Tiêu chuẩn chính trị của chiến sĩ Công an liên quan chặt chẽ đến lý lịch tư pháp
Thưa ông, ông có thể cho độc giả biết thế nào là lý lịch tư pháp (LLTP) và LLTP được quy định tại những văn bản pháp luật nào?
- Theo quy định của Luật LLTP, LLTP là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. LLTP còn ghi nhận tình trạng thi hành án và ghi nhận cả quyết định cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về LLTP hiện nay tương đối đầy đủ. Thứ nhất là Luật LLTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2010, đã thực hiện được hơn 5 năm và chúng tôi đang chuẩn bị tiến hành tổng kết thi hành Luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Bên cạnh đó, Nghị định số 111/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật LLTP và một số thông tư liên tịch như Thông tư liên tịch số 04, số 06 cùng một hệ thống các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Tư pháp giao cho Trung tâm LLTP quốc gia quyền quản lý nhà nước trong lĩnh vực LLTP.
Để chứng minh bản thân đủ điều kiện, nhất là điều kiện về tiêu chuẩn chính trị, để thi tuyển vào các trường ngành Công an, an ninh nhân dân và không xảy ra các trường hợp tương tự trong các mùa tuyển sinh trước, ông gợi ý như thế nào cho các thí sinh trong mùa thi năm nay?
- Như chúng ta đã biết, đến mùa thi nào, thí sinh cũng rất lo về hồ sơ thi tuyển, cụ thể là vấn đề sơ yếu lý lịch đối với thí sinh dự thi các trường ngành Công an. Thực ra, không chỉ thí sinh thi vào các trường ngành Công an mà tất cả những người muốn hoạt động trong các lĩnh vực nhạy cảm, đòi hỏi có sự quản lý chặt chẽ đều yêu cầu nắm thông tin về LLTP. Riêng với thí sinh dự thi các trường ngành Công an, cần căn cứ vào các quy định của ngành Công an và một số quy định về LLTP liên quan đến quy định của ngành Công an.
Theo quy định của ngành Công an, cần lưu ý Thông tư số 53/2012/TT-BCA ngày 15/8/2012 của Bộ trưởng Bộ Công an, quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân. Các trường hợp tuyển mới cũng áp dụng theo Thông tư này.
Theo đó, có một nội dung quan trọng liên quan chặt chẽ đến LLTP là đối với các trường hợp bản thân hoặc thân nhân bị Tòa tuyên phạt dưới 3 năm tù hoặc cho hưởng án treo và đã được xóa án tích, trừ trường hợp phạm các tội như xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm ma túy... đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Nếu hiện thân nhân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước thì Công an các địa phương báo cáo về Tổng cục Chính trị để xem xét, kết luận.
Một vấn đề đặt ra là làm sao có đủ thông tin khai báo một cách trung thực, đầy đủ, chính xác, toàn diện vào hồ sơ lý lịch thi tuyển vào các trường ngành Công an thì tôi đề nghị mỗi thí sinh trước khi khai sơ yếu lý lịch phải xem chính bản thân mình và hỏi rõ các thân nhân của mình, những người được khai trong hồ sơ lý lịch tuyển sinh, rằng họ có từng bị Công an bắt, lăn tay, lập danh chỉ bản hay chưa. Nếu đã bị Công an bắt giữ, lăn tay, lập danh chỉ bản thì phải yêu cầu trực tiếp đến Sở Tư pháp nơi cư trú để xin cấp Phiếu LLTP số 2. Phiếu này sẽ đáp ứng các thông tin cho thí sinh khai sơ yếu lý lịch của mình.
Cần chủ động hỏi rõ các thân nhân
Vậy để yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2, thí sinh phải làm những thủ tục gì, thưa ông?
