Hỗ trợ pháp lý
Thứ 6, Ngày 01/05/2020, 16:00
Tác động pháp lý của Hiệp định CPTPP và một số khuyến nghị cho doanh nghiệp
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
01/05/2020 | Đào Thị Quyên

Ngày 11/11/2017, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở Việt Nam, 11 quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã quyết định duy trì Thỏa thuận này ngay cả khi không có Hoa Kỳ, và đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngày 08/3/2018, Hiệp định CPTPP đã được ký tại thủ đô Santiago de Chile.

Theo quy định của Hiến pháp Việt Nam năm 2013, Luật Điều ước quốc tế năm 2016, điều ước quốc tế trước khi được Việt Nam ký, gia nhập sẽ phải đánh giá tính tương thích với hệ thống pháp luật trong nước, trong trường hợp có cam kết trái hoặc không tương thích thì cam kết đó phải được Quốc hội cho phép ưu tiên áp dụng và tùy từng trường hợp, cam kết đó được xem xét áp dụng trực tiếp hoặc phải sửa đổi, bổ sung pháp luật trong nước1. Do vậy, Hiệp định đã được rà soát, đánh giá tác động pháp lý trước khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn. Bài viết trình bày tổng quan về tác động pháp lý của CPTPP và một số khuyến nghị cho doanh nghiệp.

Tổng quan về CPTPP

Về bản chất, Hiệp định CPTPP là một Hiệp định mới giữa 11 nước thành viên, trong đó tích hợp các quy định của Hiệp định TPP đã ký tháng 02/2016 vào Hiệp định này với một số sửa đổi phù hợp, đồng thời tạm hoãn thực hiện một số nghĩa vụ quy định tại Hiệp định TPP (tại Phụ lục của Hiệp định CPTPP) cho đến khi các nước thống nhất chấm dứt việc tạm hoãn thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các nghĩa vụ đó.

Với CPTPP, trừ việc tạm hoãn tại khoản 5 chú thích 13 và khoản 6 chú thích 14 của Phụ lục 10 B về dịch vụ chuyển phát nhanh, toàn bộ cam kết tại Chương 10 Hiệp định TPP được tích hợp vào Hiệp định CPTPP, đồng nghĩa Việt Nam đã giữ lại phần lớn các cam kết là kết quả từ quá trình đàm phán TPP. So sánh với các cam kết mở cửa thị trường đa phương trước đây của Việt Nam, ví dụ như trong WTO, có thể nhận thấy: với CPTPP, Việt Nam đã đồng ý một mức cam kết mở cửa thị trường sâu rộng và toàn diện nhất từ trước đến nay. Các cam kết đều mang tiêu chuẩn cao nhất trong thực tiễn đàm phán ký kết các FTAs thế hệ mới, ví dụ như phương thức chọn bỏ trong mở cửa thị trường, cơ chế "ratchet - giữ nguyên hiện trạng", minh bạch hóa… Vì vậy, bên cạnh cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ của 10 quốc gia thành viên khác trong CPTPP, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có các rủi ro pháp lý từ thực tiễn thực thi các cam kết trong CPTPP

Tác động pháp lý

Yêu cầu đánh giá tác động pháp lý

Thứ nhất, theo quy định của Hiệp định CPTPP thì khi Việt Nam hoàn thành các thủ tục trong nước về việc phê chuẩn và thông báo cho Cơ quan lưu chiểu Hiệp định (Bộ Ngoại giao Newzealand) và khi các điều kiện tại Hiệp định CPTPP được đáp ứng2, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực với Việt Nam. Trên thực tế, Quốc hội đã phê chuẩn CPTPP tháng 11 năm 2018 và Hiệp định chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ tháng 1 năm 2019.

Thứ hai, theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Việt Nam " tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên"3, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là "không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên"4. Điều 6 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định: "Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của điều ước quốc tế, quốc hội, chủ tịch nước, chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của điều ước quốc tế đã đủ rõ, đủ chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế đó". Hồ sơ trình về đề xuất ký điều ước quốc tế bao gồm "Báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam"5. Bên cạnh đó, trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc thẩm định điều ước quốc tế, bao gồm việc đánh giá: "b) Mức độ phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam"6. Hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế cũng yêu cầu "c) Báo cáo đánh giá sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế với quy định của pháp luật Việt Nam"7.

