Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có trường hợp công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài chết tại Việt Nam, nhưng cơ quan đăng ký hộ tịch lại lúng túng trong việc ghi quốc tịch của người chết như thế nào cho đúng. Bởi lẽ theo quy định của Luật Hộ tịch, Luật Quốc tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định khi đăng ký hộ tịch chỉ ghi 01 quốc tịch, nên khi chết chỉ ghi 01 quốc tịch. Tuy nhiên nếu ghi quốc tịch Việt Nam thì họ không xóa khẩu và nhận được tiền bảo hiểm ở nước ngoài, còn nếu ghi quốc tịch nước ngoài thì cơ quan Công an không có cơ sở xóa khẩu và thu hồi giấy tờ tùy thân,... tại Việt Nam. Ngoài ra, việc không ghi quốc tịch vấn đề này còn gây vướng mắc, bất cập liên quan đến đất đai, thừa kế,...
Để trả việc ghi quốc tịch của người chết là công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi họ chết tại Việt Nam, trong văn bản tổng hợp tiếp nhận và trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với công tác chỉ đạo, điều hành năm 2020, Bộ Tư pháp đã trả lời như sau:
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, thì:" Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ công nhận quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác".
Như vậy, pháp luật Việt Nam chỉ công nhận một quốc tịch Việt Nam đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài trong quan hệ với các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam (bao gồm việc giải quyết các thủ tục hành chính, trong đó có việc ghi quốc tịch khi thực hiện việc đăng ký hộ tịch theo quy định). Qua đó, Bộ Tư pháp cũng đề nghị các địa phương thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 16/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính Phủ.