Tải về Tọa đàm công tác quản lý nhà nước với hoạt động bổ trợ.docx
Tọa đàm "Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Bổ trợ tư pháp tại khu vực phía Nam"
Triển khai Kế hoạch công tác năm 2022 của Cục Công tác phía Nam – Bộ Tư pháp được Bộ trưởng phê duyệt tại Quyết định số 172/QĐ-BTP, chiều ngày 14/10/2022, Cục Công tác phía Nam phối hợp cùng Cục Bổ trợ tư pháp tổ chức Tọa đàm về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động Bổ trợ tư pháp tại khu vực phía Nam. Tọa đàm do ông Nguyễn Thanh Bình – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, bà Đặng Kim Hoa – Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp đồng chủ trì.
Tham dự buổi Tọa đàm có bà Nguyễn Anh Hoa – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương cùng với đại diện lãnh đạo của các Sở Tư pháp trong khu vực phía Nam.
Công tác bổ trợ tư pháp có vai trò quan trọng trong thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước và được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về "Chiến lược cải cách Tư pháp đến năm 2020". Những năm qua, hoạt động bổ trợ tư pháp đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhiều hoạt động có tính đột phá. Trong đó, công chứng, luật sư, giám định tư pháp, đấu giá tài sản, thừa phát lại… là những lĩnh vực hoạt động có vai trò hỗ trợ đắc lực cho hệ thống tư pháp.
Trong khu vực, hiện có 2.967 tổ chức hành nghề luật sư với 9.251 luật sư; 645 tổ chức hành nghề công chứng (trong đó Phòng công chứng 39, Văn phòng công chứng 606), 1.584 công chứng viên; 110 tổ chức giám định tư pháp với 2.412 giám định viên; 218 tổ chức bán đấu giá tài sản với 500 đấu giá viên; 70 tổ chức thừa phát lại, 234 thừa phát lại.
| |
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bổ trợ tư pháp vẫn còn những hạn chế cần được khắc phục. Trong bối cảnh xã hội hóa mạnh mẽ hoạt động bổ trợ tư pháp, còn quan điểm, nhận thức coi nghề bổ trợ như các nghề kinh doanh thông thường, nên có xu hướng "tự do hóa" đối với các nghề này, chạy theo lợi nhuận, thay vì chú trọng đến chất lượng, tính chuyên nghiệp cũng như sứ mệnh bảo vệ công lý, công bằng xã hội và an toàn giao dịch; Năng lực, kinh nghiệm hành nghề, bản lĩnh chính trị và đạo đức của một số cá nhân hoạt động bổ trợ tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu, còn để xảy ra sai sót, vi phạm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biều tham dự đã nêu lên những khó khăn trong thực tiễn công tác bổ trợ tư pháp tại địa phương. Đồng thời cũng trao đổi, thảo luận một số vấn đề quan trọng như làm sao để công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp một cách hiệu quả; Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng viên, thừa phát lại, đấu giá viên, giám định viên tư pháp để phục vụ tốt như cầu của xã hội; Những khó khăn vướng mắc trong việc Sở Tư pháp thực hiện yêu cầu giám định trong lĩnh vực công chứng, đấu giá…
Giải đáp một số khó khăn, vướng mắc của địa phương, bà Đặng Kim Hoa cũng chia sẻ "Thu hút luật sư tham gia vào hoạt động của chính quyền địa phương cũng là một chính sách mới, nhằm nâng cao vị thế vai trò của luật sư theo tinh thần Nghị quyết 69 và cũng nhằm nâng cao vai trò của Sở Tư pháp đối với chính quyền địa phương./.