Đấu giá tài sản (sau đây gọi chung là đấu giá) là một trong những hình thức mua bán đặc biệt (công khai, đề nghị đại chúng, lựa chọn người mua và tuân theo những trình tự riêng biệt). Trên thế giới, đấu giá có lịch sử lâu đời (hình thành từ thời kỳ văn minh Hy Lạp cổ đại – khoảng 500 năm trước công nguyên) [1] và trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh các phương thức mua bán thông thường, mua bán tài sản thông qua đấu giá ngày càng phổ biến. Có nhiều mục đích được đặt ra khi các bên lựa chọn phương thức mua bán này, nhưng mục đích thường được hướng tới là nhằm đưa tài sản tiếp cận với đại chúng người mua, qua đó phát huy cao nhất giá trị hàng hóa của tài sản hoặc đáp ứng cao nhất mục đích khác mà người bán tài sản đấu giá mong muốn đạt được.
Ở Việt Nam, mua bán tài sản thông qua đấu giá là phương thức mua bán không mới,[2] nhưng chưa thực sự phổ biến như là một giao dịch thường xuyên trên thị trường. Trong những năm gần đây, cùng với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, đấu giá đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về đối tượng, chủ thể, loại hình và phương thức thực hiện[3]. Đồng thời các thiết chế về đấu giá cũng từng bước được củng cố và phát triển. Bên cạnh các Trung tâm dịch vụ bán đấu giá của Nhà nước, đã có nhiều doanh nghiệp bán đấu giá được thành lập theo chủ trương xã hội hóa về hoạt động đấu giá[4] và các hội đồng bán đấu giá tài sản, tổ chức phát triển quỹ đất, tổ chức tín dụng có thể tự tổ chức bán đấu giá tài sản theo chức năng…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, pháp luật về đấu giá của Việt Nam từng bước được xây dựng và dần hoàn thiện. Đấu giá đã được quy định trong nhiều văn bản luật và dưới luật. [5] Trong đó, Bộ luật dân sự năm 2005, Luật thương mại năm 2005, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản (thay thế Nghị định số 05/2005/NĐ-CP) là những cơ sở pháp lý quan trọng nhất về hoạt động đấu giá. Những văn bản pháp luật này và những văn bản pháp luật khác có liên quan đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của đấu giá trong giao lưu dân sự ở Việt Nam; từng bước củng cố và phát triển các thiết chế về đấu giá; thống nhất pháp luật về trình tự, thủ tục bán đấu giá; đáp ứng phần lớn nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực này. Qua đó, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong đấu giá được tôn trọng và bảo vệ; giá trị hàng hóa của tài sản được phát huy; tài sản của các cá nhân, tổ chức và Nhà nước được bảo vệ; hạn chế vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá; tạo môi trường giao dịch cạnh tranh, lành mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, thực tiễn thi hành pháp luật và thực tiễn giao lưu dân sự cho thấy, pháp luật hiện hành về đấu giá đã phát sinh nhiều hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung kịp thời. Trong tham luận này, chúng tôi xin đề cập một phần về vấn đề này. [6]
I. Về tính hệ thống của pháp luật về đấu giá
Như đã phân tích ở trên, Việt Nam đã có nhiều quy định về đấu giá trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ở những cấp độ khác nhau,[7] trải rộng từ các quy định mang tính nguyên tắc đến các quy định điều chỉnh các thiết chế và lĩnh vực đấu giá cụ thể. Tuy nhiên, xét về tổng thể về hiệu lực pháp lý, sự đồng bộ, thống nhất thì chúng còn nhiều bất cập, hạn chế của một hệ thống pháp luật, như:
- Thứ nhất, ngoại trừ các quy định mang tính nguyên tắc về giao dịch đấu giá được quy định trong Bộ luật dân sự, Luật thương mại, còn hầu hết các quy định về tổ chức và hoạt động đấu giá, đấu giá trong các lĩnh vực chuyên ngành được quy định trong văn bản dưới luật. Trong đó có cả những nội dung pháp lý mà theo yêu cầu của nhà nước pháp quyền và yêu cầu về bảo đảm tính khả thi trong áp dụng, thi hành pháp luật phải là các quy định của văn bản luật nhưng lại được quy định ở văn bản dưới luật (Nghị định, thông tư), ví dụ: nguyên tắc bán đấu giá; chế định về đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá; quyền và nghĩa vụ của các bên trong đấu giá (người bán tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người được mua tài sản đấu giá, người bán đấu giá)…;
