1. Quán karaoke chỉ được mở cửa đến 0 giờ sáng
Đây là nội dung tại Nghị định 54/2019/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Các quán karaoke chỉ được hoạt động đến 0 giờ; các vũ trường chỉ được hoạt động đến 2 giờ sáng. Cả hai dịch vụ này đều không được mở cửa trước 08 giờ sáng.
Cũng theo Nghị định này, để mở quán karaoke phải thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Diện tích phòng hát phải từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ; không được đặt chốt cửa bên trong phòng hát.
Trong khi đó, vũ trường phải có diện tích từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ; Địa điểm vũ trường phải cách trường học, bệnh viện từ 200m trở lên.
2. Thù lao giáo viên dạy nghề sơ cấp tối đa 02 triệu đồng/người/buổi
Đây là nội dung được sửa đổi tại Thông tư 40/2019/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành.
Theo đó, mức thù lao cho giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng được quy định như sau:
- Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại cơ sở đào tạo của Nhà nước được áp dụng mức tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng;
- Người dạy nghề không thuộc trường hợp trên thì mức thù lao sẽ do Thủ trưởng cơ quan đề xuất, tối đa không quá 02 triệu đồng/người/buổi.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
3. Điều kiện chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm
Đây là một trong những nội dung được điều chỉnh tại Nghị định 62/2019/NĐ-CP sửa Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý và sử dụng đất trồng lúa.
Nghị định mới quy định rõ ràng về các điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản:
- Không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa…
- Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp xã;
- Trường hợp trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản; độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm…
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
4. Danh mục hàng hóa phải làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu nhập
Danh mục này được ban hành kèm theo Quyết định 23/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Cụ thể gồm các loại mặt hàng như: Thuốc lá điếu, chế phẩm từ thuốc lá; Rượu, bia sản xuất từ malt; Ô tô chở người dưới 16 chỗ ngồi; Bài lá; Giấy vàng mã; Hàng hóa nhập khẩu theo Danh mục có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia, vùng lãnh thổ có cảnh báo về nguy cơ dịch bệnh…
5. Tự ý cho thuê xe ô tô công, phạt đến 20 triệu đồng
Các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kể từ ngày 01/9/2019 sẽ được áp dụng theo Nghị định 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Nghị định này nêu rõ, trường hợp cho thuê trụ sở làm việc, ô tô công khi không có quyết định phê duyệt sẽ bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
Trường hợp tự ý bán thanh lý xe ô tô khi dự án kết thúc, chưa có quyết định phê duyệt cũng bị phạt tới 20 triệu đồng.
6. 09 loại bệnh truyền nhiễm nhóm B phải cách ly
Tại Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 01/9/2019, Bộ Y tế đề cập đến Danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B phải tổ chức cách ly y tế.
Danh mục gồm 09 loại bệnh, trong đó có: Bạch hầu; Ho gà; Sở; Rubella; Than; Viêm màng não do não mô cầu; Tay chân miệng; Thủy đậu; Quai bị.
Cũng theo Thông tư, đối tượng giám sát dịch bệnh, dịch bệnh là những người bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm và bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm; Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; Ổ chứa, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố nguy cơ.
7. Tập trượt băng, leo núi bắt buộc phải có người hướng dẫn
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Danh mục hoạt động thể thao bắt buộc có người hướng dẫn tại Thông tư 04/2019/TT-BVHTTDL.
Theo đó có 09 bộ môn thể thao bắt buộc phải có người hướng dẫn khi tập luyện, thi đấu, gồm: Leo núi nhân tạo; Trượt băng; Đua ngựa; Đấu kiếm thể thao; Bắn súng; Bắn cung; Thể dục dụng cụ; Thể dục nhào lộn và Đua thuyền.
Cũng tại Thông tư này, Bộ công bố Danh mục 10 hoạt động thể thao mạo hiểm, trong đó có: Dù lượn; Diều bay; Leo núi tự nhiên; Lặn biển thể thao giải trí; Mô tô nước trên biển…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
8. Không xử lý hình sự hành vi trốn đóng bảo hiểm trước 2018
Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn chi tiết về Tội gian lận bảo hiểm xã hội sẽ có hiệu lực từ ngày 01/9/2019.
Theo đó, không xử lý hình sự theo Điều 216 Bộ luật Hình sự đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
Nếu chưa xử phạt vi phạm hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì cơ quan có thẩm quyền xem xét xử phạt vi phạm hành chính.
Nếu đã xử phạt vi phạm hành chính mà bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.