Công nghệ thông tin (CNTT) đã và đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội trong thời đại ngày nay. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân. Nắm bắt được xu hướng của thời đại, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0.
Đặc trưng của CNTT và cuộc CMCN 4.0 là khả năng vượt trội về thời gian, không gian. Đặc biệt, khi CNTT được ứng dụng và phát triển ở mức độ cao sẽ từng bước hình thành sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trên nền tảng CNTT với khái niệm "Quốc hội điện tử" "Chính phủ điện tử". Một hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại, chuẩn hóa, liên thông có các yếu tố giao lưu, hợp tác, chia sẻ dữ liệu trong quản lý điều hành sẽ được triển khai trên thực tế.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (HTPLDN) là một hoạt động nằm trong tổng thể các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã và đang được triển khai trong thời gian vừa qua, hoạt động này được thực hiện trên cơ sở Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (Nghị định số 66/2008/NĐCP), Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05/5/2010 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014 (viết tắt là Chương trình 585) và Quyết định số 2139/QĐTTg ngày 28/11/2014 về việc kéo dài chương trình 585 đến năm 2020. Nội dung của hoạt động này tập trung vào các nhiệm vụ sau:
1) Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể: Các bộ, ngành, địa phương có tổ chức xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của bộ, ngành, trừ văn bản thuộc danh mục bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật, Doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng miễn phí các thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử nêu trên.
2) Xây dựng tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Các bộ, ngành biên soạn tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
3) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, cụ thể: Các bộ, ngành tổ chức biên soạn tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp và phối hợp với ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp.
4) Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, cụ thể: Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, việc giải đáp pháp luật được thực hiện thông qua các hình thức mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại.
5) Đối thoại tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật.
6) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cụ thể: Bộ Tư pháp, các bộ, ngành và các địa phương chủ động xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp cấp liên ngành hoặc cấp bộ, ngành, địa phương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Để triển khai các nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan đã tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động hỗ trợ, cụ thể: đưa các đề cương, kế hoạch về hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp hằng năm lên cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp để các cơ quan, tổ chức lựa chọn, đăng ký tham gia; xây dựng các chuyên đề về pháp luật kinh doanh phát trên sóng truyền hình và phát thanh ở cả cấp trung ương và địa phương, ứng dụng livestream phát sóng và tương tác trực tiếp với mọi người trên mạng xã hội về các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT vào trong công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp còn nhiều hạn chế, như: nhận thức về ứng dụng CNTT trong hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp còn chưa đầy đủ ở cả những cơ quan, tổ chức, cá nhân làm công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp và doanh nghiệp; thiếu cơ chế để tăng cường hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật qua mạng internet; thiếu công cụ soạn bài giảng dễ sử dụng và phù hợp với trình độ giáo viên và chuyên gia; chất lượng các buổi ứng dụng livestream phát sóng và tương tác trực tiếp chưa đạt yêu cầu; chưa kết nối được mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp với Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Xu thế tất yếu trong thời đại 4.0
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 tác động đến mọi mặt đời sống xã hội, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4, đối với công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do vậy, việc ứng dụng CNTT vào trong công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp phải nằm trong tổng thể chính sách ứng dụng CNTT vào trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung. Trong phạm vi bài viết, tác giả xin đề xuất, khuyến nghị một số giải pháp ứng dụng CNTT vào trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số bình diện sau:
- Ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào trong hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, với đặc trưng của CNTT là khả năng vượt thời gian và không gian, việc ứng dụng CNTT khiến việc học các khóa bồi dưỡng kiến thức pháp luật không nhất thiết phải đồng bộ, không cần thiết trùng khớp về thời gian giữa dạy và học, cũng không cần phải có tất cả các học viên và giảng viên tại cùng một địa điểm. CNTT giúp tiếp cận những tài liệu học tập từ xa và với những chuyên gia, nhà nghiên cứu, luật sư và các bạn bè ở khắp nơi. Vì vậy, nên tổ chức nhiều khóa tập huấn qua mạng, cần tăng cường tuyên truyền và quảng bá về hình thức đào tạo, bồi dưỡng mới và có hiệu quả cao elearning thông qua các hội thảo, triển lãm và các hội nghị khoa học, số hóa các tài liệu bồi dưỡng để các doanh nghiệp có thể chủ động tìm hiểu, nghiên cứu.
- Cần quán triệt nghiêm túc việc thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, một số bộ, ngành và tỉnh, thành phố đã triển khai hệ thống chứng thực điện tử chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, không chỉ cho các văn bản điện tử, mà còn tích hợp vào các trang, cổng thông tin điện tử, hệ điều hành tác nghiệp, hệ thống thông tin chuyên ngành, các dịch vụ như dịch vụ công trực tuyến, cơ sở dữ liệu, đặc biệt như cơ sở dữ liệu về đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước, bản đồ, khí tượng thủy văn, giấy phép lái xe đường bộ, y tế, tư pháp, quốc phòng, an ninh. Đây sẽ là nguồn thông tin văn bản quan trọng để các doanh nghiệp truy cập tìm hiểu về chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh…
- Kết nối, chia sẻ các thông tin về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Cổng thông tin điện tử quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dữ liệu về chính sách hỗ trợ, kể cả những thông tin về quy hoạch ngành hàng, vùng sản xuất giữa các bộ, ngành và địa phương phải kết nối đồng bộ và thống nhất. Hình thành các hệ thống dữ liệu thông tin về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tin cậy, ổn định. Cần đầu tư mạnh mẽ, trang bị các hệ thống thiết bị thu thập, lưu trữ, xử lý, bảo vệ dữ liệu thông tin.
- Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình ứng dụng CNTT trong hỗ trợ doanh nghiệp như đào tạo, cập nhật văn bản pháp luật, tư vấn pháp luật thông qua mạng lưới tư vấn viên, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp./.
Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11 (tháng 11/2019) – Chuyên trang về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa