Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” trên địa bàn tỉnh, công tác phổ biến, triển khai Đề án và Luật Giám định tư pháp đã được Sở Tư pháp và các sở, ngành chức năng quan tâm và tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức. Đến nay, nhiều sở, ngành đã có giám định viên tư pháp, tạo một bước chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò và nội dung giám định tư pháp. Trang thiết bị phương tiện phục vụ cho công tác giám định được các ngành quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng kịp thời các trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 107 giám định viên tư pháp Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh là 107 người, tăng 21 người so với năm 2010. Trong năm 2014, các tổ chức giám định tư pháp và các giám định viên tư pháp đã thực hiện 1.825 vụ giám định, trong đó theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng là 1.781 vụ, theo yêu cầu của đương sự là 44 vụ. Đối với việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến thí điểm Thừa phát lại được các ngành, các cấp chú trọng thực hiện, do đó người dân đã có sự hiểu biết về Thừa phát lại và yêu cầu Thừa phát lại thực hiện một số công việc theo quy định của pháp luật. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 04 Văn phòng Thừa phát lại (thành phố Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên). Thời gian qua, các Văn phòng đã lập vi bằng 519 vụ việc, tống đạt 3.943 vụ việc, xác minh điều kiện thi hành án 57 vụ việc, nhận 06 vụ việc thi hành án. Tổng chi phí thu được của các Văn phòng Thừa phát lại khoảng hơn 1 tỷ đồng. Kết luận cuộc họp, ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thành lập Trung tâm Giám định pháp y tỉnh; Sở Tư pháp rà soát lại nhu cầu mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác giám định, chế độ hỗ trợ cho công tác giám định, đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định pháp luật đề nghị UBND tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp, sắp xếp cử cán bộ đi đào tạo để tạo nguồn bổ nhiệm giám định viên trong lĩnh vực pháp y. Đối với việc thực hiện chế định Thừa phát lại, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về việc thí điểm Thừa phát lại trong các tầng lớp nhân dân; tiếp tục kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện thí điểm Thừa phát lại tại Bình Dương, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để khi có quyết định của Bộ Tư pháp sẽ tiến hành thành lập các Văn phòng Thừa phát lại ở các địa phương còn lại. |