Ngày 05/11/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, Sở Tư pháp đã đã được những kết quả như sau:
*KẾT QUẢ:
1. Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)
Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh triển khai, thực hiện tốt Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020). Việc tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định. Đa số các sở, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo các văn bản QPPL thuộc sở, ngành mình phụ trách để trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh, UBND tỉnh xem xét, ban hành.
Công tác soạn thảo, lấy ý kiến góp ý, thẩm định có nhiều chuyển biến tích cực, các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tham mưu soạn thảo, ban hành văn bản ngày càng quan tâm và thực hiện nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản. Đối với văn bản QPPL của tỉnh sau khi soạn thảo, được gửi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và đối tượng chịu sự tác động của văn bản để lấy ý kiến góp ý; thực hiện đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020), ngoài việc gửi lấy ý kiến góp ý, các dự thảo văn bản QPPL còn được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, của sở, ngành để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân, đồng thời, tổ chức các cuộc họp để trao đổi thảo luận đối với nội dung dự thảo, sau đó gửi Sở Tư pháp thẩm định. Sở Tư pháp thực hiện góp ý, thẩm định 100% dự thảo văn bản nhận được, chất lượng góp ý, thẩm định ngày càng được nâng lên, giúp giảm thiểu các sai sót trong các văn bản QPPL của địa phương.
* Công tác góp ý, thẩm định văn bản QPPL: Sở Tư pháp thực hiện góp ý, thẩm định 624 lượt dự thảo văn bản QPPL (trong đó: góp ý 370, thẩm định 254). Các ý kiến góp ý đều được các sở, ngành tiếp thu, việc thẩm định dự thảo Nghị quyết kỳ họp HĐND có chất lượng, các văn bản được ban hành đảm bảo về trình tự, thủ tục, tính hợp hiến, hợp pháp.
* Công tác kiểm tra văn bản QPPL: Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh thực hiện tự kiểm tra 157 văn bản QPPL do UBND tỉnh ban hành; kiểm tra theo thẩm quyền 36 văn bản QPPL do HĐND, UBND cấp huyện ban hành; qua kiểm tra không phát hiện văn bản có sai sót.
* Công tác rà soát văn bản QPPL: Công tác rà soát văn bản QPPL được thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời phát hiện văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp với văn bản mới được ban hành; trong kỳ báo cáo, Sở Tư pháp đã phối hợp với các sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát 4058 văn bản QPPL. Đồng thời, hằng năm, Sở Tư pháp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố Danh mục văn bản QPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của HĐND, UBND tỉnh Bình Dương kịp thời, đúng quy định.
* Công tác cập nhật văn bản QPPL của địa phương vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật: Sở Tư pháp đã giúp UBND tỉnh cập nhật 232 văn bản QPPL vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, đảm bảo tính công khai, minh bạch của hệ thống văn bản QPPL của địa phương.
2. Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hằng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Các hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp được thực hiện dưới nhiều hình thức như: tư vấn thực hiện thủ tục hành chính và các vấn đề pháp lý khi doanh nghiệp liên hệ trực tiếp hoặc thông qua điện thoại, niêm yết các văn bản pháp lý, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp tại bộ phận một cửa đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Sở. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh duy trì hoạt động của Tổ tư vấn thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh; phân công Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thuộc Sở Tư pháp là thành viên thường trực của Tổ Tư vấn, các Tư vấn viên thuộc Sở Tư pháp thực hiện trực tư vấn tại Khu hành chính một cửa Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh 05 ngày/tuần; đối với các Tư vấn viên thường trực thuộc các sở, ban, ngành tỉnh trực tư vấn 05 ngày/tuần tại trụ sở làm việc của cơ quan, đảm bảo mỗi ngày làm việc có ít nhất là 01 Tư vấn viên trực tư vấn; các hình thức tư vấn gồm: tư vấn trực tiếp, tư vấn qua điện thoại và qua thư điện tử trên nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp, chủ yếu thuộc lĩnh vực đầu tư, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, đất đai, tài nguyên, môi trường, xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Từ 01/01/2017 đến 31/5/2021, số vụ việc tư vấn thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua Tổ tư vấn về thủ tục hành chính và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là 739 trường hợp.
