VỀ TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG
1. Về tổ chức: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 78 tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có: 34 Văn phòng luật sư, 43 Công ty luật TNHH, 01 Công ty luật hợp danh), 82 chi nhánh, 13 Văn phòng giao dịch, 08 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân. Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương có 242 luật sư (trong đó không bao gồm luật sư là thành viên Đoàn Luật sư địa phương khác làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh, không có luật sư nước ngoài làm việc tại tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh) và 76 người tập sự hành nghề luật sư. Tăng 10 tổ chức hành nghề luật sư, tăng 28 luật sư so với năm 2022.
2. Về kết quả hoạt động hành nghề luật sư: Trong năm 2023, đội ngũ luật sư đã thực hiện 1.739 vụ, việc, tăng 240 vụ, việc so với năm 2022, trong đó: tham gia tố tụng là 491 vụ việc, tư vấn pháp luật là 650 vụ việc, dịch vụ pháp lý khác 426 vụ việc, trợ giúp pháp lý miễn phí 158 vụ việc. Tổng doanh thu: 19.150.857.481 đồng, tăng 2.630.729.000 so với năm 2022. Tổng số thuế đã nộp cho Nhà nước 1.480.271.029 đồng.
- Chất lượng hoạt động các luật sư và tổ chức hành nghề luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã từng bước được nâng cao, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước Toà, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, nâng cao ý thức pháp luật cho nhân dân, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội khác. Bên cạnh đó, các tổ chức hành nghề luật sư hỗ trợ cho các cá nhân, doanh nghiệp thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, thương mại, hình sự, dân sự, lao động, hôn nhân gia đình.
- Ngoài hoạt động hành nghề luật sư theo nội dung đăng ký hoạt động, đội ngũ luật sư đã tích cực tham gia tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật, ý kiến đề xuất, góp ý đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động mang tính xã hội khác, nhiều luật sư trong Ban Chủ nhiệm, các luật sư có uy tín và thâm niên hành nghề tham gia các hội nghị, hội thảo khoa học về thi hành và áp dụng một số chính sách, pháp luật quan trọng trong đời sống thực tiễn; kiến nghị và góp ý xây dựng nhiều dự án Luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương tổ chức; tham gia vào các tổ giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc áp dụng pháp luật do Tỉnh ủy, UBND tỉnh thành lập.
VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG HÀNH NGHỀ LUẬT SƯ
Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, cụ thể:
- Tiếp tục công khai và giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực luật sư thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt nội dung đăng ký hoạt động cho tổ chức hành nghề luật sư, luật sư đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân. Thực hiện các quy định mới tại Thông tư 05/2021/TT-BTP ngày 24/6/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Sở Tư pháp đã sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính trong lĩnh vực luật sư trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và công bố theo đúng quy định của pháp luật.
- Từ ngày 01/01/2023 đến 31/12/2023, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 83 thủ tục hành chính về luật sư (giảm 15 TTHC so với năm 2022).
- Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã ban hành nhiều văn bản nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về luật sư, các báo cáo sơ kết, tổng kết liên quan đến luật sư như: công văn chấn chỉnh các tổ chức hành nghề luật sư về việc thực hiện các quy định pháp luật về luật sư, Báo cáo đánh giá sơ kết 03 năm thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư, tham mưu UBND tỉnh ban hành Báo cáo Tổng kết thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương, công văn phối hợp với các cơ quan cung cấp thông tin về lĩnh vực luật sư.
- Về công tác phối hợp theo Quy chế Phối hợp số 1428/QCPH/STP-ĐLS ngày 21/10/2021 trong công tác quản lý hoạt động hành nghề luật sư và phối hợp về một số hoạt động thuộc công tác tư pháp khác trên địa bàn tỉnh Bình Dương giữa Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương và Đoàn Luật sư tỉnh: Nhìn chung công tác phối hợp thuận lợi. Sở Tư pháp và Đoàn Luật sư tỉnh duy trì họp giao ban theo Quy chế vào quý IV hàng năm, cung cấp thông tin định kỳ theo quý.