- Theo quy định của pháp luật về LLTP, thủ tục yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 là một thủ tục đặc biệt. Tức là đối với những người có yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì không được nhờ, không được ủy quyền cho người khác, kể cả người thân, đến yêu cầu cấp Phiếu. Thí sinh phải đề nghị các thân nhân của mình đã từng bị Công an bắt, lập danh chỉ bản đó trực tiếp đến Sở Tư pháp nơi cư trú để xin cấp Phiếu LLTP số 2.
Thành phần hồ sơ rất đơn giản. Người đi xin mang theo chứng minh thư, hộ chiếu, hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tạm trú/ thẻ tạm trú nhằm chứng minh mình cư trú tại địa phương. Sau khi đến Sở, người đó tự khai tờ khai, ký nhận tờ khai, nộp hồ sơ, lệ phí cấp Phiếu (200.000 đồng) để xin cấp Phiếu LLTP.
Nếu người trực tiếp yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 gặp khó khăn, không thể đến Sở Tư pháp thì có thể thông qua bưu điện gửi hồ sơ gồm tờ khai do mình trực tiếp khai, ký; hộ khẩu hoặc giấy xác nhận tạm trú hoặc hộ chiếu có chứng thực.
Về phía Sở Tư pháp, khi nhận được bưu kiện, sẽ có trách nhiệm tra cứu, xác minh để cấp Phiếu LLTP số 2 rồi trả qua bưu điện cho người dân. Theo quy định của pháp luật, trường hợp phức tạp nhất cũng không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày hồ sơ hợp lệ được Sở Tư pháp thụ lý, là người dân sẽ được nhận kết quả.
Thí sinh muốn xin Phiếu LLTP số 2 có thể tham khảo thêm trang web của Bộ Tư pháp, vào đường link của Trung tâm LLTP quốc gia theo địa chỉ: ttlltp.moj.gov.vn. Chúng tôi đã có đầy đủ hướng dẫn, có số điện thoại hỗ trợ. Trong trường hợp có khó khăn, liên hệ qua số điện thoại này, chúng tôi sẽ chỉ đạo Sở Tư pháp cũng như hướng dẫn cho thí sinh điều kiện thuận lợi nhất để xin cấp Phiếu LLTP số 2.
Việc cấp Phiếu LLTP số 2 là một vấn đề tương đối phức tạp đối với các cơ quan có thẩm quyền. Theo quy định của Luật LLTP, trách nhiệm xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích để ghi vào Phiếu LLTP thuộc về Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu LLTP (Trung tâm LLTP quốc gia hoặc Sở Tư pháp).
Để tránh trường hợp các cơ quan thường yêu cầu thí sinh phải đến Tòa án để xin giấy chứng nhận xóa án tích, chúng tôi có văn bản hướng dẫn tất cả các Sở Tư pháp phải có trách nhiệm thực hiện công việc này theo quy định tại Luật LLTP, không được bắt công dân, các thí sinh đến Tòa án xin giấy chứng nhận trong trường hợp đương nhiên xóa án tích. Tuy nhiên, việc xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích gặp nhiều khó khăn, có thể xảy ra một trong ba trường hợp.
Theo ông, đó là các trường hợp nào?
- Trường hợp thứ nhất, tại cơ sở dữ liệu LLTP của Sở Tư pháp và Trung tâm LLTP quốc gia đã có đầy đủ thông tin LLTP thì việc ghi nhận, cấp Phiếu LLTP số 2 là dễ dàng, thuận lợi, đúng thời hạn luật định.
- Trường hợp thứ hai là sau khi xác minh đối tượng bị Công an bắt giữ, lập danh chỉ bản, có bản án có hiệu lực pháp luật nhưng chưa rõ thông tin đã có đủ điều kiện đương nhiên xóa án tích hay chưa. Lúc này, cơ quan cấp Phiếu phải xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích tại cơ quan Thi hành án cùng cấp với Tòa án ra bản án hình sự có hiệu lực pháp luật để cấp Phiếu cho người yêu cầu.
