Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (Luật năm 2015), Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 96/2017/NĐ-CP ngày 16/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp đề cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong lĩnh vực xây dựng và thi hành pháp luật tiếp tục được tăng cường, mở rộng, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật. Kể từ khi Luật năm 2015 có hiệu lực đến nay, công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể là, Bộ Tư pháp đã quan tâm hơn đến việc tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm, đôn đốc việc xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho bộ, ngành, địa phương…
| |
Các ý kiến tại Hội thảo cho rằng, trong những năm qua, mặc dù có nhiều chuyển biến nhưng công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luậtvẫn tồn tại một số hạn chế như: quy định về công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật còn chưa cụ thể, rõ ràng, cụ thể; chưa xác định rõ vai trò quản lý ngành của Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt trong mối quan hệ với các Bộ, ngành và địa phương trong công tác xây dựng pháp luật;chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật chậm thay đổi cách thức và tư duy quản lý; cơ chế phối hợp trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật ở bộ, ngành, địa phương chưa thực sự hiệu quả;công tác kiểm tra, đôn đốc, bộ ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật chưa thực sự hiệu quả, còn lãng phí nguồn lực; quy định về cơ chế báo cáo về công tác xây dựng pháp luật chuyển biến chậm, dù đã có cải tiến nhưng vẫn còn phức tạp, chồng chéo làm mất nhiều thời gian của bộ, ngành, địa phương.
| |
Tại Hội thảo, các ý kiến tham luận đã trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để nâng cao hiệu quả quản lý công tác xây dựng pháp luật trong thời gian tới. Trong đó, các ý kiến tập trung phân tích quy định của pháp luật về vị trí, vai trò của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật; quản lý công tác xây dựng pháp luật tại các bộ, cơ quan ngang bộ và thực tiễn quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật ở các địa phương. Bên cạnh đó, các tham luận còn đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Xuất phát từ những bất cập, hạn chế nêu được đặt ra, đòi hỏi phải có sự kiện toàn, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật để triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp, hoàn thành các mục tiêu cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các tham luận đã đưa ra nhiều giải pháp theo đó tập trung vào việc hoàn thiện thể chế về quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng pháp luật; nâng cao hiệu quả và chất lượng công tác phối hợp liên ngành trong xây dựng pháp luật và quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật; làm tốt hơn nữa công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương; đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ cho cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật, công tác xây dựng pháp luật; tăng cường kinh phí, cơ sở vật chất gắn với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật.
Kết luận Hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến ghi nhận các ý kiến tham luận của các đại biểu đến từ Bộ Tư pháp và đại biểu đến từ các bộ ngành, địa phương. Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác xây dựng pháp luật để thể hiện rõ hơn vị trí, vai trò của mình trong việc giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về xây dựng pháp luật trên toàn quốc.