Thực hiện Kế hoạch công
tác năm 2020, sáng ngày 10/11/2020, tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương,
Cục Hộ tịch quốc tịch, chứng thực - Bộ
Tư pháp đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ chứng thực cho công chức Sở Tư pháp,
Phòng Tư pháp cấp huyện và một số công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã của 6 tỉnh,
thành khu vực phía Nam gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Bình
Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Chủ trì lớp tập huấn là ông Nguyễn Thanh
Hải - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch, chứng
thực, cùng với sự tham gia của các báo cáo viên là lãnh đạo Phòng Quản lý chứng
thực - Cục Hộ tịch quốc tịch,
chứng thực. Về phía Sở Tư pháp tỉnh
Bình Dương, tham dự buổi tập huấn có bà Nguyễn Anh Hoa - Giám đốc Sở Tư pháp, đại
diện Phòng Bổ trợ tư pháp.

(Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch, chứng thực - Bộ Tư pháp)
Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, ông Nguyễn Thanh Hải đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác chứng
thực; lưu ý các học viên về giá trị pháp lý văn bản, giấy tờ được chứng thực; hệ
quả của hoạt động chứng thực, đặc biệt là đối với chứng thực hợp đồng, giao dịch;
giới thiệu, trao đổi về quy định chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo
quy định tại Điều 10 Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về
thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; trách nhiệm của công chức,
cơ quan thực hiện chứng thực khi thực hiện nhiệm vụ này; các việc cần chuẩn bị
để có thể triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính.
Đồng chí cũng đề nghị các học viên tích cực, thẳng thắn trao đổi, thảo luận để lớp
tập huấn đạt được kết quả cao.

Các báo cáo viên của
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực đã trình bày những điểm mới đáng lưu ý của
Thông tư số 01/2020/TT-BTP (như việc chứng thực chữ ký trong tờ khai lý lịch cá
nhân, tiêu chuẩn cộng tác viên dịch thuật, trách nhiệm rà soát đội ngũ cộng tác
viên dịch thuật hàng năm của Phòng Tư pháp, việc chứng thực hợp đồng, giao dịch
tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, quy định về việc hủy bỏ giá trị pháp
lý của giấy tờ, văn bản chứng thực sai quy định…) và việc công bố thủ tục hành
chính được sửa đổi, bổ sung, thủ tục hành chính bị bãi bỏ theo quy định tại Quyết
định số 1329/QĐ-BTP; trao đổi về kinh nghiệm thực tiễn, cách thức xử lý một số
tình huống cụ thể; lưu ý một số sai sót thường gặp trong công tác chứng thực;
giải đáp trực tiếp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của học viên.

Thông qua tập huấn,
các học viên đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích về quy định của pháp luật cũng
như các vấn đề thực tiễn trong thực hiện công tác chứng thực, từ đó góp phần nâng
cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác chứng thực cho các địa phương./.