Trách nhiệm: Uỷ ban nhân dân (viết tắt là UBND) cấp xã có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn xã, phường, thị trấn, cụ thể như sau:
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn xã/ phường/thị trấn chưa được chuyển vào cơ sở trợ giúp xã hội (viết tắt là cơ sở TGXH) cần tìm gia đình thay thế Theo Điều 14 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch (dưới đây gọi là Nghị định số 123/2015/NĐ-CP), khi nhận được thông tin về việc trẻ em bị bỏ rơi trên địa bàn xã/phường/thị trấn, UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi cần phải thực hiện những bước sau đây:
Bước 1: Tổ chức lập biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi Trách nhiệm thực hiện: Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Trưởng Công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi ngay khi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi. Trong trường hợp trẻ em bị bỏ rơi tại cơ sở y tế, Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã để tổ chức lập biên bản. Cơ sở y tế bao gồm bệnh viện cấp huyện, cấp tỉnh, cấp trung ương, trạm y tế cấp xã, trung tâm y tế cấp huyện và các cơ sở y tế khác.
Bước 2: Tìm người trong nước hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng
Theo điểm b khoản 2 Điều 15 của Luật Nuôi con nuôi và Điều 14 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, UBND cấp xã tìm người, tổ chức tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Nếu có cá nhân, gia đình cư trú tại địa bàn của xã đăng ký nhận chăm sóc thay thế theo khoản 1 Điều 38 của Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Trẻ em (dưới đây gọi là Nghị định số 56/2017/NĐ-CP), UBND cấp xã/ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã lựa chọn gia đình, cá nhân nhận chăm sóc thay thế.
Trường hợp trên địa bàn xã/phường/thị trấn không có cá nhân, gia đình nào đăng ký nhận chăm sóc thay thế hoặc tạm thời nuôi dưỡng trẻ em thì UBND cấp xã tiến hành lập hồ sơ chuyển trẻ em vào cơ sở TGXH theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Nghị định số 103/2017/ NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về việc thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội (dưới đây gọi là Nghị định số 103/2017/NĐ-CP).
Bước 3: Niêm yết công khai tìm cha, mẹ đẻ
Theo Điều 14 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, sau khi lập biên bản về việc trẻ em bị bỏ rơi, bàn giao trẻ em cho cá nhân, gia đình hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng, UBND cấp xã niêm yết công khai tìm cha, mẹ đẻ cho trẻ em tại trụ sở của UBND cấp xã trong thời hạn 7 ngày liên tục về việc trẻ em bị bỏ rơi.
Bước 4: Đăng ký khai sinh cho trẻ em
Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ.
Bước 5: Giải quyết việc nuôi con nuôi nếu có người trong nước có nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi
Theo khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 19/2011/NĐCP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định 12 chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 24/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2019 (dưới đây gọi là Nghị định số 19/2011/ NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung), trường hợp trẻ em bị bỏ rơi đã được UBND cấp xã giao tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế, nếu cá nhân, gia đình tạm thời nuôi dưỡng hoặc chăm sóc thay thế có nhu cầu nhận trẻ em làm con nuôi và đủ điều kiện nhận con nuôi thì UBND cấp xã hướng dẫn, xem xét và giải quyết việc nuôi con nuôi.