Thực trạng và khả năng đáp ứng của đội ngũ luật sư
Cùng với sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 20 năm qua, cho chúng ta thấy nhu cầu tư vấn pháp luật của các doanh nghiệp là rất lớn. Có thể lý giải một phần do doanh nghiệp đã ý thức được vai trò của luật sư và do tính chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội được nâng cao. Với việc đội ngũ luật sư ngày càng đông, các tổ chức hành nghề luật sư xuất hiện ngày càng nhiều, sự cạnh tranh giữa các tổ chức hành nghề này đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Và hệ quả tất yếu là chất lượng phục vụ của luật sư đối với doanh nghiệp ngày càng tăng, đồng thời mức phí giảm, tạo nên sức hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp.
Nếu như trước kia, hoạt động của luật sư còn khá thụ động, trông chờ doanh nghiệp tìm đến mới cung cấp dịch vụ thì nay luật sư ngày càng chuyên nghiệp hơn trong việc quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình đến các doanh nghiệp. Và không thể phủ nhận rằng các nội dung hoạt động của luật sư đã trở nên đa dạng, phong phú hơn nhiều so với trước kia.
Tuy nhiên, việc thực hiện pháp luật kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Các báo cáo khảo sát của VCCI, VINASME và các tổ chức tư vấn độc lập đã chỉ ra rằng tình trạng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ta được thành lập, đi vào hoạt động kinh doanh nhưng người đầu tư, chủ sở hữu không nắm được các quy định cơ bản về pháp luật kinh doanh còn phổ biến, chưa có thói quen tuân thủ pháp luật, chưa thực sự chú trọng đến việc áp dụng, thực hiện pháp luật để phòng, tránh rủi ro trong kinh doanh. Do đó, nhiều khi doanh nghiệp đã phải chịu nhiều tổn thất không đáng có do những rủi ro hoàn toàn có thể phòng ngừa được gây ra.
Chúng tôi được biết, qua khảo sát ngẫu nhiên 200 doanh nghiệp do VCCI tiến hành cho thấy: có 7,5% các doanh nghiệp được hỏi ở phía Bắc, 5% các doanh nghiệp được hỏi ở phía Nam là có hay không việc ký hợp đồng tư vấn luật thường xuyên với văn phòng luật sư, theo đó luật sư tham gia soạn thảo các quy định và các mẫu hợp đồng cho công ty. Chủ doanh nghiệp của khoảng 20% các doanh nghiệp được hỏi ở phía bắc và 25% các doanh nghiệp được hỏi ở phía nam có quan tâm và tự tìm hiểu các pháp luật liên quan trong quá trình vận hành hoạt động của doanh nghiệp. Còn lại các doanh nghiệp liên hệ với luật sư khi các doanh nghiệp này cần luật sư tham gia tố tụng khi phát sinh vụ việc. Chính do điều này mà khi có xảy ra tranh chấp thương mại, đầu tư hay lao động…, các luật sư chỉ có thể tham gia sau khi "việc đã rồi", khó cứu doanh nghiệp thoát khỏi thiệt hại nặng nề. Ngoài ra còn xuất phát từ tâm lý chủ quan, "văn hóa" của doanh nghiệp, cho rằng việc "vô phúc đáo tụng đình" sẽ hiếm khi hoặc sẽ không xảy ra đối với doanh nghiệp của mình, vì vậy đa số ít quan tâm đến việc tìm hiểu luật và thuê luật sư. Khi tình hình kinh doanh khó khăn, tình trạng nợ khó đòi gia tăng, các tranh chấp lao động và tranh chấp phát sinh trong nội bộ hội đồng quản trị doanh nghiệp, hội đồng thành viên ngày càng nhiều. Nếu không có điều kiện tìm hiểu luật, các chủ doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến việc tìm kiếm một luật sư hoặc một công ty luật tư vấn đồng hành cùng hoạt động của doanh nghiệp. Để tránh rủi ro cho chính mình, tốt hơn hết, các doanh nghiệp không nên để xảy ra hiện tượng "sự đã rồi" hoặc "nước đến chân mới nhảy".
Bên cạnh đó, nhìn chung trình độ của luật sư của nước ta hiện nay còn có nhiều hạn chế. Số lượng luật sư hiện nay chưa được đào tạo một cách bài bản về kỹ năng hành nghề luật sư còn khá nhiều, kỹ năng hành nghề yếu, ứng xử với khách hàng không đúng mực trong quá trình cung cấp dịch vụ dẫn dến những định kiến, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nghề luật sư. Về mức độ chuyên môn hóa, hiện nay vẫn chưa hình thành được đội ngũ các luật sư chuyên sâu về những lĩnh vực khác nhau. Số lượng luật sư có đủ kinh nghiệm, kỹ năng tư vấn pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế, đàm phán giải quyết tranh chấp quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo báo cáo của cơ quan chủ quản thì hiện nay cả nước chưa đầy 200 tổ chức hành nghề luật sư chuyên sâu trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Luật sư tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, được hiểu là hoạt động dưới sự dẫn dắt của Nhà nước, để tăng cường năng lực pháp luật cho doanh nghiệp. Trong thời gian qua, khi triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy: sự tham gia của đội ngũ luật sư vào hoạt động này còn mờ nhạt, nhiều luật sư chưa hiểu về chính sách hỗ trợ của Nhà nước về pháp lý cho doanh nghiệp; chưa có cơ chế để thu hút luật sư tham gia vào công tác này, kinh phí còn hạn hẹp.
Giải pháp tăng cường vai trò của luật sư trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Với những điểm mới về nội dung hỗ trợ pháp lý và thay đổi cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo tinh thần Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, chúng tôi nhận thấy vai trò của luật sư trong tham gia công tác này là rất quan trọng, bởi hơn ai hết, đội ngũ luật sư là những người am hiểu về pháp luật, có tư duy pháp lý. Vì vậy, để luật sư tham gia có hiệu quả hơn vào công tác này trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị những nội dung sau:
i) Cơ quan nhà nước, các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi để các luật sư có thể tham gia vào mạng lưới tư vấn viên.
ii) Bộ Tư pháp, sở tư pháp các tỉnh, thành phố nên có văn bản hướng dẫn các tổ chức hành nghề luật sư tại địa phương tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
iii) Xúc tiến việc ký kết thỏa thuận ba bên (sở tư pháp - đoàn luật sư - hiệp hội doanh nghiệp tỉnh) để xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa bàn địa phương, trình UBND tỉnh ban hành.
iv) Về phía các đoàn luật sư và Liên đoàn Luật sư Việt Nam, chúng tôi sẽ kiến nghị sửa đổi Luật Luật sư trong thời gian tới, đưa nội dung "nếu luật sư thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo chương trình của Nhà nước" sẽ được miễn bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc trợ giúp pháp lý theo nghĩa vụ bắt buộc.
v) Nên hình thành Quỹ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa để đẩy nhanh tiến trình hợp tác hỗ trợ của luật sư đối với doanh nghiệp; huy động doanh nghiệp, các nhà tài trợ cùng tham gia vào công tác hỗ trợ pháp lý.
Trong điều kiện phát triển thị trường, đa phương hóa quan hệ hợp tác kinh doanh hiện nay, chắc chắn quan hệ đồng hành luật sư với doanh nghiệp sẽ là vấn đề được hai giới quan tâm vì lợi ích và sự phát triển chung và phù hợp với thông lệ quốc tế./.
Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11 (tháng 11/2019) – Chuyên trang về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa