I. Khái niệm về tham nhũng và các hành vi tham nhũng:
1. Tham nhũng là gì?
"Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi."
Hành vi tham nhũng phải đồng thời có 3 dấu hiệu đặc trưng:
Thứ nhất tham nhũng phải được thực hiện bởi người có chức vụ quyền hạn
- Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm 4 nhóm chính:
Nhóm 1 - Cán bộ, công chức, viên chức;
Nhóm 2 - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
Nhóm 3 - Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức và Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
Nhóm 4- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
Thứ hai, có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ được giao như thông qua thẩm quyền chuyên môn mà người đó đảm nhận hoặc chức năng tổ chức, lãnh đạo…
Thứ ba, người thực hiện hành vi tham nhũng phải có mục đích vụ lợi, thực hiện hành vi nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng.
Nếu thiếu một trong ba dấu hiệu đặc trưng trên thì thì không bị coi là hành vi tham nhũng mà bị coi là hành vi vi phạm pháp luật khác.
2. Các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước
Căn cứ Điều 2 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định về các hành vi tham nhũng thì có 12 hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước thực hiện. Trong đó, có 07 loại tội phạm tham nhũng nằm trong nhóm tội phạm về chức vụ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định gồm:
1) Tham ô tài sản;
2) Nhận hối lộ;
3) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
5) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
6) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
7) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
Đối với hành vi 8. "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi" cũng được BLHS quy định nằm trong nhóm tội phạm khác về chức vụ đó là: Tội đưa hối lộ, Tội môi giới hối lộ.
Đối với 4 hành vi còn lại trong nhóm 12 hành vi:
9) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
10) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
11) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
12) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
II. Quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng tại cơ quan nhà nướ
1. Quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng tại cơ quan nhà nước
Quy định về việc tặng quà và nhận quà tặng tại cơ quan nhà nước nằm trong nhóm biện pháp phòng ngừa tham nhũng về thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quy định tại Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và được quy định chi tiết tại Điều 24, Điều 25 Nghị định 59/2019/NĐ-CP về việc tặng quà và nhận quà tặng.
Theo đó:
- Đối với việc tặng quà: cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ quyền hạn, ngoài trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại hoặc các trường hợp cần thiết khác thì không được phép sử dụng tài chính công, tài sản công để làm quà tặng. Ngoài ra, đối với những trường hợp được phép tặng quà, việc tặng quà phải được diễn ra theo đúng quy định của pháp luật.
- Đối với việc nhận quà: Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì cơ quan, tổ chức, đơn vị phải tổ chức quản lý, xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 của Nghị định này.
Như vậy, đối với trường hợp tặng quà cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn được tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác. Tuy nhiên, Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức.
2. Quy định cách thức xử lý quà tặng
Ngày 11/9/2023, Thanh tra Chính phủ ban hành Quyết định 457/QĐ-TTCP về việc công bố thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, có ban kèm theo quy định là thủ tục xử lý quà tặng nhu sau:
a) Trình tự thực hiện:
- Bước 1:
+ Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
+ Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;
Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
+ Đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
+ Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
- Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc Cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
b) Cách thức thực hiện: Tại cơ quan, đơn vị.
c) Thành phần, số lượng hồ sơ: Không quy định.
d) Thời hạn giải quyết: 05 ngày làm việc.
đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý; người có chức vụ, quyền hạn công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong phòng, chống tham nhũng.
e) Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính: Thủ trưởng Cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý; người có chức vụ, quyền hạn công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong phòng, chống tham nhũng.
g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Văn bản thông báo.
h) Phí, lệ phí: Không.
i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai: Không quy định.
k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: Không quy định.
l) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính: Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01/7/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCTN.
3. Vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng bị xử lý thế nào?
Tại Điều 28 Nghị định 59/2019/NĐ-CP quy định hình thức xử lý trong trường hợp có vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng như sau:
Về tặng quà:
- Đối với cơ quan tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước.
- Đối với cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
Về nhận quà:
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
Phạm Thị Sơn Trà - Thanh tra Sở Tư pháp