I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP, NGHỊ ĐỊNH 85/2013/NĐ-CP VÀ CÁC VĂN BẢN CÓ LIÊN QUAN
- Trên cơ sở nhận thức tầm quan trọng của công tác giám định tư pháp, nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Giám định tư pháp đến cán bộ, công chức, các tầng lớp nhân dân; thực hiện tốt công tác bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho đội ngũ người làm giám định tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 28/01/2013); tổ chức Hội nghị triển khai Luật cho cho lãnh đạo các sở, ngành, báo cáo viên cấp tỉnh, các giám định viên tư pháp, cán bộ pháp chế các sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, chỉ đạo Sở Tư pháp và các sở, ngành chuyên môn quan tâm và tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện chuyên mục "Pháp luật và cuộc sống"; đăng Website của Sở Tư pháp và Báo Bình Dương về những nội dung cơ bản của Luật Giám định tư pháp.
- Tình hình triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành từ năm 2013 đến nay: Ngay khi Luật Giám định tư pháp có hiệu lực pháp luật, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 28/01/2013 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh, ngày 05/3/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện "Đề án Đổi mới và nâng cao hoạt động Giám định tư pháp" trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2014; Thực hiện các quy định của Luật Giám định tư pháp, Đề án "Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp", Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg trong đó có nội dung về thực hiện chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 35/2014/NQ-HĐND ngày 10/12/2014 về chế độ hỗ trợ công tác pháp y, tâm thần, kỹ thuật hình sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Ngày 22/12/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 65/2014/QĐ-UBND về việc Quy định chế độ hỗ trợ công tác pháp y, tâm thần, kỹ thuật hình sự trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Trong năm 2017, Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch số 2542/KH-UBND ngày 22/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho người giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2017, theo đó Lớp học đã diễn ra từ ngày 13/12/2017 đến ngày 15/12/2017 với sự tham gia của gần 60 giám định viên tư pháp, người làm công tác giám định trên địa bàn tỉnh. Lớp bồi dưỡng đã cung cấp các kiến thức pháp lý cơ bản trong lĩnh vực giám định tư pháp, giúp các học viên hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò của hoạt động giám định trong hoạt động tố tụng từ đó hỗ trợ cho công tác giám định tại cơ quan, đơn vị.
- Về khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các văn bản: Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg đã cụ thể hóa một phần chính sách đãi ngộ của Nhà nước nhằm động viên, khích lệ đối với đội ngũ người giám định tư pháp. Tuy nhiên, theo đánh giá của các sở, ngành, tổ chức giám định và thực tiễn áp dụng các chính sách nêu trên cho thấy: Chế độ bồi dưỡng đối với người giám định tư pháp và người giúp việc cho người giám định tư pháp vẫn còn thấp so với tính chất đặc thù công việc và điều kiện kinh tế xã hội hiện nay. Đây là một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng người làm giám định tư pháp chuyên trách không yên tâm gắn bó với công việc giám định cũng như không động viên được những người giám định tư pháp kiêm nhiệm tích cực tham gia hoạt động giám định tư pháp; đồng thời, các chuyên gia giỏi trong các ngành, lĩnh vực không muốn tham gia hoạt động giám định tư pháp.
II. ĐÁNH GIÁ VỀ THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG, QUẢN LÝ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP TẠI TỈNH BÌNH DƯƠNG
1. Đánh giá chung
- Nhìn chung, công tác phổ biến, triển khai Luật Giám định tư pháp và các văn bản có liên quan đã được Sở Tư pháp và các sở, ngành chuyên môn quan tâm và tích cực tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên Báo, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh. Đến nay, nhiều Sở, ngành đã có Giám định viên tư pháp, tạo một bước chuyển biến trong nhận thức của các ngành, các cấp, các tổ chức, cá nhân về vị trí vai trò và nội dung giám định tư pháp; Hầu hết lãnh đạo các ngành, các cấp và đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đều rất quan tâm và xem trọng công tác giám định, mối quan hệ tốt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đã góp phần vào việc xác định nguyên nhân và thủ phạm gây án, chứng cứ buộc tội, gỡ tội trong các vụ án.
- Hoạt động giám định tư pháp luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, một số lãnh đạo Sở chuyên môn quản lý về lĩnh vực giám định tư pháp như: Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Xây dựng, Chi Cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn…, bên cạnh đó, địa phương còn nhận được sự quan tâm, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, hướng dẫn của Viện Kỹ thuật hình sự, Viện Pháp Y…, qua đó, giúp công tác triển khai Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành được hiệu quả hơn.