Như vậy, công tác đánh giá tác động pháp lý và sự phù hợp giữa quy định của điều ước quốc tế nói chung và CPTPP nói riêng với quy định pháp luật trong nước là một trong những điều kiện cơ bản của việc đề xuất đàm phán, ký kết và thực thi các điều ước quốc tế, trong đó có CPTPP.

Thực tiễn triển khai và kết quả

Công việc này do cơ quan chủ trì đàm phán, ký kết điều ước quốc tế thực hiện, cũng như trách nhiệm của Bộ Tư pháp đối với vấn đề rà soát pháp lý và đánh giá tính tương thích của dự thảo điều ước với pháp luật Việt Nam. Có thể nhận thấy, các quy định pháp luật không nên cụ thể trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động đối với vấn đề rà soát pháp lý hoặc đánh giá tác động pháp lý. Tuy nhiên, trên thực tế có thể nhận thấy, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng thế giới8, hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã có đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP9.

Ngày 12/11/2018, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 72/2018/QH14 về phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan. Trong Nghị quyết nêu trên đã nêu rõ áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại Phụ lục 02, trong đó phải kể đến Biểu thuế tại Phụ lục 2 Chương 2 của Hiệp định CPTPP, Phụ lục các phân ngành dịch vụ trong bảng NCM I và II và III Hiệp định CPTPP (liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ); trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp, phòng vệ nông nghiệp, cộng gộp xuất xứ và một số khái niệm như: doanh nghiệp nhà nước (state enterprise); hàng tân trang; biện pháp khẩn cấp trong áp dụng biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết tranh chấp giữa chính phủ và nhà đầu tư...10

Bên cạnh đó, Phụ lục 3 của Nghị quyết số 72/2018/QH14 quy định danh mục các luật phải sửa đổi, bổ sung để thực thi CPTPP, bao gồm:

i) Bộ luật Lao động năm 2012, với một số yêu cầu sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là việc sửa đổi Chương XIII Bộ luật Lao động năm 2012 về công đoàn theo hướng cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động không thuộc hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và một số sửa đổi liên quan đến đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, tranh chấp lao động - đình công11. Những nội dung sửa đổi nêu trên đã được cập nhật trong Bộ luật Lao động năm 2019, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

ii) Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với một số lượng lớn các yêu cầu sửa đổi, bổ sung, như về hiệu lực của hợp đồng với bên thứ ba, về việc sử dụng nhãn hiệu bởi người nhận li-xăng; về thủ tục xác lập, duy trì và thực thi nhãn hiệu; thủ tục giải quyết tranh chấp tên miền; chỉ dẫn địa lý; "cạn quyền" đối với quyền tác giả và quyền liên quan; nộp đơn bằng điện tử, duy trì cơ sở dữ liệu điện tử về nhãn hiệu; bảo hộ dạng dịch nghĩa, phiên tự của chỉ dẫn địa lý, cách tính thiệt hại; bồi thường thiệt hại; nghĩa vụ cung cấp thông tin cho chủ thể quyền; phí tiêu hủy hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... Những nội dung nêu trên sẽ được sửa đổi cho phù hợp với lộ trình hiệu lực của Hiệp định. Đối với những nội dung cam kết có hiệu lực ngay, đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019.

iii) Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng có một số yêu cầu sửa đổi liên quan đến vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gắn với hành vi phân phối; trách nhiệm hình sự của pháp nhân... và cho phép cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự về tội phạm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp mà không cần có yêu cầu của người bị hại. Các cam kết nêu trên đều có hiệu lực sau 3 năm từ thời điểm CPTPP có hiệu lực.

iv) Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Phòng, chống tham nhũng đã được sửa đổi phù hợp.