- Thứ hai, quy định về đấu giá trong các lĩnh vực chuyên ngành tương đối đa dạng, bao gồm quy định về đấu giá hàng hóa; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu giá chứng khoán; đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet; đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; đấu giá quyền sở hữu trí tuệ… Tuy nhiên, sự manh mún, trồng chéo, không đồng bộ và trùng lắp thể hiện rất rõ ở các quy định này. ví dụ: các quy định chung về đấu giá được lặp lại ở hầu hết các văn bản có quy định về đấu giá chuyên ngành, trong khi quy định riêng, đặc thù của đấu giá chuyên ngành: bán gì, ai bán, bán cho ai, ra giá và trả giá… thì lại không được quy định rõ ràng ở nhiều trường hợp;
- Thứ ba, điều chỉnh của pháp luật về đấu giá vẫn còn ít nhiều mang dấu ấn của nền kinh tế tập trung chưa thực sự phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, đặc biệt trong việc hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển hoạt động đấu giá như là phương thức mua bán tài sản thông thường trong giao lưu dân sự, ví dụ: Nghị định số 17/2010/NĐ-CP khi quy định về phạm vi điều chỉnh về tài sản bán đấu giá vẫn chủ yếu hướng tới tài sản của Nhà nước hoặc tài sản bị đấu giá bắt buộc (không phụ thuộc vào ý chí của chủ sở hữu) mà chưa thực sự hướng tới đối tượng của đấu giá là những tài sản thông thường của giao lưu dân sự.
Đề xuất:
Xây dựng Luật đấu giá và các văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá thống nhất, đồng bộ. Trong đó, cần chú trọng rà soát các quy định hiện hành, loại bỏ những quy định lạc hậu, cứng nhắc, không đồng bộ, thống nhất và minh bạch; kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp với thực tiễn; bổ sung các quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh trong thực tiễn chưa được pháp luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh không cụ thể.
II. Một số vấn đề pháp lý cần được cân nhắc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc pháp điển hóa trong xây dựng Luật đấu giá
1. Về tài sản bán đấu giá
Điều 456 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định “tài sản có thể được đem bán đấu giá theo ý muốn của chủ sở hữu hoặc pháp luật có quy định”. Quy định này đã xác định tài sản bán đấu giá như là một tài sản thông thường trong giao lưu dân sự, nó chỉ bị hạn chế khi bị cấm giao dịch hoặc phải tuân thủ những quy chế đặc biệt. Tài sản bán đấu giá có thể là vật, giấy tờ có giá hoặc quyền tài sản; tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai; tài sản gốc và hoa lợi, lợi tức; tài sản đơn chiếc, hoặc tài sản được cấu thành bởi một tổ hợp các vật, các bộ phận khác nhau (vật chính, vật phụ hoặc vật đồng bộ); tài sản tự do lưu thông hoặc tài sản bị hạn chế lưu thông (tài sản chịu những quy chế đặc biệt trong lưu thông, như: quyền sử dụng đất, cổ vật, tần số vô tuyến)…
Hướng dẫn quy định của Bộ luật dân sự về tài sản đấu giá, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã liệt kê những tài sản bán đấu giá bao gồm: động sản, bất động sản, giấy tờ có giá và các quyền tài sản được phép giao dịch theo quy định của pháp luật (khoản 4 Điều 2). Quy định này của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP có thể coi là “bước lùi” so với quy định tại Điều 456 Bộ luật dân sự và quy định về hàng hóa trong Luật thương mại (khoản 2 Điều 3). Nó vừa không thể hiện đầy đủ nội hàm của tài sản và tài sản bán đấu giá trong Bộ luật dân sự, vừa không cụ thể, khó thi hành trong thực tiễn. Đặc biệt, trong đấu giá tài sản có đặc thù về tính chất tài sản và pháp lý, như:
- Tài sản đấu giá là tài sản được hình thành trong tương lai: đây là tài sản mà tại thời điểm đấu giá có thể thuộc một trong hai trường hợp: (1) chưa được tạo lập hoặc đang trong quá trình tạo lập, sau thời điểm đấu giá, tài sản đó mới được hình thành và thuộc sở hữu của bên bán, ví dụ: bán đấu giá một phương tiện vận tải thủy chưa đóng…; (2) tài sản đã tồn tại trên thực tế nhưng sau thời điểm đấu giá, tài sản mới thuộc sở hữu của bên bán. Với tính chất đặc thù như vậy, cần có một quy chế pháp lý riêng trong đấu giá để bảo đảm cho tài sản được hình thành trong tương lai trở thành đối tượng đấu giá, hạn chế rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên.
