Nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả và góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp, trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ngày 05/5/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010- 2014 (viết tắt là Chương trình 585) và Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 về việc điều chỉnh các hoạt động và tiếp tục thực hiện Chương trình 585, thực hiện giai đoạn 2015-2020.
Việc tổ chức, triển khai Chương trình 585 trong thời gian qua đã tạo một "cú hích" trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo khung hoạt động quan trọng cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch/chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để tổ chức một cách đồng bộ, có hệ thống các hoạt động hỗ trợ pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật thông qua tiếp nhận và xử lý kịp thời các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực hoạt động đã được tiếp cận các thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, chính thống và kịp thời hơn thông qua các hình thức hỗ trợ pháp lý của Nhà nước, góp phần tháo gỡ khó khăn pháp lý cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần phát triển kinh tế, xã hội.
Trên cơ sở quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, đồng thời kế thừa các quy định hợp lý của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP và thực tiễn xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình 585, các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của một số bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ đã quy định chi tiết việc xây dựng, tổ chức thực hiện 3 loại chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, gồm: (i) Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; (ii) Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ; và (iii) Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương cấp tỉnh. Cụ thể:
1. Về căn cứ xây dựng và các hoạt động của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Căn cứ xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm: (i) Nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong từng thời kỳ, ngành, lĩnh vực, địa phương; (ii) Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kế hoạch ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh; và (iii) Nguồn lực của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp (khoản 1 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP).
Các hoạt động của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (khoản 2 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP) bao gồm:
- Hoạt động cung cấp thông tin, bao gồm thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có);
- Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật;
- Hoạt động tư vấn pháp luật, bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực.
2. Về thời hạn thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời hạn tối đa 05 năm kể từ ngày được phê duyệt (Điều 11 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP).
3. Về xây dựng và phê duyệt chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
(i) Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và tổ chức khác, cá nhân có liên quan xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
(ii) Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi bộ, cơ quan ngang bộ, bộ, cơ quan ngang bộ lồng ghép các nội dung của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vào đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định này.
(iii) Đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương, sở tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, tổ chức khác và cá nhân có liên quan xây dựng và đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi địa phương trình chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt (Điều 12 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP).
4. Về triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Sau khi chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện chương trình trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình hoặc giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện. Cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành và công bố công khai kế hoạch triển khai thực hiện trên cổng thông tin điện tử của mình và Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tư pháp.
Việc lựa chọn, ký hợp đồng, đánh giá kết quả thực hiện và thanh lý hợp đồng với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để triển khai các hoạt động của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu và pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, cần lưu ý là căn cứ vào nội dung, nguồn lực của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa thành viên, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do mình chủ trì thực hiện theo đúng nội dung chương trình hỗ trợ, pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên; trên cơ sở đó, bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí nhưng tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đề xuất từ nguồn kinh phí thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nêu trên. Kinh phí còn lại do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tự chi trả hoặc từ nguồn xã hội hóa, huy động từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để thực hiện. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc lựa chọn, ký hợp đồng, đánh giá kết quả thực hiện và thanh lý hợp đồng với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như vậy phải được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu và pháp luật có liên quan (Điều 13 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP).
Các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng và tổ chức thực hiện sẽ tạo ra bước chuyển biến mới trong việc thực thi pháp luật của doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện tốt các đạo luật đã và sẽ được ban hành trong thời gian sắp tới và đáp ứng nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Trong đó, tùy thuộc vào từng giai đoạn cụ thể, chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề ưu tiên như thông tin pháp lý; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh; kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp; tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa bàn khó khăn.
Để xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp luật có hiệu quả thì cần căn cứ vào nhu cầu hỗ trợ pháp lý thực tế của doanh nghiệp tại từng địa phương, vùng miền và từng thời kỳ, cần có sự khảo sát và đánh giá về thực trạng và nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp, từ đó làm cơ sở để xây dựng nội dung các chuyên đề hỗ trợ và cách thức, quy trình triển khai theo các chuyên đề hỗ trợ. Đồng thời quá trình xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban ngành có chức năng quản lý, theo dõi việc thi hành pháp luật của doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp để bảo đảm công tác hỗ trợ pháp lý được đúng trọng tâm, trọng điểm và đúng nhu cầu của doanh nghiệp. Có như vậy các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng và banh hành mới mang tính khả thi và có ý nghĩa, tác động đối với doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức pháp luật cũng như giải quyết được các vướng mắc pháp lý doanh nghiệp gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh./.
Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11 (tháng 11/2019) – Chuyên trang về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa