02/08/2024Ngày 02/8/2024, Cục Bồi thường nhà nước tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến góp ý đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương nêu rõ, Tọa đàm nằm trong giai đoạn nghiên cứu đề xuất phương án chính sách với mục tiêu dài hạn nhằm hướng tới sửa đổi, bổ sung Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và mục tiêu trước mắt nhằm đánh giá kết quả thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để đề xuất với cấp có thẩm quyền việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Về tình hình yêu cầu bồi thường, giải quyết yêu cầu bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại ra, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Lê Thái Phương cho biết, theo Báo cáo số 129/BC-BTP ngày 14/03/2024 của Bộ Tư pháp đánh giá kết quả 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì từ khi Luật TNBTCNN năm 2017 có hiệu lực (01/07/2018) đến ngày 30/06/2023, tổng số vụ việc đã được thụ lý, giải quyết là 168, trong đó, số vụ việc đã có văn bản giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 103 (đạt tỷ lệ 61,3%).
Đánh giá chung cho thấy, trong hơn 6 năm qua, hoạt động giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đã được các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện chủ động, hiệu quả hơn so với giai đoạn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009. Việc tổ chức phục hồi danh dự đối với người bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra, việc xác minh thiệt hại, thương lượng với người có yêu cầu bồi thường và việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại cơ bản được thực hiện kịp thời hơn; việc xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây thiệt hại đã được thực hiện nghiêm túc hơn, vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước được phát huy triệt để, toàn diện, qua đó, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại, xử lý nghiêm khắc trách nhiệm của cá nhân người thi hành công vụ gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động và kết quả tích cực nêu trên, việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước vẫn còn những hạn chế cụ thể như: vẫn còn tình trạng trong một số vụ việc người bị thiệt hại gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường; vẫn còn tình trạng một số cơ quan chậm trễ, không thực hiện trách nhiệm giải quyết bồi thường hoặc không có sự thống nhất về trách nhiệm giải quyết bồi thường giữa các cơ quan có liên quan trong việc gây ra thiệt hại; vẫn còn tình trạng một số cơ quan thực hiện việc giải quyết bồi thường chưa phù hợp với quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Từ thực tiễn áp dụng Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 trong ngành Tòa án, bà Đinh Thị Vân Anh, Tòa án nhân dân tối cao cho rằng, một trong những nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 là phải bảo đảm thống nhất giữa quy định về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với quy định về thiệt hại được bồi thường. Bà Vân Anh có viện dẫn quy định về trường hợp thiệt hại do người bị xem xét trách nhiệm hình sự (xét xử) đã chấp hành xong hình phạt tù có thời hạn nhưng sau đó có quyết định, bản án xác định người đó được miễn chấp hành hình phạt trong khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 chỉ quy định việc không bồi thường đối với trường hợp miễn trách nhiệm hình sự; cân nhắc việc mở rộng phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với trường hợp người yêu cầu bồi thường bị thiệt hại do lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền gây ra trong việc tổng hợp hình phạt sai dẫn đến người yêu cầu bồi thường phải chấp hành hình phạt quá thời hạn hoặc sai quy định của pháp luật, dù lý do là thay đổi chính sách pháp luật hay lỗi chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền…
Để giải quyết khó khăn trong thực tiễn thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực thi hành án dân sự, theo bà Lê Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục thi hành án dân sự thì cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến công tác giải quyết bồi thường, trong đó cân nhắc bổ sung một nội dung chưa được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 quy định gây khó khăn, vướng mắc như: bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục thi hành nghĩa vụ bồi thường của cơ quan nhà nước phát sinh do người thi hành công vụ gây ra theo bản án, quyết định của Tòa án đã được giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự; bổ sung quy định về quyết định kết thúc một vụ việc giải quyết bồi thường để cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường có cơ sở pháp lý thực hiện trên thực tế. Bà Hồng cũng cho rằng cần có quy định cụ thể để bảo đảm trách nhiệm phải tương xứng với lỗi của từng chủ thể có liên quan đến sai phạm phải thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự; …
Tại Tọa đàm đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi về thực tiễn thi hành các quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản thi hành tại cơ quan, đơn vị, đồng thời đề xuất, kiến nghị về phương ánchính sách sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành như: sửa đổi quy định về việc lập dự toán, phân bổ, quyết toán kinh phí bồi thường để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Luật Ngân sách Nhà nước; sửa đổi quy định về nguồn kinh phí bồi thường tương ứng với các cấp ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; sửa đổi quy định về quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo hướng quy định cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng có thẩm quyền quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Nguồn:https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/hoat-dong-cua-cac-don-vi-thuoc-bo.aspx?ItemID=5031