- Công tác thanh tra, kiểm tra: Thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện tổ chức hành nghề luật sư không còn đủ điều kiện hoạt động, vi phạm pháp luật về luật sư.
+ Về thanh tra: Trong năm 2023, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp đã ban hành 02 Quyết định thanh tra đối với 01 tổ chức và 02 chi nhánh tổ chức hành nghề luật sư, cụ thể: 01 cuộc thanh tra đột xuất đối với Công ty Luật TNHH Đức Tựu TPP, 01 cuộc thanh tra theo kế hoạch đối với Chi nhánh 2 Văn phòng luật sư Năm Nam và Chi nhánh Công ty Luật TNHH Nam Bắc Sài Gòn tại Bình Dương. Trong năm, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp đã ban hành 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 tổ chức hành nghề luật sư với tổng số tiền phạt 38.000.000 đồng.
+ Về kiểm tra: Trong năm 2023, Sở Tư pháp tỉnh đã ban hành Quyết định số 145/QĐ-STP ngày 27/9/2023 của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương về kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ngày 11/10/2023, Đoàn Kiểm tra Sở Tư pháp đã công bố Quyết định Kiểm tra và tiến hành kiểm tra tại 02 tổ chức hành nghề luật sư. Qua kiểm tra, Đoàn Kiểm tra đã chỉ ra những hạn chế của các tổ chức hành nghề luật sư, yêu cầu các tổ chức nghiêm túc rút kinh nghiệm và khắc phục, tránh những hạn chế trong thời gian tới.
- Công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo: Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 22/12/2023, Sở Tư pháp tiếp nhận 05 đơn (gồm 03 đơn tố cáo, 01 đơn khiếu nại, 01 đơn kiến nghị). Trong đó, 02 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở, 03 đơn không thuộc thẩm quyền. Tất cả các đơn đều được giải quyết đúng quy định của pháp luật.
- Công tác tuyên truyền pháp luật: Sở Tư pháp đã lồng ghép việc triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành vào chương trình, kế hoạch hoạt động chung hàng năm của Sở Tư pháp. Trong năm 2023, Sở Tư pháp biên soạn, cấp phát 9.000 tờ gấp pháp luật về luật sư, tuyên truyền rộng rãi đến người dân
Về trợ giúp pháp lý: Trung tâm trợ giúp pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, còn thường xuyên đăng tải các quy định pháp luật, thông tin về luật sư lên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp. Trong năm 2023, Sở Tư pháp và Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tiếp tục thực hiện các hợp đồng trợ giúp pháp lý đã ký với tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kế hoạch đánh giá chất lượng, hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý năm 2023, Sở Tư pháp đã tiến hành đánh giá chất lượng, hiệu quả 10 hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý, kết quả tất cả các hồ sơ đều đảm bảo theo yêu cầu.
- Chế độ thông tin, báo cáo: Sở Tư pháp thường xuyên thông tin đến Đoàn Luật sư danh sách cá nhân, tổ chức, chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư và đa số các tổ chức hành nghề luật sư đã thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh, Sở Tư pháp về công tác tổ chức và hoạt động luật sư.
VỀ CÔNG TÁC TỰ QUẢN CỦA ĐOÀN LUẬT SƯ
Công tác phát triển đội ngũ luật sư thành viên luôn được Đoàn Luật sư tỉnh quan tâm, trình tự thủ tục và điều kiện gia nhập Đoàn Luật sư được Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh công bố công khai, minh bạch, việc xét hồ sơ đăng ký vào Đoàn Luật sư được thực hiện nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật và Điều lệ của Đoàn Luật sư. Do vậy, thành viên của Đoàn Luật sư đã từng bước nâng cao số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Trong năm 2023, Đoàn đã giải quyết cho gia nhập mới 37 luật sư. Đến nay, tổng số luật sư thành viên của Đoàn là 242 luật sư, tăng 28 luật sư so với năm 2022. Xóa tên khỏi danh sách luật sư thành viên của Đoàn: 05 luật sư (02 luật sư thôi không hành nghề luật sư, 03 luật sư chuyển Đoàn Luật sư khác).
