Trong năm 2016, tình hình tổ chức và hoạt động quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả như sau:
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 01 doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (có 04 quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp), 01 chi nhánh doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (có 05 quản tài viên hành nghề hành nghề trong doanh nghiệp), 08 quản tài viên hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân.
Về kết quả hoạt động, theo số liệu thống kê, trong năm 2016, đã thực hiện 19 vụ việc, trong đó: số vụ việc đã hoàn tất là 4, số vụ việc đang thực hiện là 15. Tổng doanh thu là 568,360,000 đồng, đã nộp vào ngân sách 15,186,115 đồng.
Hoạt động của đội ngũ quản tài viên và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã bước đầu đi vào nề nếp, ổn định, góp phần tích cực vào quá trình thanh lý, xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản được nhanh chóng, đúng quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, cụ thể:
Tiếp tục công khai và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quản tài viên thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; Đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Chấm dứt hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; Thông báo việc thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Thay đổi thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; Thay đổi thông tin đăng ký hành nghề của Quản tài viên…một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ thực hiện thủ tục. Thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản không còn đủ điều kiện hoạt động và có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quản tài viên: Sở Tư pháp đã lồng ghép việc triển khai thực hiện Quyết định số 2281/QĐ-UBND ngày 08/9/2015 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào chương trình, kế hoạch hoạt động chung hàng năm của Sở Tư pháp. Trong năm 2016, đã cơ bản hoàn thành các nội dung trong Kế hoạch đề ra, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định số 22/2015/NĐ-CP, tiến hành in 20.000 tờ gấp pháp luật về quản tài viên; trong các buổi sinh hoạt Ngày pháp luật của cơ quan, đã triển khai nội dung về quản tài viên đến tất cả cán bộ, công chức. Hoàn thành việc xây dựng và công bố các thủ tục hành chính về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; đồng thời sửa đổi, bổ sung việc thu phí, lệ phí theo quy định của Luật Phí, Lệ phí và Thông tư Thông tư số 224/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề, hoạt động quản lý, thanh lý tài sản; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên.
Công tác phối hợp: Ban hành quy chế phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh, trong đó có nội dung phối hợp, trao đổi thông tin, triển khai thực hiện các nội dung về quản tài viên.
Chế độ thông tin, báo cáo: Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương lên cổng thông tin điện tử Sở Tư pháp; ban hành công văn số 25/STP-BTTP ngày 09/01/2017 về việc thực hiện chế độ báo cáo./.