Về nguyên tắc, Bộ luật dân sự và Luật thương mại quy định tài sản được hình thành trong tương lai có thể là đối tượng của giao dịch. Pháp luật hiện hành về đấu giá cũng không cấm đưa tài sản được hình thành trong tương lai vào đấu giá. Nhưng quy định của pháp luật mới chỉ phù hợp cho đấu giá tài sản hiện có (tài sản đã được tạo lập trên thực tế và đã xác định được chủ sở hữu tại thời điểm đấu giá) còn đấu giá tài sản được hình thành trong tương lai chưa được quy định cụ thể.
Do quy định không cụ thể, loại tài sản này khó trở thành đối tượng đấu giá hoặc có quá nhiều rủi ro pháp lý, cũng như bất cập trong xác định tài sản bán; người bán tài sản; bên tham gia đấu giá; hợp đồng đấu giá và xác lập quyền đối với tài sản đấu giá… Ví dụ: chưa có giải pháp lý phù hợp cho việc công khai tài sản được hình thành trong tương lai khi đem ra đấu giá; quyền lợi của bên được mua tài sản đấu giá và trách nhiệm của bên bán tài sản đấu giá chưa có quy định cụ thể trong trường hợp tài sản bán đấu giá chưa được hình thành hoặc mới hình thành một phần trên thực tế…
- Tài sản đấu giá là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia: Luật di sản văn hóa quy định “việc mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia được thực hiện theo giá thỏa thuận hoặc tổ chức đấu giá. Nhà nước được ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia” (khoản 2 Điều 43). Đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là một lĩnh vực đấu giá chuyên ngành đòi hỏi năng lực về đấu giá rất cao của người bán tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức đấu giá, đấu giá viên và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa hình thành một quy chế pháp lý đặc thù để phù hợp với yêu cầu cao về năng lực đấu giá như vậy, cũng như trong bảo đảm đấu giá di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thực sự là một sân chơi công khai, lành mạnh, một kênh truyền bá văn hóa và di sản của Việt Nam. Có nhiều vấn đề đặt ra cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật, ví dụ: điều kiện bảo đảm vật đem gia đấu giá là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia? quyền ưu tiên mua di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia của nhà nước có được áp dụng trong đấu giá không? nếu có nó phá vỡ các nguyên tắc của đấu giá không và được thể hiện trên phương diện nào? quyền của cá nhân, tổ chức là người nước ngoài trong tham gia đấu giá cổ vật như thế nào?…
- Tài sản đấu giá là quyền tài sản: quyền tài sản là đối tượng của đấu giá khi nó có thể trị giá được bằng tiền và được phép tham giao dịch. Nó có thể là quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền hợp đồng, quyền sở hữu trí tuệ, quyền đối với phần vốn góp trong công ty, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet,…
Pháp luật hiện hành quy định tương đối cụ thể về đấu giá một số loại quyền tài sản, như; quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên, quyền đối với phần vốn góp trong công ty, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet. Tuy nhiên, pháp luật vẫn chưa có quy định mang tính nguyên tắc về đấu giá có đối tượng là quyền tài sản; không có quy định hoặc quy định của pháp luật chưa bao quát hết các quyền tài sản có thể tham gia đấu giá. Ví dụ: chưa có giải pháp pháp lý phù hợp cho việc công khai quyền tài sản được đem ra đấu giá; đấu giá quyền sở hữu trí tuệ mới được quy định cụ thể trong pháp luật thi hành án dân sự, nhưng lại thiếu quy định về đấu giá quyền sở hữu trí tuệ theo ý chí của chủ sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ[8]; theo Bộ luật dân sự, các chủ thể hợp đồng có thể chuyển giao quyền yêu cầu, nghĩa vụ theo hợp đồng cho chủ thể khác (Điều 309 – Điều 317). Việc chuyển giao quyền có thể được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có phương thức đấu giá. Sẽ có nhiều vấn đề pháp lý đặc thù phát sinh từ đấu giá quyền hợp đồng cần được pháp luật quy định cụ thể. Ví dụ: đấu giá quyền hợp đồng mà bên có nghĩa vụ trong hợp đồng đang cầm cố, thế chấp tài sản hoặc được người thứ ba bảo lãnh để bảo đảm nghĩa vụ của mình…