- Về tập sự hành nghề luật sư: Đoàn đã giải quyết cho đăng ký tập sự mới đối với 42 người tập sự, đến nay tổng số người tập sự đăng ký tập sự tại Đoàn là 71 người, xóa tên khỏi danh sách người tập sự hành nghề luật sư: 01 người tập sự.
- Về bồi dưỡng nghiệp vụ: Trong năm 2023, Đoàn Luật sư tỉnh chưa tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ luật sư thành viên. Một số các luật sư thành viên của Đoàn đã tham gia lớp đào tạo do các Đoàn luật sư địa phương khác tổ chức hoặc do Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức.
- Ngoài các hoạt động trong lĩnh vực hành nghề, Đoàn Luật sư tỉnh còn tổ chức, phân công các luật sư thành viên làm tốt các vai trò xã hội. Đoàn đã phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Dương để trợ giúp pháp lý cho các đối tượng người nghèo, trẻ em và diện chính sách.
- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Đảng viên nói riêng và đội ngũ luật sư nói chung được Chi bộ và Ban Chủ nhiệm xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, góp phần vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế và hội nhập. Đây là nhiệm vụ thường xuyên được tổ chức thực hiện với nhiều hình thức, kết hợp với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với việc học tập Quy tắc đạo đức và ứng xử hành nghề luật sư.
- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với tổ chức và hoạt động hành nghề luật sư và công tác xây dựng Đảng: Đảng số của Chi bộ hiện có 16 đảng viên (trong đó có 03 đảng viên miễn sinh hoạt vì lý do sức khỏe, 01 đảng viên dự bị). Ngoài ra, số luật sư là đảng viên hiện đang sinh hoạt tại nơi cư trú là 43 đồng chí. Chi bộ xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Đoàn Luật sư, nghiêm túc thực hiện nguyên tắc sinh hoạt đảng; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".
NHỮNG HẠN CHẾ, TỒN TẠI
Bên cạnh các kết quả đạt được như đã nêu trên, hoạt động luật sư trên địa bàn tỉnh cũng có những hạn chế và tồn tại như:
- Số lượng và chất lượng của luật sư trong Đoàn tuy có phát triển nhưng vẫn còn hạn chế so với yêu cầu chung và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Các luật sư đa phần yếu về ngoại ngữ nên khả năng giao tiếp, làm việc trực tiếp với khách hàng là người nước ngoài còn hạn chế. Các luật sư đa phần hành nghề trong lĩnh vực tố tụng, hoạt động riêng lẻ, độc lập, chưa liên kết với nhau để thành lập, tổ chức, hoạt động trong những tổ chức hành nghề luật sư quy mô lớn. Đây là những trở ngại cho quá trình phát triển luật sư đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của địa phương.
- Một số luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, tổ chức hành nghề luật sư chấp hành chưa nghiêm quy định về báo cáo, ảnh hưởng đến tiến độ tổng hợp báo cáo chung.
- Về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ: Tại Điều 23 Thông tư 05/2021/TT-BTP ngày 24/6/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Luật sư chỉ quy định chế độ báo cáo đối với tổ chức hành nghề luật sư mà chưa quy định trách nhiệm báo cáo của chi nhánh tổ chức hành nghề luật cho Sở Tư pháp nơi cấp giấy ĐKHĐ và đặt trụ sở của Chi nhánh (các chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư địa phương khác thành lập tại tỉnh Bình Dương). Do đó, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương khó có thể nắm được tình hình tổ chức và hoạt động của các chi nhánh thành lập trên địa bàn tỉnh.
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Bộ Tư pháp tiếp tục tổ chức các hội thảo, lớp bồi dưỡng, đào tạo về hội nhập kinh tế quốc tế.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ báo cáo đối với Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư hoặc Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn về việc thực hiện chế độ báo cáo đối với các chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư.
- Đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với trường hợp cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí hoặc có mức thù lao dưới 200.000 đồng theo hướng không lập hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý mà chỉ cần lập phiếu thỏa thuận thực hiện dịch vụ pháp lý.