- Đánh giá đóng góp của hoạt động giám định tư pháp: Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố, xét xử trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng, góp phần vào việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển đất nước; góp phần quan trọng trong việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, đúng pháp luật, rút ngắn thời gian giám định để các cơ quan pháp luật xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm.
2. Về đội ngũ người, tổ chức giám định tư pháp
- Số lượng, chất lượng đội ngũ người giám định tư pháp có sự tăng giảm qua các năm, nguyên nhân giảm chủ yếu là do nghỉ hưu, chuyển công tác khác. Tuy nhiên chất lượng thì ngày càng được nâng cao do được đào tạo ngày càng bài bản về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ giám định và bồi dưỡng kiến thức pháp lý. Số lượng cụ thể:
Năm | Tổ chức giám định tư pháp công lập | Giám định viên tư pháp | Người giám định tư pháp theo vụ việc | Ghi chú |
2013 | 02 | 92 | 04 | |
2014 | 02 | 107 | 04 | Ngày 30/12/2014 tách TT Giám định Y khoa – Pháp y thành TT Pháp y. |
2015 | 02 | 101 | 04 | |
2016 | 02 | 96 | 02 | |
2017 | 02 | 88 | 06 | |
2018 | 02 | 88 | 06 | |
- Việc củng cố, kiện toàn và bảo đảm kinh phí, phương tiện hoạt động, cở sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác:
+ Tại các tổ chức giám định tư pháp: Trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác giám định được các ngành quan tâm và đầu tư, cơ bản đáp ứng kịp thời các trưng cầu giám định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc - Công an tỉnh và Trung tâm Pháp y đã có trụ sở riêng. Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh được trang bị 02 phòng máy dùng để phân tích, so sánh và 01 phòng thí nghiệm dùng lưu mẫu, thanh loại mẫu, 01 phòng giám định vi thể phục vụ công tác giám định pháp y, đặc biệt được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp: 01 máy sắc ký khí phối phổi dùng giám định ma túy và hợp chất hữu cơ, 01 máy sắc ký hồng ngoại, 01 máy UV, 01 kính hiển vi kim tương phục vụ giám định cháy, va ly giám định pháp y tử thi… Nhờ có phương tiện hiện đại đã giúp cho công tác giám định hoàn thành nhanh chóng, kịp thời, kết quả trả lời chính xác, là chứng cứ quan trọng trong quá trình điều tra và xét xử, phục vụ đắc lực trong cuộc đấu trang phòng chống tội phạm. Trung tâm Pháp y được cấp máy xét nghiệm làm giải phẩu bệnh để thực hiện công tác giám định pháp y.
+ Tại một số sở, ngành khác: Phần lớn các giám định viên đều chưa được trang bị các trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định chuyên môn, hiện chỉ có các giám định viên thuộc lĩnh vực văn hóa, đã được trang bị các thiết bị phục vụ cho công tác giám định gồm: 01 tivi màu 21 inch, 01 màn hình LCD 24 inch, 01 đầu đĩa kỹ thuật số hiệu JVC (3 ngăn đĩa), 01 đầu đĩa DVD, 01 đầu đĩa DVD MP4, 01 đầu đĩa và 01 máy casset hiệu AWA.
- Việc lựa chọn, lập, công bố danh sách và đăng tải danh sách tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc tại địa phương được các sở, ngành quan tâm và thực hiện thường xuyên qua các năm theo quy định của pháp luật.
- Về nguyên nhân của vướng mắc, hạn chế trong việc triển khai thực hiện quy định về thành lập Văn phòng giám định tư pháp trong một số lĩnh vực theo quy định của Luật Giám định tư pháp: Theo Khoản 1 Điều 14 Luật Giám định tư pháp quy định: "Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả.". Tuy nhiên, qua thực tiễn kết quả hoạt động tại địa phương, các vụ việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực này rất hạn chế về số lượng, chủ yếu phát sinh trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Mặt khác, các giám định viên tư pháp trên địa bàn tỉnh đa số là hoạt động kiêm nhiệm tại các sở, ngành, vì vậy chưa phát sinh nhu cầu thành lập Văn phòng giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
- Đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu giám định của đội ngũ người giám định tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp: Với những kết quả đạt được trong thời gian qua (có số liệu ở phần phụ lục kèm theo) và ngày càng nhận được sự quan tâm, đầu tư của các sở, ngành, trong thời gian tới đội ngũ người, tổ chức giám định tư pháp sẽ đáp ứng yêu cầu giám định tư pháp tại địa phương.