3. Một số nội dung khác
Thực hiện Quyết định số 1063/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 2485/QĐ-UBND ngày 21/9/2016 về kế hoạch triển khai Đề án nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCC về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn tỉnh; đặc biệt Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế trên địa bàn tỉnh Bình Dương (Quyết định 384/QĐ-UBND ngày 20/02/2017).
Năm 2019, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức 02 Hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế trên địa bàn tỉnh cho đội ngũ cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị tập huấn có 67 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành tỉnh; 07/9 địa phương cấp huyện; đại diện các trường Chính trị tỉnh, trường Đại học Quốc tế Miền đông, trường Đại học Bình Dương và đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị, các Báo cáo viên - là những chuyên gia trong lĩnh vực tranh chấp đầu tư quốc tế đã tập trung trình bày các quy định pháp luật về tranh chấp đầu tư quốc tế; những thiệt hại, rủi ro khi xảy ra tranh chấp và cách phòng ngừa từ thực tiễn giải quyết các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế thời gian qua; thực hành và trao đổi các tình huống liên quan đến tranh chấp đầu tư quốc tế cũng như nhiệt tình giải đáp các thắc mắc, vướng mắc của đại biểu tham dự. Qua Hội nghị đã trang bị cho các cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp tham dự một số kiến thức về tranh chấp đầu tư quốc tế, kỹ năng phòng ngừa và xử lý các tình huống phát sinh trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế; từ đó, giúp cho việc nắm bắt, vận dụng, áp dụng các quy định pháp luật về tranh chấp đầu tư quốc tế trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được thống nhất, kịp thời và hiệu quả trong thời gian tới.
Năm 2020, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị tập huấn "Kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế cho công chức, viên chức các cơ quan nhà nước ở địa phương" tại tỉnh Bình Dương. Hội nghị có sự tham gia của các sở, ban, ngành và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tại hội nghị, ngoài trình bày của các chuyên gia của Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cam kết quốc tế, pháp luật đầu tư nước ngoài và phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế, các đại biểu cũng dành thời gian lắng nghe các vấn đề của từng địa phương để cùng trao đổi, tìm ra các giải pháp xử lý các tình huống về phòng ngừa, giải quyết tranh chấp đã, đang gặp phải hoặc có thể xảy ra trong thực tiễn công tác.
* HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN:
Công tác đăng tải dự thảo văn bản QPPL trên trang thông tin điện tử của tỉnh để lấy ý kiến của người dân còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Một số trường hợp cơ quan có liên quan được lấy ý kiến góp ý chỉ góp ý mang tính hình thức, nội dung góp ý chưa chất lượng vì các cơ quan được lấy ý kiến cũng chưa quan tâm đúng mức đến công tác góp ý dự thảo văn bản QPPL.
Hiện tại, Thông tư của các Bộ chuyên ngành không quy định về việc thành lập phòng pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Do đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không thành lập phòng pháp chế, cũng như không có đội ngũ pháp chế chuyên trách thực hiện công tác rà soát văn bản QPPL; đa phần công chức thực hiện công tác rà soát văn bản tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh là kiêm nhiệm, ít kinh nghiệm và thường xuyên thay đổi; từ đó, làm ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian thực hiện.
*PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI:
Tham mưu UBND tỉnh triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản QPPL (sửa đổi bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020), nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, đáp ứng nhu cầu tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bố cảnh nước ta đang tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở việc xử lý đối với các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật được phát hiện, kiến nghị.
Tổ chức tập huấn công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL cho cán bộ, công chức các sở, ban, ngành và cán bộ, công chức HĐND, UBND các cấp.
Cập nhật đầy đủ, kịp thời các văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh Bình Dương ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật./.