Trong 02 ngày 12-13/8/2019, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo “Một số định hướng lớn của dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp”. Ông Nguyễn Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các vị Đại biểu của Quốc hội, các luật gia, chuyên gia, đại biểu đến từ các bộ, ngành ở Trung ương và đại diện Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, lãnh đạo sở, ngành của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Hội thảo, sau khi nghe báo cáo thực tiễn công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp từ năm 2013 đến nay và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp của Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về những hạn chế, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật và nguyên nhân; đồng thời kiến nghị những giải pháp đối với hoạt động giám định pháp và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương từ năm 2013 đến nay; công tác trưng cầu giám định tư pháp trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu; công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp và hoạt động giám định tư pháp của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền cấp tỉnh; công tác trưng cầu giám định tư pháp trong hoạt động điều tra của cơ quan Công an các cấp…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Hồng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh: “Hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thiện dự án Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 tới. Hội thảo sẽ là diễn đàn để các vị đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan tư pháp, các chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ làm công tác thực tiễn trao đổi, phân tích, đánh giá, góp ý trực tiếp vào các nội dung cụ thể của dự án Luật. Trong đó, có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cần đặt trong tổng thể Chiến lược cải cách tư pháp, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về tố tụng, đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống tham nhũng”.
Luật Giám định tư pháp số 13/2012/QH13 đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012. Theo Nghị quyết số 78/2019/QH14 ngày 11/6/2019 của Quốc hội khóa XIV về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội bổ sung vào Chương trình năm 2019 và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019)./.
Mỹ Cẩm