Tham vấn về vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong phòng, chống tham nhũng
Trong khuôn khổ triển khai thực hiện Dự án do UNDP tài trợ, ngày 08/12/2016, tại Hải Phòng, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo tham vấn vai trò và nâng cao vai trò của xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; ông Nguyễn Văn Kim, Q. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện Uỷ ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc một số tỉnh, thành phố, một số cơ quan báo chí và một số tổ chức dân sự khác.Theo ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng ban Dân chủ và pháp luật, Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam, trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã thường xuyên tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống tham nhũng với nhiều phương thức, biện pháp khác nhau và đã có những kết quả nhất định, nhất là ở cấp cơ sở. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực hoạt động còn nhiều hạn chế, còn mang nặng tính hình thức và hiệu quả chưa cao do còn nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Quy định về nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm cũng như quy trình giám sát, phản biện của MTTQ VN, các biện pháp bảo đảm cho MTTQ VN và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội còn chưa đấy đủ, cụ thể…Từ thực tiễn đó, MTTQVN đã đưa ra một số giải pháp, kiến nghị để nâng cao vai trò và hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng của MTTQ Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề cập một số bất cập về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong giám sát, phản biện xã hội về chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng, nhất là việc phản biện các dự án kinh tế-xã hội lớn thì mặt trận không đủ khả năng để tổ chức phản biện, càng lên cao thì vai trò phản biện, giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên càng hạn chế. Trên cơ đó, để nâng cao vai trò của MTTQ VN và các tổ chức thành viên trong vai trò giám sát, phản biện xã hội về chính sách, pháp luật và việc thực hiện chính sách, pháp luật phòng, chống tham nhũng tác giả đã đề xuất một số giải pháp và kiến nghị cụ thể trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi và bổ sung sắp tới.
Về vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng, tham luận của đại diện Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu rõ vai trò và đóng góp tích cực của báo chí trong công cuộc phòng, chống tham nhũng đồng thời cũng chỉ ra nhưng khó khăn, hạn chế của hoạt động báo chí trong công tác phòng, chống tham nhũng. Xuất phát từ thực tiến, Hội Nhà báo đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề cụ thể để báo chí có thể tham gia tốt hơn trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng như: Cần xây dựng cơ chế bảo vệ hiệu quả với người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, nhà báo chống tham nhũng nói riêng; bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện và đảm bảo môi trường thuận lợi cho báo chí hoạt động; mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan phòng, chống tham nhũng và cơ quan báo chí…
Đối với các tổ chức xã hội có tư cách pháp nhân, đại diện Bộ Nội vụ đã nêu ra một số nguy cơ phát sinh tham nhũng đối với những tổ chức này cũng như kiến nghị một số giải pháp để ngăn chặn nguy cơ này.
Trong phần phản biện và tham gia bình luận của các đại biểu, các chuyên gia tham dự hội nghị như: TS Trần Đức Lượng, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ; TS Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP; PGS TS Bùi Xuân Đức, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ pháp luật…đã phân tích sâu thêm vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong công cuộc phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa một số kiến nghị, đề những điểm cần bổ sung, sửa đổi một số quy định cụ thể của luật Phòng, chống tham nhũng.
Trên cơ sở những báo cáo tham luận và ý kiến đóng góp của các chuyên gia phản biện, ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự hội thảo Ban tổ chức sẽ tiếp thu, hoàn chỉnh để xây dựng được một báo cáo nghiên cứu có chất lượng giúp Thanh tra Chính phủ xây dựng, hoàn chỉnh Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