Đây là đề nghị của Thứ trưởng Phan Chí Hiếu tại Hội nghị triển khai công tác của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (gọi tắt là Vụ Các vấn đề chung VXDPL) diễn ra ngày 14/01. Dự Hội nghị còn có đại diện tổ chức pháp chế một số Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ.
Thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm công tác Tư pháp năm 2019
Năm 2019, xác định nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2019 của Bộ, ngành Tư pháp, Vụ Các vấn đề chung VXDPL đã phối hợp với pháp chế của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức cá nhân có liên quan thực hiện xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Công tác lập và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp luật và công tác thẩm định đề nghị, dự án, dự thảo văn bản tiếp tục được triển khai bài bản. Bên cạnh đó, việc theo dõi, đôn đốc công tác ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ được thực hiện rất sát sao. Vụ cũng đã kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về kiểm soát TTHC. Cùng với đó, Vụ tiếp tục duy trì, tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác thông qua triển khai thực hiện các hoạt động thường xuyên của Vụ; hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, chương trình đạo tạo bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, chương trình phối hợp thực hiện công tác pháp luật giữa Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương. Qua đó, góp phần củng cố, thắt chặt mối quan hệ phối hợp công tác, đề cao hiệu quả công việc và nâng cao vị trí, vai trò của Bộ, ngành Tư pháp.
Tiếp tục rà soát để hướng dẫn thực hiện Luật ban hành văn bản QPPL
Cùng với nhiều đại biểu đánh giá cao kết quả đạt được của Vụ, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL Đồng Ngọc Ba quan niệm, công việc năm 2020 vẫn sẽ nhiều và khó nên cần thiết phải duy trì bền vững chất lượng công việc. Điều này đòi hỏi phải chú trọng cách thức triển khai công việc, huy động được trí tuệ tập thể, trí tuệ từ xã hội.
Theo đồng chí Ngọc Ba, “Làm tốt khâu xây dựng thì hậu kiểm sẽ nhẹ nhàng”, ít hoặc không có sai sót, đồng thời đồng chí còn cho rằng, các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành phải phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng văn bản để ngăn chặn kịp thời hậu quả có thể xảy ra do việc sai sót.
Để thực hiện tốt việc xây dựng văn bản QPPL, theo đồng chí Đinh Trung Tụng, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, vẫn phải rà soát lại Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 để tiếp tục hướng dẫn. Nguyên Thứ trưởng chỉ ra rằng, trên thực tế, việc triển khai Luật ở nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn còn lúng túng, nhất là trong xây dựng chính sách, phân tích chính sách và đánh giá tác động của chính sách. Đề cập đến vấn đề nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đồng chí Đinh Trung Tụng chia sẻ, trước đây, có thời điểm các bộ, ngành nợ đọng văn bản nhiều nhất là 120 văn bản. Những năm gần đây, tình trạng nợ đọng đã giảm đi rất nhiều, năm vừa qua chỉ còn 04 văn bản. Mặc dù tình trạng nợ đọng văn bản có giảm, nhưng vẫn chưa bền vững, do đó, trước mắt cần phải lập danh sách các bộ, ngành nợ đọng và có cảnh báo để biết và thực hiện. Cũng theo nguyên Thứ trưởng, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành đã tốt nhưng vẫn tiếp tục phải đổi mới để hiệu quả phối hợp được tốt hơn.
Tăng tính chế tài trong giải pháp khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản
Nói đến vai trò của Vụ Các vấn đề chung VXDPL, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, có thể gọi Vụ là “Bộ tổng tham mưu” thu nhỏ của Bộ Tư pháp về xây dựng pháp luật, giúp Bộ thực hiện việc quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật và pháp chế. Điểm lại các kết quả nổi bật trong năm 2019, Thứ trưởng đặc biệt khen ngợi công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và cách thức tổ chức thực hiện công việc của Vụ.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng nhấn mạnh, Vụ vẫn chưa đề xuất được biện pháp mạnh mang tính đột phá để chấm dứt tình nợ đọng văn bản. Bên cạnh đó, chất lượng hoàn thành một số nhiệm vụ được giao chưa được như mong muốn.
Trong năm 2020, Thứ trưởng đề nghị, Vụ tiếp tục phối hợp chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; Tham mưu, đề xuất giải pháp mới để quyết liệt chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, trong đó chú ý đến việc tăng tính chế tài; Thứ trưởng cũng đề nghị Vụ tham mưu sâu về việc tăng cường năng lực cho cán bộ pháp chế các bộ, ngành; Ngoài ra, tiếp tục tăng cường phối kết hợp trong và ngoài Bộ trong đó chú ý đến đổi mới phương pháp phối hợp…
Nguồn: An Như – Trung tâm Thông tin (https://moj.gov.vn/)