Mục tiêu tổng thể của Đề án nhằm đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, trên cơ sở đó xây dựng hệ thống báo cáo quốc gia đồng bộ, thống nhất, bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền. Đồng thời, giảm gánh nặng hành chính trong tuân thủ chế độ báo cáo tại các cơ quan hành chính nhà nước, đảm bảo tiết kiệm thời gian, nhân lực thực hiện, tiến tới cắt giảm số lượng, đơn giản hóa nội dung và giảm tối đa về tần suất báo cáo.
Đề án xác định các mục tiêu cụ thể gồm:
(1) Xây dựng khung pháp lý cần thiết để hình thành cơ chế thực hiện phù hợp đối với công tác báo cáo, theo hướng: quy định về chế độ báo cáo để thực hiện thống nhất, đồng bộ và có cơ chế chia sẻ, sử dụng hiệu quả nguồn thông tin từ các báo cáo.
(2) Giảm tối thiểu 20% số báo cáo định kỳ không phù hợp với yêu cầu quản lý, lược bỏ những chỉ tiêu, nội dung báo cáo trùng lặp, không cần thiết, giảm gánh nặng hành chính, tiết kiệm chi phí trong việc thực hiện chế độ báo cáo.
(3) Đến năm 2020, Hệ thống báo cáo quốc gia cơ bản hoàn thành và được vận hành, thực hiện trực tuyến; có tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu báo cáo; các dữ liệu báo cáo được quản lý, cập nhật và khai thác sử dụng hiệu quả; mẫu báo cáo, biểu báo cáo được đơn giản hóa một cách tối đa, phù hợp với yêu cầu của từng cấp quản lý, phục vụ thuận lợi cho hoạt động báo cáo trực tuyến.
Để đạt được các mục tiêu trên, tại Quyết định 559/QĐ-TTg đã xác định ba nhóm giải pháp lớn:
1. Hệ thống hóa, rà soát, đơn giản hóa chế độ báo cáo
Các Bộ, ngành, địa phương tiến hành hệ thống hóa các báo cáo, chế độ báo cáo theo ngành, lĩnh vực đang thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện, gồm: các báo cáo định kỳ thuộc các lĩnh vực quản lý của hệ thống cơ quan hành chính nhà nước được thể hiện bằng văn bản (không bao gồm báo cáo thống kê, báo cáo đột xuất, báo cáo nói) thực hiện giữa các cơ quan hành chính nhà nước với nhau và báo cáo của các tổ chức, cá nhân gửi cơ quan hành chính nhà nước theo quy định của các văn bản pháp luật hiện hành.
Tổ chức rà soát, đánh giá, xây dựng, phê duyệt Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo theo các tiêu chí: sự cần thiết, tính pháp lý của báo cáo được thực hiện; tần suất báo cáo, kỳ báo cáo, thời điểm lấy số liệu báo cáo và thời hạn gửi báo cáo; trách nhiệm báo cáo, mức độ và sự phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thực hiện báo cáo; hình thức, nội dung báo cáo; khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình báo cáo;… Phương án đơn giản hóa chế độ báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cần xác định cụ thể các báo cáo loại bỏ, hoặc đề nghị loại bỏ; các báo cáo tiếp tục thực hiện, hoặc đề nghị duy trì thực hiện, các báo cáo bổ sung thực hiện hoặc đề nghị bổ sung thực hiện kèm theo lý do cụ thể.
2. Hoàn thiện thể chế quy định về chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước
Nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất cho việc thực hiện báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, Thủ tướng đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng Nghị định quy định về chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước với những nội dung cơ bản gồm: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; phân loại báo cáo; nguyên tắc quy định chế độ báo cáo; trình tự, thủ tục báo cáo; công khai, chia sẻ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động báo cáo; trách nhiệm báo cáo và các các nội dung khác có liên quan; hoàn thành trong Quý IV năm 2018.
3. Xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia
Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Đề án. Mục tiêu xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia nhằm cung cấp cho các cơ quan hành chính nhà nước nguồn thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời nhằm phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành; giảm thiểu sự lãng phí về thời gian, nhân lực và việc ứng dụng công nghệ thông tin ở từng Bộ, ngành, địa phương như hiện nay; góp phần thiết thực vào việc xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ "kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân". Văn phòng Chính phủ là cơ quan chủ trì xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện xây dựng các phân hệ phần mềm báo cáo.
Theo thống kê của tỉnh Bình Dương, trong 01 năm các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh phải thực hiện 2.053 báo cáo. Trong đó, Cấp tỉnh 1526 báo cáo; Cấp huyện 497 báo cáo; Cấp xã 30 báo cáo từ 963 văn bản quy định việc thực hiện báo cáo (Văn bản QPPL 108 văn bản; Văn bản khác 855 văn bản), bao gồm 735 mẫu báo cáo và 1510 biểu mẫu số liệu. Ước tính tổng thời gian trung bình để thực hiện các loại báo cáo định kỳ trong năm là 27.028 giờ, ước tính tổng thời gian trung bình để thực hiện các loại báo cáo đột xuất trong năm là 15.854 giờ, ước tính tổng thời gian thực hiện báo cáo trong năm 2015 chiếm khoảng 70% thời gian thực hiện các nhiệm vụ tại cơ quan.
Có thể nói, chế độ thông tin báo cáo là thiết yếu, quan trọng trong chỉ đạo, điều hành hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Tuy nhiên, qua số lượng thống kê này cho thấy, công tác báo cáo của các cơ quan nhà nước hiện nay là quá nhiều, dẫn đến việc công chức, viên chức phải tham mưu báo cáo thường xuyên, phần nào ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ chung của cơ quan được yêu cầu báo cáo. Đứng trước thực trạng nêu trên thì việc ban hành "Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước" nhằm đưa ra các giải pháp nhằm giảm tải thời gian, nâng cao chất lượng báo cáo hành chính là yêu cầu cần thiết, giúp Chính phủ và các cơ quan trong bộ máy hành chính nhà nước phát triển theo hướng hiện đại, hiệu lực và hiệu quả./.