Ngày 28/02/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 19/2017/TT-BTC quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật (THPL) xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC). Thông tư số 19/2017/TT-BTC bao gồm 06 Điều.

Thông tư trên quy định về nguyên tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí (tại Điều 2); Về nội dung chi (tại Điều 3) bao gồm các hoạt động cụ thể được chi như: Chi công tác phí cho những người thực hiện công tác quản lý nhà nước về THPL về XLVPHC; Chi điều tra, khảo sát, kiểm tra tình hình THPL về XLVPHC; Chi hoạt động thống kê về XLVPHC theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về XLVPHC: soạn thảo, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; báo cáo theo dõi THPL về XLVPHC; Chi cho công tác hệ thống hóa, rà soát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong theo dõi THPL về XLVPHC; Chi cho công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về XLVPHC…); Mức chi (trong đó nổi bật là quy định chi hỗ trợ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, đánh giá các văn bản, tài liệu trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, ảnh hưởng đến nhiều đối tượng: Mức chi tối đa 500.000 đồng/hồ sơ). Ngoài ra, Thông tư số 19/2017/TT-BTC còn quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về THPL về XLVPHC.
Việc sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý nhà nước về THPL về XLVPHC được thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thông tư số 19/2017/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 15/4/2017, sự ra đời của Thông tư sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, địa phương trong quá trình lập dự toán, quyết toán cũng như đảm bảo điều kiện về kinh phí giúp công tác quản lý nhà nước về THPL XLVPHC phát huy được hiệu quả trong thời gian tới./.
Trâm Anh (Phòng XLVPHC&THPL-STP)