Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi; Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 về ban hành, hướng dẫn việc ghi chép, sử dụng, quản lý và lưu trữ sổ, mẫu giấy tờ, hồ sơ nuôi con nuôi và để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng ký nuôi con nuôi trong nước, Sở Tư pháp đề nghị Phòng Tư pháp các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn đến UBND cấp xã những nội dung sau:
1. Rà soát, đánh giá nhu cầu tìm gia đình thay thế cho trẻ em
Ủy ban nhân dân cấp xã hàng tháng rà soát, đánh giá nhu cầu tìm gia đình thay thế cho trẻ em cần được nhận làm con nuôi trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em không nơi nương tựa đang được cá nhân, gia đình, tổ chức tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05/3/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21/3/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi.
2. Đăng ký khai sinh cho trẻ em
Để đảm bảo quyền được đăng ký khai sinh của trẻ em theo quy định pháp luật, đề nghị Phòng Tư pháp chỉ đạo cán bộ làm công tác hộ tịch tại địa phương chủ động kiểm tra, rà soát để kịp thời hướng dẫn, đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh sống trong cộng đồng và trong các cơ sở nuôi dưỡng. Trong trường hợp cần thiết, căn cứ điều kiện thực tế của địa phương, có thể tham mưu UBND cấp xã quyết định tổ chức đăng ký khai sinh lưu động cho trẻ theo quy định tại Điều 73 Luật Hộ tịch, Điều 24, Điều 25 Thông tư số 04/2020/TT-BTP ngày 28/5/2020 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
3. Báo cáo tình hình phát triển của con nuôi
Theo quy định tại Điều 23 Luật Nuôi con nuôi, 6 tháng một lần trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đôn đốc cha, mẹ nuôi thực hiện nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của con nuôi trong trường hợp không nhận được báo cáo định kỳ theo quy định.
Đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ báo cáo hình phát triển của con nuôi trong nước, tại Điểm c Khoản 1 Điều 62 Nghị định số 80/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đã quy định về mức xử phạt.
4. Quy trình thực hiện nuôi con nuôi trong nước (Phụ lục 1 kèm theo ).
5. Thành phần hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi trong nước (Phụ lục 2 kèm theo).
Sở Tư pháp đề nghị Phòng Tư pháp triển khai các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh, đề nghị kịp thời phản ánh về Phòng Hành chính tư pháp - Sở Tư pháp để được hướng dẫn./. (Biểu mẫu Thông tư số 10/2020/TT-BTP ngày 28/12/2020 được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp, mục Hành chính tư pháp – Nuôi con nuôi – Văn bản hướng dẫn nghiệp vụ).
Tải về Phụ lục 1, phụ lục 2 kèm theo.docx
Tải về bieu mau tt10.2020.tt-btp.doc