- Nguyên nhân của khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong phát triển đội ngũ và chất lượng người, tổ chức giám định tư pháp: Số lượng giám định viên pháp y về mổ tử thi còn hạn chế (hiện nay toàn tỉnh chỉ có 05 giám định viên pháp y về mổ tử thi) do việc tuyển dụng rất khó khăn. Bác sĩ làm công tác giám định pháp y chịu nhiều áp lực từ gia đình, xã hội, trong khi chế độ bồi dưỡng còn thấp. Ngoài ra, việc cử cán bộ đi đào tạo để tạo nguồn bổ nhiệm giám định viên trong vực pháp y, pháp y tâm thần chưa được thực hiện thường xuyên. Giám định viên tại các sở, ngành đều là kiêm nhiệm, phải tập trung cho công tác chuyên môn nên còn hạn chế về kỹ năng và kiến thức pháp luật. Trang thiết bị phục vụ cho công tác giám định tại các sở, ngành còn hạn chế. Trong lĩnh vực giao thông, vận tải các giám định viên phải tự trang bị phương tiện hoạt động.
3. Về hoạt động giám định tư pháp
a) Về tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp
- Đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp tại địa phương: Từ năm 2013 đến tháng 8 năm 2018, các cơ quan đã tiếp nhận và thực hiện tổng cộng 14.362 vụ giám định trong đó có 7.389 vụ giám định kỹ thuật hình sự và 6.915 vụ giám định pháp y, pháp y tâm thần.
Các vụ giám định đều được tiếp nhận và thực hiện giám định trong thời gian nhanh nhất, kết quả trả lời trong thời hạn của quyết định trưng cầu, một số ít vụ còn chậm do thời điểm số lượng vụ việc gửi giám định nhiều, một số thiết bị phương tiện được trang cấp đã lâu, hoặc bị hư hỏng không có thiết bị thay thế dẫn đến một số vụ phải kéo dài thời gian giám định.
- Khó khăn, vướng mắc:
+ Trường hợp người trưng cầu giám định đề nghị giám định những nội dung không phù hợp với tình tiết vụ án dẫn đến kết luận giám định chưa chính xác hoặc nội dung trưng cầu không rõ ràng. Ngược lại, một số giám định viên do chưa trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật cần thiết gắn với yêu cầu giám định nên một số trường hợp chưa nắm rõ mục đích, yêu cầu giám định, dẫn đến kết quả giám định chưa đáp ứng yêu cầu trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, ví dụ: kết luận giám định chỉ thể hiện về tỉ lệ thương tật mà chưa ghi rõ cơ chế hình thành thương tích dẫn đến việc giải quyết một số vụ án còn khó khăn.
+ Giám định viên tư pháp không được thông tin về việc xử lý kết quả giám định tư pháp từ cơ quan trưng cầu giám định nên dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá kết quả, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác giám định tư pháp.
- Tình hình nhận tạm ứng, thanh toán chi phí giám định, tiền bồi dưỡng giám định tư pháp do cơ quan, người trưng cầu, yêu cầu giám định chi trả:
+ Được thực hiện theo quy định của pháp luật, tuy nhiên một số trường hợp còn thanh toán chậm, mức chi trả còn thấp, chưa phù hợp với thời gian, công sức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc.
+ Tại phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh, kinh phí bồi dưỡng giám định phân bổ hàng năm còn hạn chế, không đủ quyết toán trong năm, thông thường chỉ đáp ứng được 03 quý/năm. Số vụ việc giám định tư pháp lĩnh vực kỹ thuật hình sự ngày càng nhiều, năm sau thường cao hơn so với năm trước; trong thực tế, trong một thời điểm, một giám định viên thực hiện nhiều vụ việc giám định, trong khi đó chế độ thanh quyết toán theo ngày công (22 ngày/tháng), nên chỉ thanh toán được một phần số vụ trưng cầu.