- Tài sản đấu giá có hoa lợi, lợi tức gắn liền:[9] việc đấu giá loại tài sản này có thể ở ba trường hợp: (1) bán đấu giá tài sản gốc không bao gồm hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản; (2) bán đấu giá tài sản gốc bao gồm cả hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản; (3) bán đấu giá hoa lợi, lợi tức, không bao gồm tài sản gốc. Pháp luật hiện hành chưa có sự bảo đảm về pháp lý, trong đấu giá có thể thực hiện được cả ba mục đích trên của người có tài sản bán đấu giá không? Nếu có, bán theo phương thức nào? Quyền của người bán tài sản đấu giá và người được mua tài sản bán đấu giá…;
- Tài sản đấu giá là vật đồng bộ hoặc vật bao gồm vật chính và vật phụ: đây là tài sản được cấu thành bởi một tổ hợp các vật, bộ phận khác nhau, khi tham gia đấu giá có thể bán đấu giá đối với từng vật, bộ phận cấu thành hoặc đối với cả tổ hợp vật dẫn tới sự khác biệt về phương thức đấu giá và xác lập quyền đối với tài sản bán. Pháp luật về đấu giá hiện hành chưa có quy định cụ thể về đấu giá loại tài sản này, trừ trường hợp đấu giá tài sản có tài sản gắn liền;
- Tài sản đáu giá là vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật do người khác đánh rơi, bỏ quên, gia súc bị thất lạc: theo Bộ luật dân sự, người phát hiện, người nhặt được những tài sản này sẽ được xác lập sở hữu đối với một phần giá trị của tài sản đó, phần còn lại thuộc sở hữu nhà nước.[10] Như vậy, có thể cần phải đấu giá những tài sản này để xác định giá trị của tài sản, trên cơ sở đó xác định phần quyền của người phát hiện, người nhặt được vật và phần quyền của nhà nước. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó thực hiện được việc đấu giá vì chưa có quy định cụ thể của pháp luật, ví dụ: ai là người bán tài sản, người phát hiện, nhặt được vật hay là nhà nước?.
Đề xuất:
1. Không quy định định nghĩa tài sản đấu giá trong Luật đấu giá mà chỉ quy định nguyên tắc không bán đấu giá đối với tài sản cấm lưu thông tại thời điểm đấu giá và nguyên tắc bán đấu giá đối với tài sản bị hạn chế đấu giá (tài sản được bán đấu giá khi đã có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, như: quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền sử dụng kho số viễn thông, tài nguyên Internet, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia…);[11]
2. Luật đấu giá cần quy định nguyên tắc đấu giá mà đối tượng có đặc thù về tính chất tài sản và pháp lý. Những quy định cụ thể có thể được quy định ở các văn bản pháp luật chuyên ngành;
3. Luật đấu giá cần quy định mang tính nguyên tắc về các trường hợp đấu giá tài sản tự nguyện (theo ý chí của người có tài sản bán đấu giá) và đấu giá tài sản bắt buộc (theo quy định của pháp luật không phụ thuộc vào ý chí của người có tài sản để bán).
2. Về phương thức đấu giá và hình thức đấu giá
* Về phương thức đấu giá:
Theo Bộ luật dân sự, Nghị định số 17/2010/NĐ-CP phương thức trả giá lên và người trả giá cao nhất, cao hơn hoặc ngang bằng với giá khởi điểm là người được mua tài sản đấu giá là phương thức duy nhất được quy định về mặt pháp lý.[12]
Trong đấu giá hàng hóa, Luật thương mại năm 2005 đã có quy định phù hợp với thực tiễn hơn, khi ngoài việc ghi nhận phương thức trả giá lên cũng đã ghi nhận phương thức đặt giá xuống, theo đó người đầu tiên chấp nhận ngay mức giá khởi điểm hoặc mức giá được hạ thấp hơn mức giá khởi điểm là người được mua tài sản đấu giá (điểm b, khoản 2 Điều 185).[13] Tuy nhiên, việc thừa nhận phương thức đặt giá xuống của Luật thương mại mới như là một nét “chấm phá” đối với sự đơn điệu trong phương thức đấu giá hiện nay. Bản thân quy phạm định nghĩa về đấu giá hàng hóa được quy định trong Luật này vẫn đặt nặng việc đấu giá theo phương thức trả giá lên “đấu giá hàng hóa là hoạt động thương mại, theo đó người bán hàng tự mình hoặc thuê người tổ chức đấu giá thực hiện việc bán hàng công khai để chọn người mua trả giá cao nhất” (khoản 1 Điều 185).
