Hội thảo đã nghe các tham luận: (i) “Những vấn đề cơ bản về kiểm tra xử lý văn bản QPPL”, (ii) “Công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trong lĩnh vực đất đai - đầu tư”, (iii) “Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng”, (iv) “Kết quả kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn” của chuyên gia tới từ trường Đại học Luật Hà Nội, Cục Kiểm tra văn bản QPPL. Bên cạnh đó, Hội thảo còn được chuyên gia Yokomaku Kosuke chia sẻ, giới thiệu về quy trình lập pháp và xử lý văn bản trái pháp luật tại Nhật Bản.
| |
Điều hành phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thu Hòe - Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề nghị các đại biểu tham dự trao đổi, thảo luận về thực trạng triển khai công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trong lĩnh vực kinh tế tại Bộ, ngành, địa phương mình. Các ý kiến đều khẳng định hệ thống văn bản QPPL về kinh tế có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế; kiểm tra văn bản QPPL nói chung, kiểm tra văn bản QPPL trong lĩnh vực kinh tế nói riêng là giai đoạn “hậu kiểm” rất quan trọng, không thể thiếu trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, trong những năm qua, tại Bộ, ngành, địa phương mình, công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trái pháp luật đã được các cơ quan ban hành văn bản tích cực thực hiện, đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đại diện pháp chế các Bộ, ngành, Sở Tư pháp các địa phương cũng đã nêu ý kiến về một số vướng mắc của văn bản QPPL trung ương cũng như đặc thù tại địa phương, đồng thời trao đổi kinh nghiệm trong việc kiểm tra, xử lý văn bản với các địa phương khác để góp phần nâng cao hiệu quả công tác này.
| |
Kết luận Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hòe khẳng định kinh tế là lĩnh vực có hệ thống văn bản đồ sộ từ trung ương đến địa phương, các quy định trong văn bản về lĩnh vực này rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Do đó, kết quả kiểm tra, xử lý văn bản QPPL trong lĩnh vực này là hết sức quan trọng, góp phần tích cực vào việc hạn chế sai sót, nâng cao chất lượng văn bản QPPL, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Thông qua Hội thảo, Cục Kiểm tra văn bản đề nghị tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ kiểm tra, xử lý văn bản QPPL và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng như các cơ quan, đơn vị khác để thực hiện tốt hơn nữa, nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra văn bản QPPL nói chung và trong lĩnh vực kinh tế nói riêng, góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL trong thời gian tới. Cục Kiểm tra văn bản QPPL cũng trân trọng cảm ơn dự án JICA và cá nhân ngài chuyên gia đã hỗ trợ Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL) trong quá trình tổ chức Hội thảo cũng như chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của Nhật Bản để Việt Nam tham khảo, học tập./.
Nguồn: Trang thông tin về kiểm tra, rà soát, hệ thông hóa và hợp nhất văn bản QPPL - Bộ Tư pháp (tác giả: Nguyễn Văn Đức)