Đánh giá về tác động

i) Hiệp định CPTPP gồm 30 chương, các phụ lục và 60 thư trao đổi song phương điều chỉnh những lĩnh vực thương mại truyền thống và phi thương mại như lao động, môi trường, chống tham nhũng… Các cam kết của Hiệp định CPTPP rộng và cao hơn nhiều so với các cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế, kể cả trong Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) hay các hiệp định thương mại tự do (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia. Theo đó, các lĩnh vực pháp luật chịu tác động lớn nhất của Hiệp định CPTPP sẽ là sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, chống tham nhũng, xuất xứ hàng hóa, dệt may và đấu thầu.

Về phạm vi áp dụng, do đây là Hiệp định được ký giữa Việt Nam với 10 nước thành viên còn lại nên về nguyên tắc, việc điều chỉnh pháp luật Việt Nam chỉ áp dụng cho 10 nước thành viên Hiệp định CPTPP. Trong trường hợp Hiệp định có hiệu lực đối với cả 10 nước hoặc ít nước hơn khi Hiệp định có hiệu lực chỉ đối với một số nước theo Điều 3 Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, một số Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và Hiệp định thương mại khác mà Việt Nam đã hoặc sẽ ký kết có quy định nguyên tắc tối huệ quốc tự động (MFN tự động) như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu, các Hiệp định trong khuôn khổ ASEAN và EVFTA. Với quy định này, việc thực hiện các cam kết về đầu tư và dịch vụ trong Hiệp định CPTPP sẽ có tác động lớn hơn thay vì chỉ các nước thành viên của Hiệp định CPTPP.

ii) Cùng với quá trình hội nhập quốc tế, hệ thống pháp luật Việt Nam thời gian qua đã được rà soát, hoàn thiện để thực hiện nhiều điều ước quốc tế, đặc biệt là Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - Hoa Kỳ và gia nhập WTO và quá trình hoàn thiện do những nhu cầu nội tại của hệ thống pháp luật đã giúp hoàn thiện đáng kể hệ thống pháp luật Việt Nam phù hợp hơn với hội nhập quốc tế. Do đó, Nghị quyết số 72/2018/QH14 nêu trên cho thấy, mặc dù với khối lượng đồ sộ của hệ thống pháp luật, nhưng số lượng văn bản được đề xuất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành mới không nhiều và phần lớn đã được thực hiện ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.

Kết luận và khuyến nghị

Thứ nhất, việc hiểu rõ cam kết, hiểu rõ tác động của các cam kết với khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh là điều kiện tiêu quyết cho việc thực thi và tận dụng hiệu quả cơ hội do CPTPP đem lại.

Thứ hai, đánh giá tác động pháp lý cần được thực hiện, song song với quá trình đàm phán để có được những thông tin cần thiết về khoảng trống pháp lý giữa cam kết và quy định trong nước, từ đó định hướng và đề ra phương án đàm phán phù hợp. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp chịu sự tác động tham gia tích cực vào việc theo dõi diễn biến, đóng góp ý kiến về các mức cam kết.

Thứ ba, thực tiễn cho thấy đã có sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, trong đó có bộ, ngành và cơ quan đàm phán Hiệp định. Tuy nhiên, vai trò của hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự rõ ràng. Do vậy, các doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc đánh giá các tác động pháp lý của các cam kết quốc tế trong những ngành, lĩnh vực mà mình chịu tác động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bên cạnh các đánh giá tác động về mặt kinh tế, kỹ thuật.

Thứ tư, để thực hiện hiệu quả việc đánh giá tác động pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh khi Việt Nam tham gia CPTPP, doanh nghiệp cần phải có sự đầu tư thời gian, nguồn nhân lực cho công tác này để đảm bảo công tác đánh giá tác động pháp lý hiệu quả và chuẩn bị chủ động cho quá trình thực thi, tránh được các rủi ro pháp lý khi tiếp cận thị trường của các đối tác khác trong CPTPP./.

Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11 (tháng 11/2019) – Chuyên trang về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa​

Lượt người xem:  Views:   2348
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật

Phân loại

Loại bài viết

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Tin liên quan

Audio

Từ khóa

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Tin mới nhất

Tác giả

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Ảnh
Video
Audio