 đối tượng. Chi bộ xác định rõ quan điểm, vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc sinh hoạt đảng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

IV. NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI

Bên cạnh các kết quả đạt được như đã nêu trên, hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh cũng có những hạn chế và tồn tại như:

- Số lượng và chất lượng của luật sư trong Đoàn tuy có phát triển nhưng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu chung và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Các luật sư đa phần yếu về ngoại ngữ nên khả năng giao tiếp, làm việc trực tiếp với khách hàng là người nước ngoài còn hạn chế. Các luật sư đa phần hành nghề trong lĩnh vực tố tụng, hoạt động riêng lẻ, độc lập, chưa liên kết với nhau để thành lập, tổ chức, hoạt động trong những tổ chức hành nghề luật sư quy mô lớn. Đây là những trở ngại cho quá trình phát triển luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương;

- Một số luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư không chấp hành nghiêm quy định về báo cáo, ảnh hưởng đến số liệu, tiến độ tổng hợp báo cáo chung.

- Về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ: Tại Khoản 2 Điều 34 Thông tư 17/2011/TT-BTP ngày 14/10/2011 của Bộ Tư pháp quy định:

"Định kỳ 6 tháng và hàng năm, tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân có trách nhiệm lập báo cáo về tổ chức và hoạt động của mình gửi Đoàn Luật sư và Sở Tư pháp nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư hoặc nơi có địa điểm giao dịch của luật sư hành nghề với tư cách cá nhân; tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm lập báo cáo về tổ chức và hoạt động luật sư gửi Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư.

Báo cáo 6 tháng của tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài tại Việt Nam được gửi trước ngày 05/4 hàng năm và báo cáo năm được gửi trước ngày 05/10 hàng năm"

Tại Khoản 1 Điều 32 Luật Luật sư 2006 (đã được sửa đổi bổ sung năm 2012) quy định:

"Tổ chức hành nghề luật sư bao gồm:

a) Văn phòng luật sư;

b) Công ty luật"

Nếu căn cứ theo 2 quy định trên thì chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư (các chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư thuộc tỉnh, thành phố khác) không phải gửi báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động đến Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương. Vì vậy, Sở khó có thể nắm được toàn diện hoạt động của các chi nhánh nói riêng, tình hình hoạt động của luật sư nói chung.

V. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ

Để tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động và phát triển, kiến nghị:

- Liên Đoàn Luật sư Việt Nam: Tiếp tục tăng cường hỗ trợ Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương trong công tác đào tạo, phát triển nguồn luật sư, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp; đăng tải trên trang tin điện tử của Liên Đoàn Luật sư các thông tin hỗ trợ luật sư, các Đoàn Luật sư trong quá trình tổ chức và hoạt động.

- Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện chế độ báo cáo đối với các chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư, để Sở Tư pháp có cơ sở nhắc nhở việc thực hiện báo cáo của các đơn vị này.

Lượt người xem:  Views:   7695
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Số lượt người đọc

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio