Đã hơn 10 năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có nhiều điểm tích cực. Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 585/QĐTTg ngày 05/5/2010 phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014. Trên cơ sở kết quả đạt được giai đoạn 2010-2014, Bộ Tư pháp đã tổng kết và đề xuất Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai các hoạt động của Chương trình giai đoạn tiếp theo và ngày 28/11/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc tiếp tục thực hiện và điều chỉnh các dự án Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, thực hiện giai đoạn 2015-2020.
Tính đến hết năm 2018, hầu hết các bộ và cơ quan ngang bộ (17/22) đã ban hành các kế hoạch/chương trình và thực hiện nhiệm vụ triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý theo quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP (trừ Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ không trực tiếp triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp). Nhiều bộ, ngành đã sớm kịp thời ban hành các kế hoạch/chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong lĩnh vực bộ, ngành mình quản lý ngay sau khi có Nghị định số 66/2008/NĐ-CP để thúc đẩy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, như Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch/chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố nhằm triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa phương theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP.
Trên cơ sở quy định của Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, nhiều địa phương đã triển khai mạnh, tích cực công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng các đề án, đề tài và ban hành kế hoạch/chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Giang… Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn ban hành các nghị quyết, văn bản quy định về định mức chi của địa phương dành cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Việc các bộ, ngành và địa phương ban hành các văn bản/chương trình/kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp căn cứ vào Nghị định số 66/2008/NĐ-CP bước đầu đã tạo một "cú hích" trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo khung pháp lý ban đầu cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ở các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thời gian qua vẫn còn những khó khăn, tồn tại hạn chế, cụ thể: việc bố trí cơ cấu, tổ chức trong cơ quan nhà nước để làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp chưa đồng bộ, ổn định, thiếu cán bộ chuyên trách; việc bố trí kinh phí để triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, chưa huy động được nguồn lực xã hội tham gia; một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp triển khai còn dàn trải, chưa nắm bắt đúng nhu cầu của doanh nghiệp; chưa ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; chưa có chương trình hỗ trợ pháp lý dành riêng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa xác định đối tượng cần ưu tiên hỗ trợ.
Kế thừa những thành tích của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2008-2018, đồng thời đáp ứng yêu cầu của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong tình hình mới, khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực, trên cơ sở quan điểm, nguyên tắc hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, đồng thời cụ thể hóa Điều 14 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhìn từ thực tiễn tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong thời gian qua và quá trình chủ trì xây dựng Nghị định số 55/2019/NĐCP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm mới, tích cực, nếu được nhận thức, thực hiện, chấp hành một cách nghiêm túc, có thể tạo ra bước chuyển mới, tích cực nhằm nâng cao nhận thức pháp luật của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cạnh tranh của nền kinh tế.
Thứ nhất: Tập trung đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mục tiêu của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP là quy định chi tiết khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số đối tượng khác không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng cũng đã và đang được hỗ trợ pháp lý theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP (như hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp lớn, tập đoàn, tổng công ty nhà nước). Các đối tượng này cũng cần được hỗ trợ pháp lý, nhưng phụ thuộc vào nguồn lực của bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương. Do đó, Điều 19 Nghị định số 55/2019/NĐCP đã quy định: "Tùy thuộc vào nguồn lực, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể quyết định áp dụng các quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ pháp lý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải là doanh nghiệp nhỏ và vừa".
Như vậy, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã thu hẹp phạm vi thụ hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý, điều này sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa hoạt động hỗ trợ pháp lý này đi vào thực chất, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ hai: Cấu trúc lại nội dung và hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, so với Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, quy định về 05 hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Nghị định số 55/2019/NĐCP cấu trúc lại các hình thức và nội dung hỗ trợ pháp lý theo hướng các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 2 nhóm: (i) Nhóm hoạt động xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật (từ Điều 5 đến Điều 9); (ii) Nhóm hoạt động xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 10 đến Điều 13). Điểm mới là tại nhóm 1, cơ sở dữ liệu sẽ bao gồm cả các tài liệu tham khảo về vụ việc vướng mắc pháp lý đã xảy ra, các bản án, quyết định của tòa án, các văn bản trả lời của cơ quan nhà nước đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp, các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật… (được phép công khai); Nhà nước hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật cho các hoạt động thuộc nhóm 1 nhưng không quá từ 03 đến 10 triệu đồng/năm, tùy theo quy mô đối tượng doanh nghiệp. Trong nhóm 2, quy định thời hạn thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (như cung cấp thông tin, đào tạo tập huấn, giải quyết vướng mắc pháp lý,...) tối đa 05 năm kể từ ngày được phê duyệt. Các chương trình được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho DNNVV và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho nhóm 2 tối đa không quá 50% kinh phí thực hiện chương trình, phần còn lại do tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tự chi trả hoặc từ nguồn xã hội hóa. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc lựa chọn, ký hợp đồng, đánh giá kết quả thực hiện và thanh lý hợp đồng với tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa như vậy phải được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu và pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ pháp lý của Nghị định số 55/2019/NĐ-CP có thể lồng ghép với những chương trình hỗ trợ khác như đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.
Thứ ba: Về bảo đảm về nguồn lực, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh trong việc bảo đảm nguồn nhân lực, tài chính cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cụ thể, kinh phí cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do ngân sách nhà nước bảo đảm, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước hàng năm trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Nghị định số 55/2019/NĐCP đã quy định cụ thể hội đồng nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành chính sách về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương; bảo đảm nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ tư: Trách nhiệm tổ chức thực hiện, Nghị định số 55/2019/NĐ-CP đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Tư pháp, các bộ, cơ quan ngang bộ, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời quy định trách nhiệm của tổ chức đại diện cho doanh nghiệp có thể đề xuất chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do mình chủ trì thực hiện theo đúng nội dung chương trình hỗ trợ, pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Nghị định, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ năm: Tạo điều kiện để luật sư, luật gia tham gia vào mạng lưới tư vấn viên pháp luật cho doanh nghiệp, căn cứ vào Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 10/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 13) đã quy định chi tiết khoản 2 Điều 14 Luật này về trách nhiệm "các bộ, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa...". Nghị định số 55/2019/NĐ-CP (Điều 9) không quy định lại nội dung về điều kiện tiêu chí, thủ tục công nhận tư vấn viên mà chỉ tập trung quy định việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật dữ liệu về văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật và định mức thanh toán phí sử dụng dịch vụ thông qua tư vấn viên pháp luật, Cụ thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan ngang bộ thông qua danh sách tư vấn viên pháp luật được đăng tải trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ đó. Sau khi thỏa thuận dịch vụ tư vấn pháp luật với tư vấn viên pháp luật phù hợp thuộc mạng lưới tư vấn viên pháp luật, doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử đến bộ, cơ quan ngang bộ đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật về vụ việc, vướng mắc pháp lý. Luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật, tự nguyện thông báo tham gia và được bộ, cơ quan ngang bộ công bố công khai để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa./.
Nguồn: Tạp chí Luật sư Việt Nam số 11 (tháng 11/2019) – Chuyên trang về hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa