TÌNH HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
- Trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 05 trung tâm tư vấn pháp luật: Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Bình Dương, Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh Bình Dương, Trung tâm Tư vấn pháp luật Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, Trung tâm Tư vấn pháp luật tại Bình Dương – Hội Phổ biến và Tham vấn pháp luật Việt Nam và Trung tâm Tư vấn pháp luật Trường Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương.
- Về cơ cấu tổ chức: các Trung tâm đáp ứng đủ điều kiện về cơ cấu tổ chức theo Khoản 1 Điều 5 Nghị định 77/2008/NĐ-CP là "có ít nhất hai tư vấn viên pháp luật hoặc một tư vấn viên pháp luật và một luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hai luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động". Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 07 tư vấn viên pháp luật và 03 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động cho các Trung tâm.
- Về kết quả hoạt động tư vấn pháp luật: Từ ngày 01/10/2022 đến 30/9/2023 đã tư vấn pháp luật miễn phí 3078 vụ việc với hơn 4819 lượt người tư vấn pháp luật. Trong đó có 05 vụ việc tư vấn có thu phí với số tiền 2.500.000 đồng. Nội dung tư vấn pháp luật chủ yếu về các lĩnh vực công đoàn, lao động, hành chính, hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình…Đối tượng tư vấn gồm nhiều thành phần khác nhau, chủ yếu là công đoàn viên, người lao động, người nghèo.
- Ngoài hình thức tư vấn pháp luật trực tiếp tại Trung tâm, các Trung tâm còn thực hiện tư vấn qua nhiều hình thức đa dạng như tư vấn qua điện thoại, tư vấn qua mạng xã hội, hộp thư điện tử, trang thông tin điện tử, tư vấn lưu động, tư vấn qua chuyên mục trên báo (Báo Bình Dương, tạp chí Lao động Bình Dương), Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bình Dương), hỗ trợ soạn thảo hơn 304 các loại đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện gửi doanh nghiệp và các ngành chức năng can thiệp khi có yêu cầu.
- Đối với công tác đại diện theo ủy quyền và đại diện tố tụng tại tòa án: Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn đã nhận ủy quyền và khởi kiện 49 vụ việc, trong đó: tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội... (17 vụ hòa giải thành, 1 vụ thắng kiện, 31 vụ đang khởi kiện). Tổng số tiền doanh nghiệp bồi thường cho người lao động là 3,7 tỷ đồng. Đây là điểm sáng nổi bật của Trung tâm thời gian qua, đã làm thay đổi nhận thức của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật lao động, đặc biệt việc thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động và nợ bảo hiểm của người lao động.
- Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật: Trong năm 2023, Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Bình Dương đã tổ chức 10 cuộc tuyên truyền cho 2135 đoàn viên, người lao động các nội dung chủ yếu liên quan đến pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm, công đoàn và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức đối thoại, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các chính sách BHXH, BHYT, BHTN.
- Nhìn chung, các Trung tâm Tư vấn pháp luật đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần trong việc nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, đặc biệt là các đối tượng nghèo, không có điều kiện thụ hưởng các dịch vụ pháp lý có thu thù lao. Bình Dương với đặc điểm là tỉnh công nghiệp, lực lượng công nhân đến và làm việc với số lượng lớn, hoạt động tư vấn pháp luật đã góp phần trong việc giảm tải các tranh chấp về lao động, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động trên địa bàn tỉnh.
CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT
Sở Tư pháp đã tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về tư vấn pháp luật, cụ thể:
- Tiếp tục công khai và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tư vấn pháp luật thuộc phạm vi, thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp như: Cấp giấy đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung đăng ký hoạt động, chấm dứt nội dung đăng ký hoạt động cho trung tâm tư vấn pháp luật, cấp giấy đăng ký trợ giúp pháp lý, cấp thẻ tư vấn viên pháp luật…một cách nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật cho các cá nhân, tổ chức đến liên hệ thực hiện thủ tục. Trong năm 2023, Sở đã tiếp nhận và giải quyết 03 thủ tục hành chính về tư vấn pháp luật.
- Trong năm 2023, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 996/STP-BTTP ngày 31/5/2023 về việc chấn chỉnh hoạt động tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đề nghị các Trung tâm Tư vấn pháp luật quan tâm, quán triệt đến đội ngũ tư vấn viên pháp luật, luật sư làm việc tại Trung tâm thực hiện đúng các quy định về tư vấn pháp luật, việc ban hành mức thù lao, lập sổ theo dõi và chế độ báo cáo.
- Công tác thanh tra, kiểm tra: Thường xuyên rà soát, kiểm tra để kịp thời phát hiện Trung tâm Tư vấn pháp luật không còn đủ điều kiện hoạt động và có biện pháp giải quyết theo quy định của pháp luật.
- Về công tác phối hợp với các cơ quan chủ quản: Phối hợp, trao đổi kịp thời với các tổ chức chủ quản về tình hình tổ chức và hoạt động của các Trung tâm.
NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ
Bên cạnh các kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại sau:
- Kinh phí hoạt động còn hạn hẹp do hoạt động của các Trung tâm chủ yếu là tư vấn miễn phí, không có thù lao. Ngoài ra, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về Tư vấn pháp luật và Thông tư 01/2010/TT-BTTP ngày 09/02/2010 quy định căn cứ phương thức tính thù lao, chưa quy định cụ thể mức thù lao, mức thù lao tối thiểu, tối đa nên còn gặp khó khăn trong vấn đề xây dựng mức thù lao.
- Trụ sở tuy đáp ứng yêu cầu hoạt động nhưng ở vị trí chưa thuận lợi, gây khó khăn trong việc liên hệ tư vấn của người dân. Nhân lực tại các Trung tâm còn mỏng, chưa đáp ứng đủ yêu cầu hoạt động trong các công việc đòi hỏi có nhiều nhân lực như công tác tư vấn pháp luật lưu động, cấp phát tài liệu miễn phí.
ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Đề nghị các tổ chức chủ quản quan tâm, hỗ trợ thêm về nguồn kinh phí và cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hoạt động cho các Trung tâm.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ người thực hiện tư vấn pháp luật.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật của Nghị định 77/2008/NĐ-CP theo đó điều chỉnh các điều kiện, tiêu chuẩn của tư vấn viên pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút đội ngũ này tham gia vào các trung tâm tư vấn pháp luật; sửa đổi, bổ sung một số quy định về cấp lại Giấy Đăng ký hoạt động của trung tâm; đồng thời có các định hướng để phát triển trung tâm tư vấn pháp luật phù hợp với xu hướng trong thời gian tới về kinh phí, tổ chức nhân sự.
- Pháp luật cần có quy định cụ thể mức thù lao, mức thù lao tối thiểu, tối đa mà Trung tâm tư vấn pháp luật có quyền thu để làm cơ sở cho Trung tâm tư vấn pháp luật xây dựng mức thù lao cụ thể cho từng vụ việc trình tổ chức chủ quản quyết định.