Trong lĩnh vực đấu giá quyền khai thác khoáng sản, Nghị định số 22/2012/NĐ-CP cũng đã ghi nhận phương thức trả giá lên dưới hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp từng vòng đấu giá, liên tục không gián đoạn trong suốt phiên đấu giá bỏ. Phương thức này có hình thức tương đối gần với phương thức đấu giá niêm phong được áp dụng trên thế giới, nhưng chưa thực sự ghi nhận đầy đủ tính chất pháp lý của nó: người tham gia mua tài sản đấu giá cùng nộp giá chào một lúc, có thể công khai về việc trả giá nhưng mức giá chào được giữ kín, không công khai. Thông thường người trả giá mua cao nhất là người được mua tài sản đấu giá, nhưng cũng có thể người được mua tài sản đấu giá là người trả giá thấp nhất.
Ngoài ra, pháp luật Việt Nam chưa quy định cụ thể về một số phương thức đấu giá đặc thù, như:
- Phương thức đấu giá ngược: Đấu giá ngược là một loại hình đấu giá đặc biệt, theo đó người trả trả giá thấp nhất và duy nhất[14] sau khi kết thúc mỗi phiên đấu sẽ trở trở thành người được mua tài sản bán đấu giá. Ở phương thức này nếu bên bán đưa ra giá khởi điểm thì giá khởi điểm là mức giá lớn nhất (ngược với phương thức trả giá lên – phương thức đấu giá xuôi).
Do đặc thù của phương thức trả giá và giá tài sản bán không chỉ tính trên giá bán mà còn được tính trên việc phụ thu giá trị (ví dụ, mức phí mà người tham gia phải trả trong mỗi lần ra giá), nên nó thường được thực hiện thông qua công cụ trực tuyến hoặc điện tử. Dưới góc độ giao dịch, phương thức mua bán này có thể xác định là một loại hình thương mại điện tử được điều chỉnh theo quy định của pháp luật thương mại điện tử (Luật giao dịch điện tử năm 2005, Nghị định số 57/2006/NĐ-CP về thương mại điện tử…). Nhưng đặt dưới góc độ một giao dịch đặc thù, thì pháp luật hiện hành gần như còn bỏ ngỏ trong việc tạo hành lang pháp lý cho phương thức đấu giá trái với phương thức đấu giá truyền thống này;
- Phương thức đấu giá tổ hợp: như đã phân tích ở nội dung tài sản bán đấu giá, tài sản bán đấu giá có thể là vật đơn chiếc, nhưng cũng có thể là vật được cấu thành bởi nhiều vật hoặc bộ phận khác nhau (vật đồng bộ hoặc vật bao gồm vật chính, vật phụ). Về nguyên tắc, bên có tài sản đấu giá và bên tổ chức đấu giá có thể bán từng vật hoặc bộ phận cấu thành tài sản đấu giá và cùng một tài sản đấu giá có thể có nhiều người được mua tài sản đấu giá đối với từng bộ phận cấu thành tài sản đấu giá.[15]
Dưới góc độ bên bán, việc tài sản này có thể không có tác động lớn đến mục đích và lợi ích của họ, nhưng họ sẽ khó khăn trong việc bán tài sản vì tính phức tạp trong bán các vật, bộ phận cấu thành. Đối với bên mua, nếu không có một phương thức đấu giá đặc thù phù hợp, người mua rất có thể chỉ có thể mua được một hoặc một số bộ phận của vật mà không mua được vật với đầy đủ các bộ phận. Ở bối cảnh như vậy, phương thức đấu giá tổ hợp được hình thành và được áp dụng để giải quyết vấn đề này, theo đó bên có tài sản đấu giá bán tất cả các vật, bộ phận cấu thành tài sản đấu giá trên đồng thời cùng một cuộc đấu giá và người tham gia đấu giá đăng ký tham gia và ra giá cho tất cả các vật, bộ phận cấu thành tài sản đấu giá. Người được mua tài sản trong đấu giá tổ hợp sẽ được mua toàn bộ các vật, bộ phận cấu thành tài sản đấu giá, ngược lại người không được mua tài sản trong đấu giá tổ hợp sẽ không phải mua vật, bộ phận của tài sản đấu giá cho dù họ là người trả giá cao nhất đối với vật, bộ phận đó.
- Ngoài ra, ở một số nước, đấu giá về quyền tác giả, sở hữu công nghiệp và các quyền sở hữu trí tuệ khác còn có thể áp dụng theo phương thức đấu giá đặc thù là đấu giá nhượng quyền. Phương thức đấu giá này được thực hiện mà không quy định hạn chấm dứt. Trước thời điểm tổ chức bán đấu giá, người bán đấu giá đưa ra giá cao nhất của tài sản làm giá khởi điểm, khi có người tham gia đấu giá trả giá và người bán thấy mức giá đó là hợp lý thì có thể xem xét kết thúc cuộc đấu giá bất cứ lúc nào. Người được mua tài sản đấu giá là người trả giá bằng hoặc cao hơn giá mà người bán đấu giá đã chọn và cho là hợp lý.
