Hỏi: Chồng tôi là con của Liệt sĩ. Chồng tôi mới bị Công an bắt vì thực hiện hành vi trộm cắp xe máy của chủ nhà trọ và đang bị tạm giam tại Nhà tạm giữ Công An huyện Bến Cát. Tôi muốn hỏi: chồng tôi có phải là đối tượng được trợ giúp pháp lý hay không?
Bà Lò Thị V. (Bến Cát)
Trả lời:
Điểm a Khoản 7 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định trường hợp "cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ" thuộc diện người được trợ giúp pháp lý khi có khó khăn về tài chính.
Điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 7 Điều 7 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật (theo Điều 2 Nghị định số 144/2017/NĐ-CP ngày 15/12/2017 Nghị định của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý). Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp chồng bà là con của Liệt sĩ và thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng ở địa phương thì chồng bà mới là đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Hỏi: Cháu ngoại của tôi năm nay 04 tuổi, bị bảo mẫu đánh đập gây thương tích nhiều nơi trên cơ thể. Gia đình tôi đã làm đơn tố cáo bảo mẫu đến cơ quan công an. Gia đình tôi muốn có luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí cho cháu trong vụ việc này thì phải làm thủ tục như thế nào?
Ông Trần Thanh P. (Thuận An)
Trả lời:
Do cháu ngoại của ông là trẻ em nên cháu ông thuộc diện người được trợ giúp pháp lý theo khoản 3 Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Trường hợp gia đình ông muốn có luật sư bảo vệ quyền lợi miễn phí cho cháu trong vụ việc cháu bị bảo mẫu đánh đập gây thương tích thì ông hoặc cha mẹ của cháu cần liên hệ Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh nơi gia đình ông cư trú hoặc nơi vụ việc của cháu ông xảy ra để làm thủ tục yêu cầu trợ giúp pháp lý.
Theo Điều 29 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, ông cần nộp 01 bộ hồ sơ cho Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước, gồm có:
+ Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý;
+ Giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý (Đối với trường hợp của cháu ông là bản sao Giấy khai sinh hoặc sổ hộ khẩu);
+ Các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
Việc nộp hồ sơ yêu cầu trợ giúp pháp lý có thể được thực hiện thông qua 03 hình thức:
+ Nộp trực tiếp tại trụ sở của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Gửi hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, người yêu cầu trợ giúp pháp lý nộp đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý và các giấy tờ, tài liệu có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý;
+ Gửi hồ sơ qua fax, hình thức điện tử (email,v.v.). Trường hợp này, khi gặp người thực hiện trợ giúp pháp lý, người yêu cầu trợ giúp pháp lý phải xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.