- Trường hợp thứ ba phức tạp hơn nhiều. Đó là trường hợp bản thân hoặc thân nhân bị bắt, lập danh chỉ bản nhưng khi xác minh lại không rõ kết quả xử lý. Khi ấy, cơ quan cấp Phiếu phải tiếp tục tiến hành xác minh tại các cơ quan liên quan như: Tòa án, Viện kiểm sát, Thi hành án dân sự để xác định có án tích hay không ? Nếu có án tích thì đã đủ điều kiện để xóa án tích đương nhiên chưa ?.
Nếu Tòa án, Viện kiểm sát trả lời không có bản án, quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật với người xin cấp Phiếu thì cơ quan cấp Phiếu ghi không có án tích và không lập LLTP. Còn nếu có bản án thì phải lập LLTP cập nhật vào cơ sở dữ liệu và ghi vào Phiếu LLTP số 2 là có án tích. Nếu các cơ quan trên trả lời là có bản án, quyết định hình sự có hiệu lực pháp luật thì lại phải tiếp tục xác minh điều kiện đương nhiên được xóa án tích như ở trường hợp thứ hai vưa nêu trên.
Ngoài ra, với những người từng có thời gian phục vụ trong quân đội, còn phải xác minh tại cơ quan Tòa án quân sự trung ương. Trong những trường hợp như vậy, rất mong thí sinh liên hệ với số điện thoại của Trung tâm LLTP quốc gia để được kịp thời giúp đỡ và chúng tôi sẽ hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tra cứu tại Sở Tư pháp giúp thí sinh có đầy đủ thông tin khai báo sơ yếu lý lịch cho mùa thi.
Vâng, trên đây thực sự là những thông tin chi tiết và bổ ích. Cuối cùng, xin ông có đôi lời nhắn nhủ cho những thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ tuyển sinh sắp tới?
- Đối với thí sinh, đặc biệt là những thí sinh ứng thi vào các trường ngành Công an, tránh những trường hợp như của cháu Bùi Kiều Nhi ở Quảng Bình, Nguyễn Đức Ngà ở Nghệ An ở mùa thi năm trước, tôi mong muốn một lần nữa thí sinh cần chủ động hỏi rõ các thân nhân của mình, tức là những người được khai trong hồ sơ lý lịch tuyển sinh, rằng trong lịch sử họ có từng bị Công an bắt giữ, lăn tay, lập danh chỉ bản hay chưa.
Nếu có thì cần phải đến ngay Sở Tư pháp nơi cư trú để xin Phiếu LLTP số 2. Bởi việc xin Phiếu LLTP số 2, nhất là những án tích trong lịch sử đã qua nhiều năm, đòi hỏi phải có thời gian xác minh, thậm chí đôi lúc gặp rất nhiều khó khăn vì liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau.
Vì thế, các thí sinh hãy lưu ý vào trang web của Trung tâm LLTP quốc gia tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp theo địa chỉ: ttlltp.moj.gov.vn hoặc Tel: 04 66841313; 04 320-31313 để tìm hiểu kỹ các thủ tục hướng dẫn.
Về phía Trung tâm LLTP quốc gia, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe tất cả vướng mắc của thí sinh, đồng thời cam kết sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị cấp Phiếu LLTP thuộc 63 Sở Tư pháp phải đặt yêu cầu chính trị hàng đầu là ưu tiên xác minh kịp thời, trả lời chính xác, đầy đủ, toàn diện, đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh có đủ thông tin ghi vào sơ yếu lý lịch theo quy định tại Thông tư 53/2012/TT-BCA của Bộ Công an.
Trung tâm LLTP quốc gia – Bộ Tư pháp sẽ luôn đồng hành với các thí sinh. Xin chúc tất cả các thí sinh một mùa thi may mắn và thành công!
Hoàng Thư
Báo Pháp Luật Việt Nam - Bộ Tư pháp