Đề xuất:
Các phương thức đấu giá rất đa dạng, mỗi phương thức đều có những ưu điểm và hạn chế riêng[16]. Do đó, Luật đấu giá cần đa dạng hóa các phương thức đấu giá và tạo hành lang pháp lý cần thiết để các bên trong quan hệ đấu giá tùy thuộc vào tài sản đấu giá, mục đích và điều kiện tổ chức đấu giá mà đấu giá tài sản theo phương thức có lợi nhất cho mình.
Ví dụ: việc đấu giá tài sản được cấu thành bởi tổ hợp các vật, bộ phận khác nhau nếu áp dụng phương thức đấu giá hiện hành có thể không hiệu quả bằng việc áp dụng phương thức đấu giá tổ hợp; hoặc đối với đấu giá quyền khai thác khoáng sản, do tính đặc thù của tài sản đấu giá và chủ thể có quyền tham gia đấu giá, bên cạnh phương thức trả giá lên và công khai về giá được trả thì việc áp dụng phương thức đấu giá niêm phong cũng rất có lợi, phù hợp với số lượng người tham gia đấu giá không nhiều, đồng thời hạn chế được việc cạnh tranh không lành mạnh hoặc hạn chế sự thông đồng, thao túng về giá từ phía những người tham gia mua đấu giá.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành mới chỉ quy định mức giá khởi điểm cho việc thực hiện phương thức trả giá lên. Do đó, Luật đấu giá cũng cần phải quy định về giá khởi điểm cho phù hợp với sự đa dạng của các phương thức đấu giá, như giá khởi điểm cho các phương thức đặt giá xuống, đấu giá ngược, đấu giá nhượng quyền hoặc đấu giá tổ hợp. Ngoài ra cũng cần cân nhắc có hay không có các trường hợp đấu giá không có giá khởi điểm.
* Về hình thức đấu giá:
Theo Điều 33 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, tổ chức bán đấu giá tài sản có thể lựa chọn một trong các hình thức đấu giá sau đây để tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản: (1) đấu giá trực tiếp bằng lời nói; (2) đấu giá bằng bỏ phiếu; (3) các hình thức khác do người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận.
Như vậy, về nguyên tắc, ngoài hai hình thức đấu giá trực tiếp bằng lời nói, đấu giá bỏ phiếu thì người có tài sản bán và tổ chức bán đấu giá có quyền lựa chọn hình thức đấu giá khác, ví dụ: đấu giá qua internet hoặc hệ thống nhắn tin SMS, MMS được thực hiện tương đối phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành còn chưa có quy định cụ thể về hình thức đấu giá này, trong khi đây là hình thức đấu giá mang tính kỹ thuật rất cao và cũng có rất nhiều rủi ro pháp lý, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của người tham gia đấu giá.
Mặt khác, hình thức đấu giá bỏ phiếu cũng chưa quy định cụ thể khi nào thì việc bỏ phiếu “niêm phong” và khi nào thì không “niêm phong” vì nó có liên quan nhiều đến phương thức đấu giá được các bên lựa chọn.
Đề xuất:
Luật đấu giá cần quy định mang tính nguyên tắc về hình thức đấu giá qua internet hoặc hệ thống nhắn tin SMS, MMS, cũng như các hình thức đấu giá khác được người có tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản thỏa thuận. Ngoài ra cũng cần quy định cụ thể hơn về hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu.
3. Về người có tài sản bán đấu giá
Theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, người có tài sản bán đấu giá là chủ sở hữu tài sản, người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản, người có trách nhiệm chuyển giao tài sản để bán đấu giá hoặc cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về bán đấu giá chưa quy định cụ thể về thủ tục, quyền, nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật, trong trường hợp cha mẹ, người giám hộ bán tài sản của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự bán tài sản của mình; đại diện pháp nhân trong bán tài sản của pháp nhân; đại diện của các đồng sở hữu chủ trong bán tài sản chung.
Mặt khác, theo quy định hiện hành, người có tài sản bán đấu giá chỉ được mua lại tài sản đã bán đấu giá nếu người mua được tài sản bán đấu giá đồng ý. Quy định này là hợp lý nếu tài sản bán thuộc về một chủ sở hữu. Trong trường hợp tài sản bán thuộc sở hữu chung và một sở hữu chung không mua lại phần quyền của mình nhưng lại muốn mua lại phần quyền của các sở hữu chung khác thì có được chấp nhận hay không? Trong khi theo Bộ luật dân sự, trong trường hợp một sở hữu chung bán phần quyền của mình thì chủ sở hữu chung khác được quyền ưu tiên mua (khoản 2 Điều 223).
