Tình hình tổ chức và hoạt động công chứng
trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2014
Thực hiện Quyết định số 2104/QĐ-TTg ngày 29/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2020” và Quyết định số 1281/QĐ-UBND ngày 25/4/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng của tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 20 tổ chức hành nghề công chứng, gồm 02 Phòng công chứng và 18 Văn phòng công chứng (hoàn thành trước so với kế hoạch đề ra). Các tổ chức hành nghề công chứng được phân bố hợp lý giữa các đơn vị hành chính cấp huyện để kịp thời đáp ứng nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức. Đội ngũ công chứng viên ngày càng phát triển về số lượng cũng như chất lượng với tổng số 40 công chứng viên đang hành nghề tại các tổ chức hành nghề công chứng.
Theo báo cáo của các tổ chức hành nghề công chứng, trong năm 2014, tình hình hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả như sau: tổng số lượng việc công chứng 124.139 vụ việc (Phòng công chứng 18.032 vụ việc, Văn phòng công chứng 106.107 vụ việc); tổng số phí công chứng 33.216.210.520 đồng (Phòng công chứng 8.025.223.000 đồng, Văn phòng công chứng 25.190.987.520 đồng); tổng số tiền nộp vào ngân sách Nhà nước đối với Phòng công chứng 3.768.126.500 đồng; tổng số tiền nộp thuế đối với Văn phòng công chứng 3.268.107.721 đồng.
Sở Tư pháp đã thực hiện tốt công tác tham mưu quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng cụ thể:
Thứ nhất, Sở Tư pháp tiếp nhận, kiểm tra, xem xét hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng công chứng, chuyển đổi loại hình hoạt động từ Văn phòng công chứng do một công chứng viên thành lập thành Văn phòng công chứng do hai công chứng viên trở lên thành lập theo đúng quy định pháp luật; tham mưu Uỷ ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập 02 Văn phòng công chứng và chuyển đổi loại hình hoạt động của 04 Văn phòng công chứng (đến nay, tổng số Văn phòng có từ hai công chứng viên trở lên thành lập là 12/18 Văn phòng).
Thứ hai, tổ chức 02 cuộc kiểm tra đối với 05 Văn phòng công chứng, thanh tra chuyên ngành tại 04 Văn phòng công chứng. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong quá trình hoạt động của các Văn phòng công chứng và xử phạt vi phạm hành chính 03 công chứng viên, 01 Văn phòng công chứng với tổng số tiền 25.750.000 đồng. Tổ chức hành nghề công chứng và công chứng viên bị xử phạt đã nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt của Sở Tư pháp; khắc phục những sai sót theo kết luận của Sở Tư pháp; tổ chức họp rút kinh nghiệm đối với công chứng viên và chuyên viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng.
Trong năm 2014, lĩnh vực công chứng không có đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở Tư pháp. Tuy nhiên, Sở Tư pháp cũng nhận được 07 kiến nghị, phản ánh của người dân về hoạt động hành nghề công chứng và đã có văn bản trả lời.
Thứ ba, việc hướng dẫn chỉ đạo tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong hoạt động hành nghề công chứng được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên thông qua: các cuộc họp giao ban định kỳ với các tổ chức hành nghề công chứng; thông qua việc trả lời các văn bản kiến nghị của các tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức họp với một số sở, ngành có liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan Tòa án, cơ quan Viện kiểm sát, cơ quan Công an,... để thống nhất trong việc áp dụng pháp luật và đánh giá tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng như ban hành Chỉ thị số 09/CT-UBND ngày 25/4/2014 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực công chứng trên địa bàn tỉnh Bình Dương; công bố 55 thủ tục hành chính trong lĩnh vực công chứng, xin chủ trương xây dựng, triển khai Đề án “Phần mềm quản lý công chứng”,…
Nhìn chung, tình hình tổ chức và hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh trong năm 2014 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch của cá nhân, tổ chức và ngày càng khẳng định chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng của Đảng và Nhà nước ta là đúng đắn./.
Hà Chi – Phòng Bổ trợ tư pháp.