Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; thẩm quyền xử phạt; thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
(Ảnh minh họa)
Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính là cảnh cáo và phạt tiền. Trong đó mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là 50.000.000 đồng đối với cá nhân và 100.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài hình thức xử phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy hoạt động đo đạc và bản đồ, chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ từ 03 đến 12 tháng; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Trục xuất.
Nghị định còn quy định: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi cản trở tổ chức, cá nhân sử dụng mốc đo đạc khi thực hiện hoạt động đo đạc hợp pháp; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cản trở hoạt động đo đạc và bản đồ hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đo đạc và bản đồ để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động đo đạc và bản đồ để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc.
(Ảnh minh hỏa)
Ngoài ra, Nghị định còn quy định về hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cụ thể như: Điều kiện kinh doanh dịch vụ; Xây dựng, sử dụng, bảo vệ công trình hạ tầng; Lập, thực hiện đề án, dự án, thiết kế kỹ thuật - dự toán, nhiệm vụ; Kiểm tra chất lượng sản phẩm; Báo cáo; Giao nộp, cung cấp, khai thác, sử dụng và trao đổi thông tin, dữ liệu, sản phẩm và về xuất bản, lưu hành sản phẩm.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2020.
Linh - CV Phòng QLXLVPHC&TDTHPL STP.BD