+ Tại Trung tâm Pháp y tỉnh: Tương tự tình hình chung của các địa phương trong cả nước, do kinh phí cấp cho công tác giám định pháp y còn hạn chế dẫn đến tình trạng cơ quan công an hạn chế trưng cầu Trung tâm Pháp y thực hiện giám định pháp y tử thi, mỗi năm Trung tâm chỉ thực hiện khoảng 10 đến 12 ca. Thu phí giám định và phí bồi dưỡng giám định viên giữa Trung tâm và cơ quan công an còn vướng mắc, cơ quan công an chỉ chi trả cho 01 giám định viên và 01 người giúp việc trên 01 ca giám định tử thi (kể cả các trường hợp cần nhiều người thực hiện hơn).
b) Về trưng cầu, yêu cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, kiểm sát, tòa án
Việc trưng cầu, yêu cầu giám định được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Chất lượng của kết luận giám định đảm bảo tính chính xác, khách quan, nhanh chóng và kịp thời. Đa số các kết luận giám định đều được sử dụng, là nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử cũng như giải quyết các vụ tranh chấp dân sự, hành chính, kinh tế; trong đó có vụ kết luận giám định là chứng cứ duy nhất để xác định đối tượng gây án.
4. Công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp của các sở, ngành và trách nhiệm của các cơ quan tố tụng với công tác giám định tư pháp
- Vai trò quản lý nhà nước của cơ quan đầu mối là Sở Tư pháp và sở, ngành chuyên môn:
+ Sở Tư pháp đã thực tốt chức năng tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về công tác giám định tư pháp tại địa phương, cụ thể:
Công khai và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực giám định tư pháp thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: thành lập Văn phòng giám định tư pháp; Đăng ký hoạt động Văn phòng giám định tư pháp...đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ thực hiện thủ tục. Thẩm định hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp của các sở, ngành một cách nhanh chóng, kịp thời, hỗ trợ cung cấp các căn cứ pháp lý tạo thuận lợi nhất để công tác bổ nhiệm giám định viên tư pháp được nhanh chóng, đúng quy định
Việc tham mưu các văn bản triển khai thực hiện Luật Giám định tư pháp và các văn bản hướng dẫn thi hành được kịp thời, đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Hằng năm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát, lập và công bố danh sách người, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đúng quy định. Định kỳ báo cáo Bộ Tư pháp về tình hình tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương theo quy định. Đồng thời, nhằm tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện hoạt động giám định tư pháp tại địa phương, Sở Tư pháp đã tổ chức Hội thảo trao đổi, rút kinh nghiệm trong hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh.
+ Các sở, ngành: Hầu hết lãnh đạo các sở, ngành và đặc biệt là các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương đều rất quan tâm và xem trọng công tác giám định, mối quan hệ tốt giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương.
- Về sự phối hợp trong quản lý nhà nước về giám định tư pháp: Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động giám định tư pháp, Sở Tư pháp – cơ quan đầu mối và các sở, ngành chuyên môn đã có sự phối hợp nhịp nhàng và chặt chẽ qua các công tác tuyên truyền, lựa chọn người, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, bổ nhiệm giám định viên tư pháp, thực hiên chức năng giám định tư pháp khi có trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng...
- Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị được Sở Tư pháp quan tâm, chú trọng và giải quyết kịp thời theo đúng quy định của pháp luật.
- Về chế độ thông tin, báo cáo: Sở Tư pháp thường xuyên đăng Danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành đa số thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh về công tác tổ chức và hoạt động giám định tư pháp.
III. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ:
1. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp:
- Tại Điều 10 Luật Giám định tư pháp quy định các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp, tuy nhiên không quy định trường hợp miễn nhiệm do chuyển công tác đến đơn vị khác và không còn thực hiện hoạt động giám định, dẫn đến số lượng giám định viên tư pháp theo thống kê hằng năm không phản ánh đúng số lượng giám định viên đang hoạt động thực tế tại địa phương;
- Về quy định bổ nhiệm lại giám định viên tư pháp: Pháp luật chưa quy định việc bổ nhiệm lại hoặc cấp lại quyết định bổ nhiệm trong trường hợp quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp bị rách, bị mất hoặc bị thất lạc.
2. Kiến nghị, đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp phù hợp với tình hình thực tế: Xây dựng cơ chế ưu đãi riêng đối với các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (ngoài việc miễn thuế của Trung ương thì có thể ưu đãi thêm các vấn đề khác như miễn thuế đất đai, tạo điều kiện vay tiền mua trang thiết bị...), mở rộng lĩnh vực thường phát sinh nhu cầu giám định tư pháp như giám định tài liệu, giám định chữ ký.