Đề xuất:
Luật đấu giá cần quy định cụ thể thủ tục, quyền, nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu mà không thuộc diện được chủ sở hữu ủy quyền và quyền mua lại của chủ sở hữu chung trong trường hợp tài sản bán đấu giá thuộc sở hữu của nhiều chủ sở hữu.
4. Người tham gia đấu giá
Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định người tham gia đấu giá tài sản là cá nhân, đại diện tổ chức có đủ điều kiện tham gia đấu giá để mua tài sản bán đấu giá theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Về người không được tham gia đấu giá, Nghị định này quy định: (1) Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người tại thời điểm đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; (2) Người làm việc trong tổ chức bán đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó; (3) Người được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản; người ra quyết định tịch thu tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; người có thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước; người ký hợp đồng thuê tổ chức bán đấu giá tài sản để bán đấu giá tài sản nhà nước; cá nhân, tổ chức có quyền bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật.
Các quy định trên có bất cập sau đây:
- Thứ nhất, không thể xác định đại diện tổ chức là người tham gia đấu giá, người tham gia đấu giá trong trường hợp này phải là tổ chức và tổ chức thực hiện việc tham gia đấu giá thông qua người đại diện của mình. Người đại diện của tổ chức khi tham gia đấu giá phải nhân danh tổ chức và tổ chức phải chịu trách nhiệm dân sự về hành vi tham gia đấu giá của người đại diện của mình;
- Thứ hai, pháp luật chưa quy định cụ thể về việc tổ chức tham gia đấu giá hoặc nhiều người tham gia đấu giá chung với tư cách là một bên tham gia đấu giá, trường hợp nào họ không được tham gia đấu giá và vấn đề đại diện trong tham gia đấu giá như thế nào?
Đề xuất:
Luật đấu giá cần quy định người tham gia đấu giá bao gồm: cá nhân, tổ chức, nhiều người cùng tham gia đấu giá chung với tư cách một bên tham gia đấu giá. Đồng thời cũng cần quy định rõ nguyên tắc và điều kiện tổ chức tham gia đấu giá thông qua người đại diện của tổ chức, của nhiều người cùng tham gia đấu giá chung với tư cách một bên tham gia đấu giá.
[1] Nghề đấu giá được hình thành ở một số nước Châu Âu, như Hà Lan… từ thế kỷ XV và thực sự phát triển từ thế kỷ XVII ở nhiều nước Châu Âu;
[2] Mua bán thông qua phương thức đấu giá đã được quy định trong các pháp luật thời kỳ Pháp thuộc trước năm 1945 và ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975, sau thời điểm này, đấu giá tài sản mới từng bước được quy định lại gắn liền với quá trình hình thành và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam;
[3] Trong những năm gần đây, bên cạnh đấu giá tài sản để cưỡng chế thực hiện nghĩa vụ, tài sản bị tịch thu do vi phạm hành chính, cũng đã xuất hiện việc đấu giá với các loại tài sản đặc thù như: đấu giá quyền sử dụng đất; đấu giá cổ phiếu, đấu giá di vật, cổ vật; đấu giá tần số vô tuyến;… Đồng thời, hình thức đấu giá đa dạng hơn, ngoài hình thức đấu giá truyền thống đã xuất hiện thêm đấu giá qua Internet, điện thoại, truyền hình….;
[4] Theo thống kê của Bộ Tư pháp: tháng 10/2010 đã có 65 doanh nghiệp về bán đấu giá tài sản được thành lập và hoạt động;
[5] Bộ luật dân sự năm 2005; Luật thương mại năm 2005; Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước năm 2008; Luật kinh doanh bất động sản năm 2006; Luật chứng khoán; Luật khoáng sản; Luật phá sản; Luật Thi hành án hành án dân sự 2008; Luật di sản văn hóa; Luật viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 được sửa đổi bổ sung năm 2008, Luật xử phạt vi phạm hành chính năm 2012…; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 về thi hành Luật đất đai; Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2007 quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai; Nghị định số 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Nghị định số 17 và Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17; Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên đấu giá quyền sử dụng đất trong thi hành án; Nghị định số 46/2006/NĐ-CP ngày 16/5/2006 của Chính phủ về xử lý hàng hoá do người vận chuyển lưu giữ tại cảng biển Việt Nam; Nghị định số 83/2010/NĐ-CP ngày 23/7/2010 của Chính phủ về đăng ký giao dịch đảm bảo; Thông tư liên tịch số 38/2004/TTLT/BTNMT-BNV ngày 31/12/2004 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất; Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bán đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất..
