I. TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM
1. Về tổ chức
Hệ thống các cơ quan thực hiện đăng ký biện pháp bảo đảm trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm có Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) và 09 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thành phố thuộc tỉnh. Đội ngũ thực hiện công tác đăng ký biện pháp bảo đảm có 54 người, trong đó:
- Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh: 08 người (07 người có trình độ chuyên môn Đại học, 01 người có trình độ chuyên môn sau Đại học);
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai: 46 cán bộ (39 người có trình độ chuyên môn Đại học, 02 người có trình độ chuyên môn sau Đại học, 02 người có trình độ cao đẳng, 01 người có trình độ trung cấp).
2. Về kết quả hoạt động
a) Tại Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh:
- Tổng số hồ sơ giải quyết: 1.778 hồ sơ (tăng 31,7% hồ sơ so với năm 2023), cụ thể:
+ Đăng ký biện pháp bảo đảm: 907 hồ sơ;
+ Đăng ký thay đổi: 221 hồ sơ;
+ Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm: 9 hồ sơ;
+ Xóa đăng ký: 641 hồ sơ;
- Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm: 79 hồ sơ;
- Số lượng hồ sơ yêu cầu đăng ký được miễn phí đăng ký: không có.
b) Tại các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai:
- Tổng số lượng hồ sơ giải quyết: 88.631 hồ sơ (tăng 15% hồ sơ so với năm 2023), cụ thể:
+ Đăng ký biện pháp bảo đảm: 47.932 hồ sơ;
+ Đăng ký thay đổi: 2.609 hồ sơ;
+ Đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm: 210 hồ sơ;
+ Chuyển tiếp đăng ký thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở: 06 hồ sơ;
+ Xóa đăng ký: 37.874 hồ sơ;
- Cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm: 466 hồ sơ;
- Số lượng hồ sơ yêu cầu đăng ký được miễn phí đăng ký: 426 hồ sơ tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Phú Giáo (giảm 182 hồ sơ so với năm 2023).
(Có phụ lục kèm theo là Biểu mẫu số 23b/BTP/ĐKGDBĐ của Văn phòng theo Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/03/2016 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp).
II. CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG ĐĂNG KÝ BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm
Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 395/KH-UBND ngày 05/02/2024 về Phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024, trong đó có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký giao dịch bảo đảm.
Trong năm, Sở Tư pháp đã triển khai thi hành đồng bộ, thống nhất và có hiệu quả pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm, Sở Tư pháp luôn quan tâm, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về biện pháp bảo đảm thông qua nhiều hình thức đa dạng như: Sở Tư pháp thường xuyên đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật, các tin bài liên quan đến biện pháp bảo đảm lên Trang thông tin điện tử của Sở, lồng ghép nội dung "Ngày Pháp luật" tại cơ quan.
2. Việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Tư pháp về đăng ký biện pháp bảo đảm
Để triển khai Thông tư số 07/2024/TT-BTP ngày 02/8/2024 của Bộ Tư pháp về bãi bỏ Thông tư liên tịch số 15/2013/TTLT-BTP-BGTVT-BTNMT-BCA ngày 05/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn việc trao đổi, cung cấp thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản và Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 06/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn[1] gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường để phối hợp triển khai thực hiện, theo đó đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thực hiện các quy định của Thông tư số 07/2024/TT-BTP; tiếp tục rà soát bộ thủ tục hành chính về đăng ký biện pháp bảo đảm theo quy định để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính theo quy định[2]. Đồng thời, Sở Tư pháp cho ý kiến về dự thảo quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, trên cơ sở đó, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh căn cứ vào tình hình nhân sự tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thực tế tại đơn vị để phân bổ thời gian giải quyết thủ tục hành chính cụ thể từng bước, đảm bảo thời gian theo quy định của Nghị định 99/2022/NĐ-CP và Quyết định số 387/2023/QĐ-UBND về công bố TTHC.
Thực hiện Công văn số 442/VPUB-NC ngày 29/02/2024 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh góp ý nội dung tập huấn do Cục Đăng ký giao dịch bảo đảm quốc gia lấy ý kiến[3]; đồng thời, Sở Tư pháp phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh Bình Dương cử 17 cán bộ tham dự Hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (khu vực miền Nam)[4].
3. Việc công bố, niêm yết thủ tục hành chính
Hiện nay, việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm được thực hiện theo Quyết định số 387/QĐ-UBND ngày 22/02/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Các thủ tục hành chính về đăng ký biện pháp bảo đảm được đăng tải trên Trang thông tin hành chính công tỉnh Bình Dương, Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp và niêm yết công khai tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả của các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu, thực hiện.
4. Về công tác báo cáo thống kê
Công tác thống kê kết quả đăng ký, cung cấp thông tin về biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được Sở Tư pháp; các tổ chức đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương thực hiện theo quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/03/2016 của Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp.
III. THUẬN LỢI, KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Thuận lợi
- Cán bộ thực hiện công tác giao dịch bảo đảm tại các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp; tinh thần, thái độ làm việc tích cực, có ý thức trách nhiệm trong công việc; việc phối hợp giữa hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai, các tổ chức tín dụng và các tổ chức hành nghề công chứng chặt chẽ, nhịp nhàng, giúp công tác đăng ký giao dịch bảo đảm đi vào nề nếp, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính.
- Cơ sở dữ liệu địa chính của địa phương ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tra cứu thông tin để giải quyết hồ sơ, cung cấp thông tin giao dịch bảo đảm nhanh chóng, kịp thời, chính xác.
2. Khó khăn, vướng mắc
- Một số Ngân hàng (bên nhận thế chấp) kê khai thông tin mô tả trên phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không đầy đủ. Điều này gây phiền hà cho người dân phải đi lại nhiều lần.
- Chưa có hướng dẫn cụ thể về điều kiện đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước cho đồng bộ với pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
- Sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm và hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai chưa chặt chẽ, gây khó khăn trong việc quản lý thông tin đăng ký giao dịch bảo đảm là tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.
3. Đề xuất, kiến nghị
- Đề xuất Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn trong hệ thống ngân hàng kê khai đầy đủ các thông tin mô tả trên Phiếu yêu cầu đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 01a ban hành kèm theo Nghị định 99/2022/NĐ-CP.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp ban hành quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện đăng ký thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn nhà nước nhằm đảm bảo sự thống nhất đồng bộ của hệ thống pháp luật tạo sự thuận lợi trong quá trình áp dụng.
- Kiến Nghị Bộ Tư pháp ban hành quy định quy chế phối hợp, liên thông, chia sẻ thông tin về giao dịch bảo đảm giữa các Trung tâm đăng ký giao dịch tài sản và hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai./.