[6] Tham luận này chưa đề cập đến những bất cập, hạn chế trong các quy định về đấu giá viên, tổ chức bán đấu giá và một số nội dung khác. Về đấu giá thương mại đề nghị tham khảo Luận án “Đấu giá hàng hóa theo pháp luật thương mại” của NCS Nguyễn Mạnh Cường.
[7] Xem chú thích (5)
[8] Trong thực tiễn, nhu cầu về đấu giá quyền sở hữu trí tuệ theo ý chí của chủ sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ rất cao khi: (1) sáp nhập, mua lại doanh nghiệp, cổ phần hoá doanh nghiệp; (2) chuyển nhượng hoặc mua tài sản trí tuệ; (3) Li-xăng tài sản trí tuệ; (4) để tiếp tục phát triển tài sản trí tuệ…
[9] Tài sản tự thân nó hoặc thông qua việc khai thác, sử dụng mà tài sản làm phát sinh các sản vật tự nhiên hoặc các khoản lợi;
8 Theo Điều 240, 241 Bộ luật dân sự: vật được phát hiện hoặc được tìm thấy mà có giá trị đến mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước…
[11] Giải pháp này cũng đã được quy định trong Luật đấu giá tài sản của Trung Quốc và ở nhiều nước trên thế giới.
[12] Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định: “bán đấu giá tài sản là hình thức bán tài sản công khai theo phương thức trả giá lên, có từ hai người trở lên tham gia đấu giá theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục được quy định tại Nghị định này. Phương thức trả giá lên là phương thức trả giá từ thấp lên cao cho đến khi có người trả giá cao nhất”. Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản quy định: “Đấu giá quyền khai thác khoáng sản là hình thức bán quyền khai thác khoáng sản công khai theo phương thức trả giá tăng cao theo nguyên tắc và trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định này”. Bộ luật dân sự năm 2005 không có quy phạm định nghĩa về đấu giá tài sản, tuy nhiên qua quy định tại các điều 456, 457, 458 có thể hiểu đấu giá tài sản là hình thức mua bán công khai có ít nhất hai người tham gia và người trả giá cao nhất hoặc ngang bằng với giá khởi điểm là người mua tài sản.
[13] Phương thức đặt giá xuống hay còn gọi là phương đấu giá Hà lan thường được áp dụng đối với những tài sản do tính chất hóa, lý, sinh học cần thực hiện việc mua bán nhanh (ví dụ, đấu giá hoa ở Hà Lan, bán cá ở Anh…) hoặc tài sản đặc thù chu chuyển nhanh, cùng loại, có số lượng lớn trong giao dịch (ví dụ, đấu giá trong thị trường tín dụng, ngoại thương ở một số nước…).
[14] Trong trường hợp nhiều người cùng trả một mức giá thấp nhất, có thể áp dụng điều kiện bổ sung, ví dụ: người trả giá dự đoán số lượng người cùng có mức trả giá như mình, người nào dự đoán số lượng người đúng với thực tế nhất trở thành người được mua tài sản bán đấu giá.
[15] http://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BA%A5u_gi%C3%A1
[16] Ví dụ: (Phương thức trả giá lên): Ưu điểm: Bên mua được chủ động đề xướng giá đặt mua nên quan hệ mua bán mang tính tự nguyện rất cao. Còn bên bán thường được lợi vì giá bán thường cao hơn giá khởi điểm mà mình đưa ra. Hạn chế: Việc trả giá và mức giá là công khai nên, nên những người tham gia mua đấu giá có thể dùng các biện pháp kìm hãm, thông đồng hoặc trục lợi khác để dành quyền được mua tài sản đấu giá. Mặt khác, giá bán có thể cao hơn không đáng kể so với giá khởi điểm, việc đấu giá có thể kéo dài với nhiều bước giá; (Phương thức đặt giá xuống): Ưu điểm: thường diễn ra nhanh, thuận lợi cho việc bán tài sản cần bán nhanh hoặc tài sản cùng loại, có số lượng lớn hoặc tài sản do tính chất hóa, lý, sinh học dễ làm suy giảm giá trị hoặc tài sản bị hư hỏng. Hạn chế: đòi hỏi sự chuyên nghiệp và kinh nghiệm rất cao của tổ chức đấu giá và người điều hành phiên đấu giá, số người tham gia đấu giá và trả giá hạn chế…
NGUYỄN HỒNG HẢI – Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp